Ợ nóng (heartburn) là một triệu chứng tiêu hóa phổ biến mà nhiều người gặp phải. Đối với một số người, tình trạng ợ nóng chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện và không gây nhiều phiền toái. Tuy nhiên, có những trường hợp hiện tượng ợ nóng xảy ra thường xuyên và có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng hơn về sức khỏe. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về chứng ợ nóng thường xuyên gồm triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Ợ nóng là gì?
Ợ nóng là cảm giác nóng rát ở phía sau xương ức, thường bắt đầu từ vùng bụng trên và lan dần lên cổ. Hiện tượng này xảy ra khi axit trong dạ dày trào ngược lên thực quản, gây kích ứng niêm mạc của thực quản. Thực quản là một ống nối từ họng đến dạ dày và không được bảo vệ tốt khỏi axit dạ dày như lớp niêm mạc dạ dày. Khi axit trào ngược lên, nó sẽ gây cảm giác khó chịu, nóng rát ở thực quản.
Nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, ợ nóng thường xuyên có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm:
– Viêm thực quản: Khi axit dạ dày liên tục tiếp xúc với niêm mạc thực quản, nó có thể gây ra viêm, loét và tổn thương niêm mạc.
– Hẹp thực quản: Viêm và tổn thương kéo dài có thể dẫn đến sự hình thành của mô sẹo, làm hẹp thực quản và gây khó nuốt.
– Barrett thực quản: Đây là tình trạng mà các tế bào niêm mạc của thực quản biến đổi thành các tế bào bất thường, có nguy cơ phát triển thành ung thư thực quản.
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra hiện tượng ợ nóng thường xuyên
Ợ nóng thường xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới (lower esophageal sphincter – LES), một cơ nằm ở giữa thực quản và dạ dày, hoạt động không hiệu quả. Cơ này có chức năng như một van, cho phép thức ăn từ thực quản vào dạ dày và sau đó đóng lại để ngăn axit trào ngược. Khi cơ này yếu hoặc không đóng chặt, axit dạ dày có thể dễ dàng trào ngược lên thực quản, gây ợ nóng.
Dưới đây là một số yếu tố khiến cơn ợ nóng dễ xảy ra:
– Chế độ ăn uống: Các thực phẩm như đồ cay, nhiều dầu mỡ, cà chua, cam quýt, sô-cô-la, bạc hà và caffeine có thể kích thích dạ dày sản sinh nhiều axit hơn, làm tăng nguy cơ ợ nóng.
– Thói quen sinh hoạt: Ăn quá no, ăn quá nhanh hoặc nằm ngay sau khi ăn có thể làm tăng áp lực lên dạ dày và gây trào ngược axit.
– Thừa cân hoặc béo phì: Khi có quá nhiều mỡ quanh bụng, áp lực lên dạ dày tăng lên, dễ dẫn đến hiện tượng axit trào ngược.
– Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như aspirin, ibuprofen và các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể gây ra hoặc làm tình trạng ợ nóng nặng thêm.
– Stress và căng thẳng: Mặc dù không phải là nguyên nhân trực tiếp, nhưng căng thẳng có thể làm tình trạng ợ nóng trở nên nghiêm trọng hơn.
– Thai kỳ: Nhiều phụ nữ mang thai trải qua hiện tượng ợ nóng do sự thay đổi về hormone và áp lực từ tử cung lên dạ dày.
3. Triệu chứng của ợ nóng thường xuyên
Ngoài cảm giác nóng rát sau xương ức, những người bị ợ nóng thường xuyên có thể trải qua các triệu chứng khác như:
– Cảm giác đắng hoặc chua trong miệng do axit dạ dày trào ngược lên.
– Khó nuốt hoặc cảm giác mắc nghẹn khi ăn.
– Ho khan, khàn giọng hoặc viêm họng mạn tính.
– Đau ngực, đôi khi có thể bị nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh tim.
– Đầy hơi, buồn nôn hoặc nôn mửa.
Nếu bạn gặp các triệu chứng trên thường xuyên (ít nhất hai lần mỗi tuần), có thể bạn đang bị trào ngược dạ dày – thực quản mạn tính (GERD) và cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
5. Cách chẩn đoán và điều trị ợ nóng thường xuyên
5.1 Cách chẩn đoán hiện tượng ợ nóng thường xuyên
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ của tình trạng ợ nóng, bạn cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín. Các bác sĩ sẽ tiến hành khai thác triệu chứng, bệnh sử cũng như khám cận lâm sàng để dự đoán nguyên nhân gây bệnh. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp sau:
– Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng (EGD): Phương pháp phổ biến để kiểm tra tình trạng viêm, loét thực quản, dạ dày hoặc bất thường khác trong hệ tiêu hóa. Qua đó đánh giá tình trạng trào ngược axit và xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
– Chụp X-quang với barium: Phát hiện rõ các bất thường trong cấu trúc hoặc sự hoạt động của hệ tiêu hóa nhờ dung dịch chứa barium.
– Đo pH thực quản 24 giờ: Đo lượng axit trong thực quản trong một khoảng thời gian cụ thể nhằm xác định mức độ axit hóa và thời gian axit trào ngược lên thực quản.
– Đo áp lực thực quản độ phân giải cao (HRM): Kiểm tra chức năng của cơ thực quản xem có suy yếu hay không. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ợ nóng do trào ngược.
5.2 Cách điều trị hiện tượng ợ nóng thường xuyên
Có nhiều cách để giảm bớt hoặc ngăn ngừa hiện tượng ợ nóng thường xuyên như thay đổi lối sống, sử dụng thuốc… Dưới đây là một số phương pháp điều trị ợ nóng phổ biến:
– Thay đổi chế độ ăn uống: Tránh các loại thực phẩm và đồ uống kích thích dạ dày, ăn các bữa nhỏ thay vì ăn nhiều cùng một lúc và tránh ăn ngay trước khi đi ngủ.
– Thay đổi tư thế: Nâng cao đầu giường khi ngủ hoặc sử dụng gối cao để giúp ngăn axit trào ngược.
– Giảm cân: Nếu bạn thừa cân, giảm cân có thể làm giảm áp lực lên dạ dày và giúp cải thiện triệu chứng ợ nóng.
– Ngưng hút thuốc: Thuốc lá có thể làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới và làm tăng nguy cơ ợ nóng.
– Sử dụng thuốc điều trị ợ nóng: Một số loại thuốc phổ biến như thuốc kháng axit (antacid), thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc chẹn H2 giúp giảm lượng axit dạ dày, nhờ đó giảm triệu chứng ợ nóng. Các loại thuốc này cần được kê bởi các bác sĩ chuyên khoa sau khi thăm khám và chẩn đoán chính xác.
Ợ nóng thường xuyên không chỉ gây ra sự khó chịu mà còn có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là trào ngược dạ dày – thực quản mạn tính. Việc nhận biết sớm các triệu chứng, thay đổi lối sống và điều trị kịp thời là rất quan trọng để tránh những biến chứng nguy hiểm. Nếu bạn thường xuyên bị ợ nóng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.