“Niềng răng hô mất bao lâu” là mối quan tâm của nhiều người, đặc biệt là khi, thủ thuật niềng răng thường có chi phí không nhỏ và mất nhiều thời gian để nhìn nhận kết quả. Hãy cùng bác sĩ TCI tìm hiểu về vấn đề niềng răng và giải đáp thắc mắc này cùng bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về niềng răng
1.1. Niềng răng là gì?
Niềng răng, hay còn gọi là chỉnh nha, là một phương pháp nha khoa nhằm sắp xếp lại vị trí của các răng để cải thiện thẩm mỹ và chức năng của hàm răng. Để làm được điều này, các bác sĩ nha khoa sẽ sử dụng các khí cụ nha khoa, chẳng hạn như mắc cài và dây cung, để tạo ra lực nhẹ lên răng, di chuyển chúng về vị trí mong muốn. Nhờ niềng răng, chúng ta không chỉ điều trị, cải thiện chức năng nhai, tăng cường sức khỏe răng miệng mà còn khắc phục được những vấn đề về thẩm mỹ do răng mọc lệch, răng hô, răng thưa, móm,…
1.2. Đối tượng nào nên niềng răng?
Chúng ta nên nghĩ đến niềng răng nếu có những vấn đề như:
– Răng mọc lệch
+ Răng hô (răng vẩu/ khớp cắn sâu): Hàm trên phát triển vượt mức bình thường, gây mất thẩm mỹ nhất là khi nhìn nghiêng và chính diện.
+ Răng móm: Hàm dưới phát triển quá mức so với hàm trên.
+ Răng khểnh: Răng mọc chen chúc, không thẳng hàng.
+ Răng thưa: Khoảng cách bất thường, rộng giữa các răng.
+ Răng mọc ngầm: Răng mọc lệch lạc bên trong xương hàm và không thể mọc lên bình thường.
– Khớp cắn sai lệch
+ Khớp cắn hở: Khi cắn chặt răng, các răng trước không chạm vào nhau.
+ Khớp cắn chéo: Răng hàm trên và dưới không khớp nhau đúng vị trí.
Những vấn đề này thường gây tình trạng: khó khăn khi nhai, đau nhức khớp thái dương hàm, rối loạn phát âm,… Một số bệnh lý răng miệng cũng có thể hình thành như: sâu răng, viêm nướu, tụt lợi,… Bên cạnh đó, tính thẩm mỹ cũng là một trong những vấn đề chính từ việc răng mọc lệch, khớp cắn sai gây nên, tạo ra những nụ cười không đẹp, khiến chúng ta mất tự tin khi giao tiếp.
2. Vấn đề răng hô và niềng răng hô
2.1. Răng hô
Răng hô (hay còn gọi là răng vẩu, răng vổ) là một dạng sai lệch khớp cắn phổ biến, xảy ra khi hàm trên nhô ra phía trước so với hàm dưới quá mức.
Đặc điểm của răng hô:
– Hàm trên nhô ra phía trước: Khi nhìn nghiêng, có thể dễ dàng nhận thấy phần hàm trên chìa ra ngoài so với hàm dưới.
– Răng hàm trên không khớp với răng hàm dưới: Khi cắn chặt răng, các răng hàm trên và dưới không thể khít chặt vào nhau.
– Có thể kèm theo các triệu chứng khác: Khó khăn khi ăn nhai, phát âm, đau nhức khớp thái dương hàm,…
Nguyên nhân gây ra tình trạng răng hô khá đa dạng. Điều này có thể do yếu tố di truyền, thói quen mút ngón tay, ngậm ti giả quá lâu, thở bằng miệng,… Một số người có thể bị răng hô do thiếu hụt không gian mọc răng, hoặc đôi khi là do tăng trưởng xương hàm quá mức. Những nguyên nhân này dẫn đến tình trạng hô, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề như: thẩm mỹ, ăn uống, phát âm, sức khỏe răng miệng,…
Để điều trị răng hô, người ta thường dùng một trong hai phương pháp: niềng răng và phẫu thuật chỉnh hàm. Trong đó, phẫu thuật chỉnh hàm chỉ được áp dụng trong một số trường hợp răng hô nặng do do dị tật bẩm sinh hoặc chấn thương. Các trường hợp răng hô nhẹ sẽ dùng phương pháp niềng răng tương ứng.
2.2. Niềng răng hô mất bao lâu?
Về vấn đề thời gian niềng răng hô, các bác sĩ khoa Răng Hàm Mặt TCI cho biết, thời gian này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
– Mức độ phức tạp của răng: Răng hô nhẹ thường mất ít thời gian niềng răng hơn so với răng hô nặng. Răng hô phức tạp, kèm theo các vấn đề về khớp cắn hoặc thiếu hụt không gian mọc răng sẽ mất nhiều thời gian niềng răng hơn.
– Độ tuổi: Người niềng ở độ tuổi trẻ thường có thời gian hoàn thành nhanh hơn người niềng răng trễ, vì xương hàm khi đó mềm và dễ uốn nắn, tác động hơn.
– Sức khỏe răng miệng: Nếu người bệnh có các vấn đề về sức khỏe răng miệng như sâu răng, viêm nướu,… thì thời gian niềng răng sẽ phải phụ thuộc vào việc điều trị này, dẫn đến có thể lâu hơn.
– Phương pháp niềng răng: Chất lượng khí cụ niềng răng cũng ảnh hưởng đến thời gian niềng. Do đó, việc lựa chọn các cơ sở nha khoa hiện đại, cơ sở vật chất tốt luôn là điều quan trọng ảnh hưởng đến thời gian quá trình niềng răng.
– Sự hợp tác của người bệnh: Nếu người bệnh tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ, thực hiện vệ sinh, ăn uống với chế độ phù hợp, thì thời gian niềng răng sẽ không bị kéo dài thêm.
Nhìn chung, thời gian niềng răng hô thường dao động từ 18 đến 36 tháng. Tuy nhiên, thời gian này chỉ mang tính chất ước tính. Thời gian thực tế niềng răng có thể có thay đổi tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
2.3. Có thể biết trước niềng răng hô mất bao lâu không?
Điều này là hoàn toàn có thể. Sau khi thăm khám, kiểm tra tình trạng răng cũng như sau tham khảo một số vấn đề sức khỏe khác, bác sĩ nha khoa sẽ đưa ra phương pháp niềng răng cụ thể với thời gian ước tính hợp lý tùy tình trạng răng. Cũng cần chú ý rằng, thời gian ước tính này có thể kéo dài hơn nếu trong quá trình niềng phát sinh những yếu tố ảnh hưởng đến từ người bệnh. Trong quá trình theo dõi định kỳ, bác sĩ sẽ cân nhắc điều chỉnh thời gian dự kiến này để người bệnh có thể an tâm cũng như có kế hoạch riêng cho bản thân phù hợp.
3. Quy trình niềng răng
Căn cứ vào quy trình niềng răng, bạn có thể theo dõi quá trình thực hiện niềng răng của mình, cũng như ước tính thời gian cụ thể cho các công đoạn trong quá trình niềng răng chính xác. Quy trình niềng răng cơ bản sẽ bao gồm:
– Khám và tư vấn: Bác sĩ nha khoa sẽ khám tổng quát răng miệng, chụp X-quang và lấy dấu răng để đánh giá tình trạng răng của bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về phương pháp niềng răng phù hợp, thời gian điều trị và chi phí.
– Lắp đặt khí cụ: Theo lịch hẹn, bác sĩ sẽ gắn mắc cài và dây cung lên từng chiếc răng. Mắc cài được gắn vào bề mặt răng, còn dây cung được luồn qua các mắc cài và cố định bằng dây thun hoặc kẹp.
– Điều chỉnh lực: Bác sĩ sẽ định kỳ điều chỉnh lực của dây cung để răng dần về vị trí mong muốn. Quá trình này đôi khi sẽ gây ra cảm giác ê buốt nhẹ trong vài ngày với những người răng nhạy cảm.
– Tháo khí cụ: Khi răng đã di chuyển về vị trí mong muốn, bác sĩ sẽ tháo các khí cụ niềng răng.
– Đeo duy trì: Sau khi tháo khí cụ, bạn cần đeo hàm duy trì trong một thời gian ngắn theo quy định để giữ cho răng không bị xô lệch trở lại.
Nhìn chung, niềng răng hô mất bao lâu phụ thuộc vào tùy từng trường hợp, độ khó của răng, bác sĩ điều trị, phương pháp lựa chọn, cũng như sự hợp tác từ người bệnh. Để an tâm rút ngắn thời gian điều trị niềng răng cho mình và đảm bảo kết quả điều trị, bạn hãy chú ý chọn cho mình cơ sở điều trị uy tín, hiện đại, bác sĩ tay nghề cao và thực hiện chăm sóc răng miệng đúng cách trong quá trình niềng răng của mình.