Thuốc là những chất dưới dạng đơn chất hoặc hỗn hợp có nguồn gốc rõ ràng, được dùng để để chẩn đoán, phòng và chữa bệnh. Cùng tìm hiểu về thuốc, cách sử dụng thuốc như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất qua các câu hỏi thường gặp sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Sau khi chúng ta uống thuốc, điều gì sẽ xảy ra với thuốc bên trong cơ thể?
Khi chúng ta nuốt một viên thuốc, đầu tiên thuốc sẽ di chuyển vào dạ dày. Tại đây dịch vị và các hóa chất do dạ dày tiết ra sẽ hòa tan thuốc. Ở thời điểm này, một số loại thuốc được hòa tan tại đây sẽ được dạ dày hấp thụ luôn, còn các loại khác được di chuyển tới ruột non.
Tiếp theo đó thuốc sẽ đi vào hệ tuần hoàn, mô và các tế bào của cơ thể. Khi thuốc đi vào đây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến não và quá trình chuyển hóa được diễn ra nhanh chóng. Điểm cuối cùng tiếp nhận đó chính là gan và thận. Hai bộ phận này sẽ làm nhiệm vụ lọc, bài trừ để thải ra ngoài, các chất độc hại sẽ được xử lý kỹ lưỡng và được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua tiểu tiện.
2. Hoạt chất trong thuốc là gì?
Hoạt chất là các chất hóa học trong thuốc tác động tới cơ thể để điều trị bệnh. Nhiều loại thuốc có chứa một hoặc nhiều loại hoạt chất khác nhau.
3. Cần biết gì về thành phần hoạt chất trong các loại thuốc đang sử dụng?
Điều quan trọng mà chúng ta cần lưu ý là phải tìm hiểu những thành phần hoạt tính trong các loại thuốc đang sử dụng, để tránh các phản ứng dị ứng, tác dụng phụ hoặc tương tác không mong muốn giữa các thành phần.
Một số loại thuốc có nhiều công dụng, được sử dụng để điều trị cho nhiều bệnh vì vậy sẽ có nhiều hơn một thành phần hoạt chất, chẳng hạn như thuốc chữa cảm cúm. Các loại thuốc này kết hợp nhiều thành phần hoạt chất để làm dịu cơn đau họng, giảm ho, ngừng chảy nước mũi và hạ sốt.
Không nên sử dụng nhiều loại thuốc có chứa cùng một thành phần hoạt chất. Ví dụ như những người đang dùng siro ho có chứa acetaminophen thì không nên dùng thuốc giảm đau cũng chứa acetaminophen. Uống nhiều hơn một loại thuốc có cùng một hoạt chất có thể dẫn đến tình trạng cơ thể nhận quá nhiều hoạt chất này, gây hại cho gan hoặc có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Do đó với những loại thuốc không cần đơn nên tìm hiểu các thành phần hoạt chất để biết có tác dụng phụ hay không.
4. Liệu lão hóa có ảnh hưởng tới cách cơ thể xử lý thuốc hay không?
Khi chúng ta bắt đầu già đi, khả năng hấp thụ và chuyển hóa thuốc thay đổi. Cơ thể thường xử lý các loại thuốc khó khăn và chậm chạp hơn. Vì thế người cao tuổi cần thận trọng khi dùng thuốc, chú ý liều dùng theo thể trạng của mình.
5. Thuốc có tác dụng giống nhau trong tất cả mọi người?
Có rất nhiều yếu tố, bao gồm cả những thói quen tập thể dục, chế độ ăn uống, và tình trạng chung của sức khỏe, ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng với thuốc của một người. Một yếu tố quan trọng khác là di truyền. Gen có thể ảnh hưởng đến cách mọi người phản ứng với nhiều loại thuốc.
6. Sử dụng thuốc đúng cách như thế nào?
– Kiểm tra nhãn dán tên các loại thuốc trước khi sử dụng để đảm bảo loại thuốc này là phù hợp với tình trạng của bản thân.
– Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc.
– Không uống quá nhiều hoặc quá ít thuốc so với quy định.
– Nếu thuốc khó nuốt, nên hỏi ý kiến bác sĩ để biết liệu thuốc có dạng lỏng hoặc có thể nghiền nát thuốc cho dễ sử dụng hay không. Tuy nhiên tuyệt đối không được tự ý nghiền nát hoặc nhai thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
– Kiểm tra hạn sử dụng trên vỏ thuốc và vứt bỏ thuốc đã hết hạn.
Nên sử dụng thuốc đúng cách, tuân thủ từ những công đoạn nhỏ nhất để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.
7. Tại sao một số thuốc lại cần phải uống trong khi ăn?
Uống thuốc trong khi ăn có thể giúp cơ thể hấp thụ thuốc tốt hơn. Mặt khác các loại thực phẩm nhất định có thể làm giảm khả năng hấp thu. Thực phẩm cũng có thể giúp giảm khó chịu dạ dày – tác dụng phụ thường gặp của một số loại thuốc.Uống thuốc với một ly nước đầy có thể làm giảm nguy cơ bị đau dạ dày vì nước giúp thuốc tan nhanh hơn. Người bệnh cần hỏi kỹ để biết có nên uống thuốc trong khi ăn hay không và liệu có cần phải uống cả một cốc nước cùng với thuốc.
8. Tác dụng phụ của thuốc là gì?
Tác dụng phụ là những triệu chứng không mong muốn xảy ra khi chúng ta uống thuốc. Các tác dụng phụ này có thể không nghiêm trọng, chẳng hạn chỉ gây đau đầu hoặc khô miệng. Nhưng cũng có những tác dụng phụ đe dọa tính mạng, chẳng hạn như xuất huyết nặng hay tổn thương gan, thận không thể phục hồi.
Đau bụng, tiêu chảy và táo bón là những tác dụng phụ phổ biến của nhiều loại thuốc. Thông thường, tác dụng phụ này có thể được giảm bớt bằng cách uống thuốc trong khi ăn. Tuy nhiên,nên hỏi ý kiến bác sĩ trước vì thức ăn có thể làm giảm sự hấp thu của một số thuốc.
9. Nên làm gì để phòng tránh các tác dụng phụ của thuốc?
– Cần thông báo cho bác sĩ về tất cả loại thuốc hiện đang sử dụng, bao gồm cả sản phẩm thảo dược và thuốc không cần đơn.
– Thông báo cho bác sĩ biết về các vấn đề mà người bệnh đã từng gặp trước đây khi sử dụng thuốc, chẳng hạn như phát ban, khó tiêu, chóng mặt hoặc mất cảm giác ngon miệng.
– Hãy hỏi xem thuốc có thể tương tác với bất kỳ loại thực phẩm hoặc thuốc không cần đơn, thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất hiện đang dùng hay không.
– Đọc nhãn thuốc ghi trên bao bì cẩn thận và làm theo hướng dẫn.
– Nếu gặp tác dụng phụ, cần báo ngay cho bác sĩ.