Nội soi đại tràng được thực hiện như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Việc chẩn đoán các bệnh lý ống tiêu hóa gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là bất thường tại đại tràng. Hiện nay, nội soi đại tràng là kỹ thuật được ứng dụng phổ biến và có hiệu quả cao nhất trong tầm soát, điều trị bệnh lý đường tiêu hóa dưới. Bài viết sau đây sẽ đề cập chi tiết quá trình thực hiện của phương pháp thăm dò chức năng này.

1. Khái niệm và phương pháp nội soi đại tràng

Phương pháp thăm dò chức năng này còn được biết đến với tên gọi là nội soi đường tiêu hóa dưới. Đây là kỹ thuật thăm khám toàn bộ đại tràng nhờ ống nội soi mềm gắn camera đi từ hậu môn vào trực tràng, đại tràng và manh tràng.

Hình ảnh thu được từ thiết bị nội soi giúp bác sĩ phát hiện các tổn thương tại đường ruột như các ổ viêm loét, khu vực xuất huyết, polyp, khối u,… Hiện nay, có hai phương pháp nội soi phổ biến là nội soi truyền thống (không gây mê) và nội soi không đau (nội soi gây mê).

Các phương pháp nội soi đại tràng

Nội soi tiêu chuẩn và nội soi không đau là hai phương pháp được ứng dụng rộng rãi hiện nay

1.1. Nội soi truyền thống

Đây là phương pháp nội soi tiêu chuẩn có ưu điểm là chi phí thấp. Tuy nhiên, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo nên có thể cảm thấy khó chịu, căng tức hoặc đau đớn khi ống nội soi di chuyển. Nguy hiểm hơn, nếu người bệnh chuyển động, thay đổi tư thế trong quá trình thăm khám có thể khiến lòng đại tràng bị tổn thương.

Ngoài ra, không ít trường hợp người bệnh quá khó chịu, gây áp lực buộc bác sĩ phải kết thúc nội soi sớm, khiến các bất thường bị bỏ sót.

1.2. Nội soi không đau

Ngược lại, với nội soi không đau, người bệnh ngủ ngon nhờ được gây mê tĩnh mạch, không hề có cảm giác khó chịu hay đau đớn. Các nhược điểm của nội soi truyền thống đã được khắc phục, quá trình nội soi diễn ra nhẹ nhàng, nhanh chóng. Bác sĩ dễ dàng quan sát niêm mạc đại tràng và thuận lợi hơn khi can thiệp cắt polyp, lấy dị vật, cầm máu,…

Phương pháp này vẫn tồn tại một số hạn chế như chi phí cao hơn nội soi truyền thống. Trước khi nội soi, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo an toàn gây mê. Do đó, quá trình chuẩn bị sẽ kéo dài hơn so với nội soi không gây mê.

2. Các trường hợp khuyến cáo nội soi đại tràng

Sau đây là các đối tượng được khuyến cáo thực hiện nội soi đường tiêu hóa dưới:

– Người có các triệu chứng bất thường về tiêu hóa như: đau bụng không rõ nguyên nhân, rối loạn đại tiện, thay đổi thói quen đại tiện, có máu trong phân, đi ngoài phân đen,…

– Người mắc các bệnh lý đường ruột như: viêm đường ruột, viêm loét đại trực tràng,…

– Hình ảnh đại tràng trên phim chụp X quang hoặc CT có các bất thường không rõ chẩn đoán.

– Người có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng như: từng mắc polyp hoặc ung thư đại trực tràng, có thành viên trong gia đình mắc ung thư đại trực tràng, người bệnh viêm đại tràng loạn sản nặng,…

– Người khỏe mạnh muốn kiểm tra và phát hiện ung thư đại tràng sớm. Đặc biệt những người trên 40 tuổi nên thực hiện nội soi định kỳ 1 – 2 lần mỗi năm.

Người trên 40 tuổi nên nội soi đại tràng hàng năm

Các chuyên gia tiêu hóa khuyến cáo từ 40 tuổi trở lên, mỗi người nên kiểm tra đại tràng định kỳ hàng năm

3. Các bước tiến hành nội soi đại tràng

Nội soi đường tiêu hóa dưới được chia thành 3 giai đoạn chính: Trước – trong – sau khi nội soi. Mỗi giai đoạn diễn ra cụ thể như sau:

3.1. Trước khi nội soi đại tràng

Người bệnh khám ban đầu với bác sĩ Tiêu hóa và thực hiện các xét nghiệm cần thiết trước khi nội soi. Người bệnh cần thông báo với bác sĩ về tiền sử bệnh lý, các loại thuốc đang sử dụng, tình trạng mang thai hoặc nghi ngờ mang thai.

Đây là bước bắt buộc cần thực hiện để đảm bảo an toàn khi nội soi. Bởi trường hợp có bệnh nền nghiêm trọng, đang dùng thuốc chống đông máu có thể xảy ra biến chứng nghiêm trọng khi can thiệp nội soi.

Người bệnh được cấp và hướng dẫn sử dụng thuốc làm sạch đại tràng. Đồng thời, người bệnh có thể được yêu cầu dừng sử dụng một số loại thuốc trước và trong ngày nội soi như: thuốc sắt, thuốc trị tiểu đường, thuốc chống đông máu,…

Một ngày trước ngày nội soi, người bệnh không ăn thức ăn rắn, cứng; chỉ nên ăn thực phẩm lỏng và ít chất xơ; không uống nước có màu. Người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng và nhịn uống ít nhất 2 tiếng trước nội soi để đảm bảo hiệu quả quan sát, chẩn đoán.

3.2. Trong quá trình nội soi

Người bệnh nằm nghiêng bên trái, chân phải co cao gần ngang bụng. Bác sĩ sẽ dùng thuốc giảm đau, thuốc gây tê (với nội soi truyền thống) và gây mê tĩnh mạch (với nội soi không đau) cho người bệnh. Sau đó ống nội soi sẽ được đưa qua hậu môn vào đại tràng.

Người bệnh nội soi không đau sẽ ngủ ngon trong suốt quá trình nên hoàn toàn không thấy đau hay khó chịu. Trường hợp nội soi truyền thống có thể thấy khó chịu, đau tức bụng. Người bệnh cần giữ bình tĩnh, hít thở sâu, nằm im để quá trình nội soi không bị gián đoạn.

Thời gian thăm khám đại tràng thường giao động trong khoảng 20 – 30 phút tùy theo tình trạng cụ thể của người bệnh. Trường hợp cần can thiệp điều trị (như cắt polyp, cầm máu,…) sẽ cần thời gian thực hiện kéo dài hơn.

Nội soi đại tràng tại Hệ thống Y tế Thu Cúc

Người bệnh thực hiện nội soi tiêu hóa tại Hệ thống Y tế Thu Cúc

3.3. Sau khi nội soi

Người bệnh sẽ nghỉ ngơi đến khi giảm bớt tình trạng khó chịu ở bụng hoặc tan hết thuốc mê. Sau khi nội soi, một số triệu chứng có thể xuất hiện gồm: cảm giác đau nhẹ âm ỉ vùng bụng, chướng bụng, buồn đại tiện. Người bệnh thực hiện cắt polyp hoặc sinh thiết có thể thấy máu xuất hiện trong phân với lượng ít.

Các biểu hiện này đều không đáng lo ngại và sẽ nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng như đau bụng dữ dội, chóng mặt, sốt, đại tiện ra máu nhiều,…

Người bệnh sẽ được nhận kết quả nội soi và chờ đọc kết quả với bác sĩ Tiêu hóa. Một số cơ sở y tế sẽ hỗ trợ suất ăn nhẹ cho người bệnh, chẳng hạn như Hệ thống Y tế Thu Cúc.

3.4. Đọc kết quả nội soi đại tràng

Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả nội soi để đưa ra các chẩn đoán về tình trạng sức khỏe người bệnh:

– Kết quả nội soi bình thường: Bác sĩ loại trừ các bệnh lý ở đại trực tràng, chuyển hướng chẩn đoán qua các khả năng khác.

– Kết quả không bình thường: Bác sĩ đưa ra kết luận bệnh lý và hướng điều trị cụ thể. Bác sĩ sẽ kê thuốc, hẹn lịch tái khám nếu cần thiết, đồng thời hướng dẫn người bệnh cách ăn uống và chăm sóc sức khỏe sau nội soi.

Nếu tầm soát ung thư đại tràng sớm, người bệnh có thể tạm thời yên tâm nếu kết quả không có bất thường. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt và tần suất thăm khám để kiểm soát hiệu quả.

Quy trình thực hiện nội soi đại tràng đã được nêu rõ trong bài viết. Đây là phương pháp thăm dò chức năng hiệu quả, an toàn giúp phát hiện và điều trị bệnh lý đường tiêu hóa dưới. Hãy chủ động nội soi tại cơ sở y tế uy tín để kiểm soát tốt nhất sức khỏe đại tràng của chính bạn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital