Những điều cần biết về hóa trị ung thư máu

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

Không giống như hầu hết các loại ung thư khác, để điều trị ung thư máu thì phương pháp đầu tiên được cân nhắc là hóa trị thay vì phẫu thuật. Vậy tại sao các bác sĩ lại quyết định như vậy, và cần phải lưu ý những gì khi hóa trị ung thư máu? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay bây giờ nhé!

1. Hóa trị ung thư máu là gì?

Tùy thuộc vào loại ung thư máu cụ thể, tình trạng bệnh thực tế, tuổi tác của người bệnh cũng như một số yếu tố khác mà bác sĩ sẽ có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau. Trong đó, hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc hóa chất có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách tiêm, uống trực tiếp hoặc truyền thuốc theo chu kỳ.

Do ung thư máu không hình thành khối u nên thường không được chỉ định phẫu thuật như các bệnh ung thư khác. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư máu thường đi khám và được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, đã xảy ra di căn. Lúc này, hóa trị được coi là phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân ung thư máu vì có thể tiêu diệt tế bào ung thư ở cả vị trí hình thành và những bộ phận bị xâm lấn đến.

Hóa trị có thể được kết hợp với những phương pháp khác để tối ưu hiệu quả điều trị ung thư máu, điển hình như liệu pháp sinh học, thay tủy hay ghép tế bào gốc.

2. Cơ chế tác động và các chu kỳ của phương pháp hóa trị

Cơ chế tác động

Bằng việc đưa các hóa chất đặc hiệu vào cơ thể người bệnh, hóa trị sẽ kìm hãm sự phát triển và tiêu diệt các tế bào ung thư. Các loại thuốc này từ từ làm giảm tốc độ phân chia của tế bào ung thư rồi ức chế mọi hoạt động của chúng.

Với các bệnh nhân ung thư máu giai đoạn muộn, hóa trị được sử dụng với mục tiêu hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư và giảm thiểu triệu chứng gây ra bởi ung thư. Đồng thời hóa trị cũng giúp kéo dài thời gian sống, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Hóa trị ung thư máu qua đường tĩnh mạch

Người bệnh có thể được truyền tĩnh mạch để các loại thuốc hóa trị từ từ đi vào cơ thể

Chu kỳ hóa trị trong điều trị ung thư máu

Hóa trị thường được thực hiện theo từng chu kỳ, tuy nhiên chu kỳ hóa trị cho bệnh nhân ung thư máu sẽ kéo dài hơn bình thường do cần đảm bảo đủ 3 giai đoạn:

– Điều trị cảm ứng

– Điều trị sau thuyên giảm

– Điều trị củng cố.

Mỗi liệu trình hóa trị có thể sử dụng duy nhất một loại thuốc hoặc cần phải kết hợp cùng lúc nhiều loại thuốc. Các thuốc này có thể phân biệt tế bào ung thư với các tế bào thường bằng đặc điểm tăng sinh nhanh nên thuốc cũng có thể tác động lên các tế bào bình thường có cùng đặc điểm này, từ đó gây ra một số tác dụng phụ.

3. Một số tác dụng phụ của hóa trị ung thư máu

Như đã đề cập ở trên, các loại thuốc hóa trị có thể gây ra tác dụng với cả tế bào ung thư và tế bào bình thường, dẫn tới một số tác dụng phụ thường gặp như sau:

3.1. Cơ thể mỏi mệt, chán ăn

Những triệu chứng này có thể là biểu hiện sớm của tình trạng thiếu máu trên cơ thể người bệnh. Tuy nhiên chúng cũng có thể xuất hiện do tác dụng phụ khi điều trị ung thư máu bằng phương pháp hóa trị.

3.2. Tê buốt ở chân và tay

Hóa trị có thể khiến cho việc tuần hoàn ở các mạch máu và dây thần kinh kém thông suốt, dẫn tới tình trạng các đầu ngón tay và đầu ngón chân của người bệnh bị tê buốt.

Tê chân khi hóa trị ung thư máu

Một số người bệnh ung thư máu khi hóa trị sẽ cảm thấy tay chân tê buốt

3.3. Da dẻ xanh xao, thiếu sức sống

Khi một người mắc ung thư máu, các tế bào ung thư ác tính sẽ phá hủy hồng cầu, gây nên tình trạng thiếu máu. Nhưng hãy lưu ý, nếu điều trị bằng hóa chất thì các loại thuốc này cũng có thể tiêu diệt nhầm các tế bào hồng cầu có trong máu. Lúc này da dẻ bệnh nhân sẽ có biểu hiện xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt và thiếu sức sống.

3.4. Rụng tóc

Rụng tóc có lẽ là một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của hóa trị ung thư máu nói riêng và hóa trị các bệnh ung thư nói chung. Hóa chất dùng để điều trị ung thư có thể gây hại cho các cơ quan đang sinh trưởng nhanh, trong đó có các tế bào biểu bì và lông tóc trên cơ thể người. Các tế bào này khi bị kìm hãm và tiêu diệt sẽ dẫn đến rụng tóc.

Tuy nhiên người bệnh cũng đừng quá lo lắng, tình trạng này có thể chấm dứt sau khi liệu trình hóa trị ung thư kết thúc. Khi đó, tóc của người bệnh sẽ từ từ mọc dài lại như trước.

Rụng tóc khi hóa trị ung thư máu

Rụng tóc có thể coi là một tác dụng phụ không thể tránh khỏi khi thực hiện hóa trị

3.5. Buồn nôn và nôn ói

Một số loại thuốc hóa trị được sử dụng với liều lượng trên 1500 mg/m2 có thể gây cảm giác buồn nôn và khiến người bệnh nôn ói ở mức độ nặng. Các loại thuốc khác như ifosfamide, epirubicin, doxorubicin và oxaliplatin có thể gây buồn nôn và nôn ói ở mức độ trung bình.

Đây đều là những tác dụng phụ thường gặp khi thuốc hóa trị tác động lên trung tâm chống nôn và hệ tiêu hóa trong quá trình điều trị ung thư máu.

3.6. Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón

Hóa trị ung thư thường có những ảnh hưởng nhất định đến hệ tiêu hóa, làm thay đổi quá trình hấp thu và thải trừ diễn ra ở đại tràng. Từ đó gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc táo bón tùy theo từng trường hợp cụ thể.

3.7. Cơ thể dễ bị chảy máu, nôn ra máu

Một số loại hóa chất điều trị ung thư máu có thể làm giảm dòng tiểu cầu, gây ảnh hưởng đến chức năng đông máu nên người bệnh sễ bị chảy máu, xuất hiện vết bầm tím hoặc thậm chí là nôn ra máu. Đặc biệt, nữ giới có thể xuất hiện cả tình trạng rối loạn kinh nguyệt.

Để hạn chế tối đa các tác dụng phụ gây ra bởi hóa trị, người bệnh ung thư máu cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Đồng thời cũng cần trao đổi ngay với bác sĩ nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể để được xử lý kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital