Những biểu hiện thiếu máu não điển hình

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Bệnh thiếu máu não không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt thường ngày của người bệnh mà còn là yếu tố “tiền đột quỵ” gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc nhận diện sớm những biểu hiện thiếu máu não sẽ giúp bạn phòng tránh và cải thiện tình hình, tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Hãy cùng theo dõi bài viết sau để hiểu rõ hơn về thiếu máu não là gì và những triệu chứng điển hình của thiếu máu não.

1. Thế nào là bệnh thiếu máu não?

Bộ não của con người tuy chỉ chiếm 2% tổng trọng lượng cơ thể, nhưng để não hoạt động một cách bình thường, cần phải được cung cấp đến 25% lượng khí oxy trong hệ tuần hoàn, 20% lượng máu từ tim.

Thiếu máu não hay bệnh thiểu năng tuần hoàn não là tình trạng quá trình cung cấp máu lên não bị ngưng trệ hoặc giảm sút, dẫn đến tình trạng thiếu máu lên não, khiến não bị ảnh hưởng một hoặc nhiều phần.

Bệnh lý thiếu máu não thường gặp ở cả nam và nữ trên 50 tuổi. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây bệnh lý này bắt đầu có dấu hiệu trẻ hoá, thường gặp ở những người trẻ tuổi trong giới văn phòng hay những người lao động trí óc. Những người mắc bệnh lý liên quan như cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, bệnh lý tim mạch,…cũng có nguy cơ cao bị thiếu máu não.

Thiếu máu não là tình trạng nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ bất cứ lúc nào.

Thiếu máu não là tình trạng nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ bất cứ lúc nào.

2. Nguyên nhân gây thiếu máu não

Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến lưu lượng máu lên não gồm:

– Do huyết khối: Các cục máu đông hình thành ở các nhóm động mạch lớn nuôi não (động mạch cảnh trong, động mạch não giữa, động mạch đốt sống…). Hiện tượng này chủ yếu do hiện tượng xơ vữa động mạch gây nên.

– Do thuyên tắc: Nguyên nhân là do các cục máu đông được hình thành từ nơi khác và di chuyển lên não gây tắc mạch. Thường có nguồn gốc từ các bệnh tim mạch (bệnh van tim, nhồi máu cơ tim, rung nhĩ,…)

– Do huyết động: Là các loại bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình luân chuyển của máu như tụt huyết áp, nhồi máu cơ tim, rối loạn đông máu…

3. Các biểu hiện thiếu máu não điển hình

3.1 Đau đầu là biểu hiện thiếu máu não thường gặp

Đau đầu có thể xuất hiện khi bạn ở trong trạng thái căng thẳng hoặc stress kéo dài. Tuy nhiên, đây cũng có thể là biểu hiện điển hình của chứng thiếu máu não.

Cơn đau đầu thường bắt đầu từ cảm giác đau nhói ở một vùng cố định, sau đó sẽ lan ra khắp đầu. Cảm giác nặng đầu cũng dễ bắt gặp khi bạn suy nghĩ nhiều hoặc khi vừa ngủ dậy.

3.2 Tê mỏi tay chân

Một triệu chứng thiếu máu não mà người bệnh có thể gặp phải chứng là tê mỏi tay chân. Bệnh nhân sẽ có cảm giác râm ran như kiến bò và tê bì ở các đầu ngón tay, chân. Không chỉ vậy, các cử động vận động hàng ngày cũng có thể bị ảnh hưởng bởi cảm giác đau mỏi vai gáy. Đặc biệt, tình trạng thiếu máu lên não cục bộ còn có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như khó khăn khi nói, cứng hàm, thậm chí tê liệt cả mặt.

3.3 Hoa mắt chóng mặt

Tình trạng hoa mắt chóng mặt xuất hiện bất ngờ kể cả khi bạn đang trong trạng thái nghỉ ngơi. Điều này là do máu không cung cấp đủ lên não gây giảm thị lực nhất thời như: khả năng nhìn của mắt bị suy giảm, cụ thể là mờ 1 bên mắt hoặc cả hai bên, hoa mắt bất thường,…

3.4 Mất ngủ là một trong những biểu hiện thiếu máu não

Thiếu máu lên não có thể dẫn tới các vấn đề rối loạn giấc ngủ như: ngủ không sâu giấc, tỉnh giấc giữa đêm, giấc ngủ chập chờn, mất ngủ,… Không những vậy, khi máu không thể cung cấp đủ lên não còn gây ra rối loạn về mặt tâm lý, mất đi khả năng tập trung hoặc làm suy giảm trí nhớ, tiến triển nghiêm trọng hơn là trầm cảm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

3.5 Đau dọc vùng sống lưng

Những bệnh nhân mắc chứng thiếu máu não, thường có cảm giác đau mỏi cổ vai gáy. Đôi khi người bệnh sẽ cảm thấy đau dọc vùng sống lưng, lạnh sống lưng.

Các biểu hiện thiếu máu não điển hình.

Các biểu hiện thiếu máu não điển hình.

4. Các phương pháp phòng ngừa và điều trị thiếu máu não

4.1 Sử dụng thuốc điều trị thiếu máu não

Mục tiêu chính là giải quyết tình trạng tắc nghẽn mạch và khôi phục lại lưu lượng máu tuần hoàn cần thiết, giúp giảm đi nguy cơ gây đột quỵ.

Chủ yếu là điều trị nội khoa bằng các loại thuốc giúp tăng tuần hoàn máu não, lưu thông mạch máu não tốt hơn. Hiện nay có rất nhiều hễ đau đầu là nghĩ do thiếu máu não và lạm dụng thuốc bổ não, thuốc dưỡng não, thuốc tăng tuần hoàn não “vô tội vạ”. Bạn không nên tự ý mua và sử dụng thuốc vì ngoài những tác dụng tăng tuần hoàn máu não thuốc còn có những tác dụng phụ khác. Vì vậy cần phải thăm khám với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để tìm ra nguyên nhân và lựa chọn loại thuốc điều trị phù hợp.

Đối với tình trạng thiếu máu não khẩn cấp như đột quỵ do thiếu máu não, tắc nghẽn ở động mạch cảnh hay động mạch đốt sống thân nền bác sĩ có thể tiến hành các phương pháp can thiệp khác tùy theo tình trạng bệnh nhân.

4.2 Các phương pháp hỗ trợ điều trị thiếu máu não

Một số phương pháp hỗ trợ điều trị và giảm thiểu các triệu chứng thiếu máu não được chỉ định như: bấm huyệt, châm cứu, xông hơi, xoa bóp,… Ngoài ra, để phòng ngừa các thiếu máu não hiệu quả thì phương pháp tốt nhất chính là thay đổi lối sống khoa học, lành mạnh:

– Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ vitamin và khoáng chất, ăn nhiều rau xanh…

– Hạn chế các thói quen xấu như: ngủ kê cao gối, dùng điện thoại, máy tính nhiều giờ, thức khuya,…

– Kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân, béo phì

– Rèn luyện sức khỏe, tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày

Khám sức khỏe thường xuyên định kỳ

Các biện pháp thay đổi lối sống có thể giúp giảm đáng kể các triệu chứng của thiếu máu não.

Các biện pháp thay đổi lối sống có thể giúp giảm đáng kể các triệu chứng của thiếu máu não.

Trên đây là những thông tin về biểu hiện thiếu máu não thường gặp và các phương pháp điều trị, phòng ngừa cho bạn tham khảo. Bệnh lý thiếu máu não có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần người bệnh. Do vậy, ngay khi có những biểu hiện như trên, bạn có thể đến ngay chuyên khoa nội thần kinh để được thăm khám và tư vấn phác đồ điều trị hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital