Siêu âm thai định kỳ được xem là một trong những bước cần thiết để giúp các mẹ bầu khảo sát tình trạng của thai nhi, quá trình phát triển của con trong bụng mẹ. Ngoài ra, quá trình siêu âm theo từng mốc tuần thai cũng cho các mẹ làm rõ những thông tin quan trọng như trọng lượng, kích thước thai nhi, nhịp tim, vị trí, thời gian dự sinh và cả phương pháp sinh nở phù hợp. Dưới đây là những mốc siêu âm thai mà các mẹ nhất định không thể bỏ lỡ khi khám thai.
Menu xem nhanh:
1. Siêu âm thai – bước không thể bỏ qua trong mỗi buổi khám thai
Siêu âm thai là kỹ thuật chẩn đoán các vấn đề về thai nhi qua hình ảnh. Hình ảnh này được ghi lại qua các sóng âm đi qua bụng mẹ. Quá trình siêu âm thai được khẳng định không gây đau đớn, khó chịu, không mang lại bất cứ tác dụng phụ nào ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ bầu.
Phương pháp siêu âm không thể tiến hành bừa bãi mà cần thông qua chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Việc thực hiện siêu âm nên được diễn ra cùng lúc với mỗi buổi khám thai định kỳ.
Các bác sĩ có thể thực hiện siêu âm thai qua những hình thức sau:
– Siêu âm đầu dò:
Siêu âm đầu dò là phương pháp sử dụng đầu dò đưa vào âm đạo, nhằm phát hiện các vấn đề tồn tại ở tử cung, cổ tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng. Hình ảnh được thể hiện rõ nét dưới tác động của sóng âm tần cao.
Phương pháp này thường được sử dụng để xác định vị trí của thai nhi khi mẹ có tình trạng chậm kinh, đặc biệt giúp phát hiện sớm chửa ngoài tử cung. Trong trường hợp thai phụ chửa ngoài tử cung, siêu âm đầu dò cũng sẽ giúp sàng lọc sớm những biến chứng xảy ra nếu túi thai bị vỡ như vỡ ống dẫn trứng, nhiễm trùng,…
– Siêu âm thành bụng:
Bác sĩ siêu âm sẽ bơm gel chuyên dụng mẹ bầu và sử dụng đầu dò của máy siêu âm, tiến hành thao tác ngay trên thành bụng của thai phụ. Siêu âm thành bụng là phương pháp phổ biến nhất, được sử dụng ở hầu hết các mốc tuần thai.
Siêu âm thành bụng có thể thực hiện qua hình thức siêu âm 2D, 3D, 4D hoặc 5D. Những hình thức siêu âm này cho mẹ thấy rõ sự phát triển về hình thái của thai nhi, phân tích về những bất thường tại các cơ quan bên ngoài, thậm chí bên trong như tim, phổi, não,… của bé.
Ngoài ra, các mẹ cũng có thể được siêu âm Doppler nhằm kiểm tra các bất thường tại mạch máu, các vấn đề ở tim thai như thông liên nhĩ, thông liên thất,… và cả lượng oxy, dinh dưỡng và tuần hoàn máu trong cơ thể thai nhi. Nhờ phương pháp siêu âm này, các mẹ biết được mức độ tiếp nhận chất dinh dưỡng và oxy của thai, chẩn đoán về thể trạng, sàng lọc dị tật, đặc biệt là nguy cơ suy thai do hấp thụ dinh dưỡng kém.
2. Tại sao cần siêu âm thai? Các mốc siêu âm quan trọng khi khám thai
Thông thường, khi thực hiện các buổi khám thai, siêu âm thai là bước mà các mẹ bầu không bao giờ bỏ qua. Bác sĩ cũng thường chỉ định siêu âm trong mỗi buổi khám thai để có thể phân tích một cách tổng quát, đưa ra hướng cải thiện, quản lý thai kỳ phù hợp với thai phụ.
2.1. Tại sao các mẹ cần thực hiện siêu âm thai định kỳ?
Siêu âm thai không chỉ giúp mẹ bầu xác định được tuổi thai, tính được ngày dự sinh mà còn giúp:
– Cho thấy rõ hình thái thai nhi và quá trình phát triển hiện tại.
– Tầm soát những biến chứng, dị tật có thể xảy ra ở từng mốc tuần thai, từng giai đoạn phát triển của thai.
– Kiểm tra, đánh giá một số vấn đề ở thai phụ như hiện tượng xuất huyết âm đạo, nôn mửa, đau bụng,…
Siêu âm thai định kỳ là cách nhanh chóng và thuận tiện nhất trong việc theo dõi sức khỏe thai sản. Nhờ kết quả siêu âm, bác sĩ có thể nhanh chóng đưa ra những lời khuyên, sự tư vấn phù hợp nhất để mẹ bầu có kế hoạch quản lý thai kỳ hiệu quả hơn.
2.2. Các mốc siêu âm thai định kỳ quan trọng thai phụ không thể bỏ lỡ
Có rất nhiều mốc tuần thai quan trọng mà mẹ bầu cần thực hiện khám thai. Tuy nhiên, với việc kiểm tra, đánh giá sức khỏe thai kỳ bằng phương pháp siêu âm, các mẹ vẫn nên lưu ý, ghi nhớ những mốc sau đây:
– Siêu âm từ tuần thứ 5 đến tuần thứ 8:
Như chúng ta đều biết, việc siêu âm thai không nên thực hiện quá sớm, khi túi thai còn chưa được hình thành. Thời điểm lý tưởng để tiến hành siêu âm thai, xác định chắc chắn bản thân đã có thai hay chưa chính từ tuần thai thứ 5 đến tuần thai thứ 8. Đặc biệt, ở tuần thai thứ 8, thai nhi trong bụng còn có thể xuất hiện nhịp tim, cần được theo dõi để làm căn cứ cho những lần khám, siêu âm sau.
– Siêu âm từ tuần thai thứ 11 đến tuần thai thứ 13:
Đây là thời điểm “vàng” để thực hiện siêu âm thai, sàng lọc những vấn đề, bệnh lý xuất phát từ bất thường nhiễm sắc thể. Các mẹ cũng có thể biết được tuổi thai, chiều dài đầu – mông để kiểm tra tốc độ phát triển của thai nhi, kiểm tra số lượng thai, tình trạng bánh nhau, buồng ối,… Đồng thời, siêu âm ở tuần thai này, bác sĩ sẽ phân tích cụ thể hơn về hình thái thai nhi, đánh giá được chính xác khoảng mở bên trong não, sàng lọc nguy cơ dị tật ống thần kinh sớm.
– Siêu âm từ tuần thai thứ 18 đến tuần thai thứ 22:
Thai nhi ở giai đoạn này đã bắt đầu có sự phát triển vượt bậc cả về các cơ quan, bộ phận bên trong lẫn bên ngoài. Vì vậy, việc siêu âm đã có thể đánh giá khá chi tiết, cụ thể về cấu trúc của thai. Việc siêu âm ở mốc tuần thai này cũng giúp cho việc theo dõi, kiểm tra các cơ quan nội tạng của thai nhi được dễ dàng hơn.
Quá trình siêu âm, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra xem thai có vấn đề bất thường nào về não bộ, hộp sọ, có mắc tình trạng sứt môi – hở hàm ếch không, cột sống, thành bụng và tim thai,… của bé có ổn hay không.
Mẹ bầu có thể kiểm tra tình trạng bánh rau, nước ối, dây rốn. Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp đánh giá chiều dài cổ tử cung để hạn chế tình trạng đẻ non.
– Siêu âm từ tuần thai thứ 30 đến tuần thai thứ 32:
Tuần thai từ 30 đến 32 là mốc tuần thai mà bác sĩ có thể đánh giá cụ thể, chi tiết nhất tình trạng của thai nhi. Cân nặng của thai lúc này đã có thể đạt tới 1,7 kg. Các bộ phận trên cơ thể đã hoàn thiện, tăng trưởng ở mức độ ổn định. Các cơ quan nội tạng bên trong cũng đã được kích hoạt, bé có nhiều biểu cảm sinh động hơn.
Ngoài ra, mốc siêu âm thai định kỳ này cũng giúp mẹ nhận thức rõ hơn về một số vấn đề của bản thân. Cảm giác khó thở, đau, tức tại bàng quang, khó chịu và thường xuyên ợ nóng,… có phải là những triệu chứng bất thường hay không? Tất cả sẽ được lý giải thông qua mốc siêu âm này.
Lần siêu âm này, bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra xem thai nhi đã dần ổn định vị trí, chuẩn bị cho ngày chào đời hay chưa. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ thông qua hình ảnh, một số chỉ số xác định được thông qua việc siêu âm để hướng dẫn chị em cân đối chế độ dinh dưỡng tốt nhất trong giai đoạn này.
Một buổi siêu âm thai thường kéo dài khoảng 30 phút. Tuy nhiên, trong những trường hợp thai nhi không mấy hợp tác, không quay ra để bố mẹ nhìn mặt hoặc nằm ở tư thế khó, bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ đi lại một chút để quá trình siêu âm thuận lợi và đạt được hiệu quả tốt hơn.
Bên cạnh những mốc siêu âm thai này, thai phụ có thể thực hiện siêu âm theo các buổi khám thai định kỳ được bác sĩ chỉ định. Thế nhưng, việc siêu âm quá nhiều cũng không được khuyến khích. Tốt nhất, chị em nên lựa chọn một địa chỉ phù hợp, uy tín để theo dõi thai kỳ theo một lộ trình xuyên suốt, khoa học.
3. Những lưu ý mẹ bầu cần nhớ trước khi siêu âm
Để quá trình siêu âm, khám thai đạt kết quả tốt và diễn ra thuận lợi, các mẹ cần lưu ý một vài vấn đề sau:
– Thực hiện khám thai và siêu âm định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ vào các mốc tuần quan trọng.
– Mặc đồ rộng, thoáng để tiện cho quá trình siêu âm.
– Không nên lạm dụng việc siêu âm, siêu âm quá thường xuyên.
– Có thể uống nhiều nước và nhịn tiểu trước khi thực hiện siêu âm để bàng quang căng lên, giúp việc chẩn đoán hình ảnh rõ nét hơn.
– Chỉ nên bắt đầu siêu âm sau khi chậm kinh khoảng 3 tuần, giúp bạn đạt được mục đích đi siêu âm, kiểm tra bản thân đã có thai hay chưa.
Trên đây là những thông tin thai phụ cần nắm rõ về việc siêu âm thai định kỳ. Quan trọng nhất, chị em vẫn nên tìm đến những địa chỉ uy tín, có hệ thống máy móc hiện đại, bác sĩ chuyên khoa giỏi để thực hiện quản lý thai kỳ theo lộ trình rõ ràng.
Hiện tại, với thai phụ mang thai từ 8 tuần trở lên, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI có cung cấp dịch vụ Thai sản trọn gói, bao gồm dịch vụ chăm sóc sức khỏe thai kỳ theo từng mốc tuần thai quan trọng. Theo đó, mỗi buổi khám thai, các mẹ bầu sẽ được thực hiện những xét nghiệm cần thiết, thăm khám theo từng hạng mục để đánh giá chi tiết nhất cũng như nắm rõ những vấn đề có thể gặp phải trong thai kỳ, được tư vấn, hướng dẫn chăm sóc, cải thiện sao cho phù hợp với tình trạng của bản thân.
Hệ thống máy móc hiện đại, luôn được cập nhật và cải tiến sẽ cho các mẹ bầu có những trải nghiệm tốt nhất, cho kết quả nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình tư vấn sức khỏe thai kỳ. Đội ngũ bác sĩ Sản khoa có chuyên môn cao, tận tâm, nhiệt tình, luôn đưa tới cho thai phụ những lời khuyên hữu ích và có hướng cải thiện thai kỳ một cách tốt nhất, giúp cho các mẹ yên tâm hơn về quá trình sinh nở trở.
Siêu âm thai định kỳ là một bước không thể thiếu trong hành trình quản lý thai kỳ. Bởi vậy, các mẹ bầu hãy thật sáng suốt và lựa chọn cho mình một địa chỉ phù hợp để có những buổi siêu âm thực sự hiệu quả.