Nhiễm khuẩn hp: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Ước tính có đến một nửa dân số thế giới nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori). Tại Việt Nam, có đến hơn 70% người lớn cũng gặp phải tình trạng này. Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori thường là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý tại dạ dày tá tràng.

1. Tìm hiểu chung về tình trạng nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori)

1.1. Nhiễm khuẩn Hp là gì, đâu là nguyên nhân gây bệnh?

– HP là một trực khuẩn Gram âm, có hình dạng chữ S hoặc hình cong, chúng có đường kính từ 0,3- 1µm, dài 1,5-5 µm với 4 đến 6 lông mảnh ở mỗi đầu. Nhờ các lông mảnh này và hình thể của mình mà vi khuẩn HP có thể chuyển động tốt trong môi trường nhớt của dạ dày.

– Vi khuẩn HP thường cư trú ở trong lớp nhầy của dạ dày, nhiều nhất là ở hang vị sau đó là thân vị và các vùng khác. Sở dĩ HP có thể tồn tại được trong môi trường acid dạ dày là do chúng tiết ra một lượng lớn enzyme Urease, nhằm trung hòa acid trong dạ dày.

– Ở nhiệt độ 30 đến 40 độ C, vi khuẩn HP tăng trưởng tốt, đồng thời chúng chịu được môi trường pH từ 5- 8,5.

– Tất cả mọi người đều có khả năng nhiễm HP, điều này lý giải tại sao tỷ lệ bị nhiễm vi khuẩn HP trên thế giới và tại Việt Nam lại rất cao. Vi khuẩn HP lây lan từ người sang người do tiếp xúc nước bọt hoặc dịch tiết tiêu hóa của người mắc bệnh, do ăn phải thực phẩm nhiễm vi khuẩn HP, thói quen không vệ sinh tay hay dùng chung các thiết bị y tế nha khoa, nội soi tai mũi họng, dạ dày – đại tràng… không được tiệt trùng kỹ…

nhiễm khuẩn Hp

Vi khuẩn Hp là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh lý về dạ dày và tá tràng

1.2. Những ai dễ bị nhiễm khuẩn Hp hơn?

Bất cứ đối tượng nào, bất cứ độ tuổi nào cũng có khả năng nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, tuy nhiên các đối tượng sau có nguy cơ nhiễm cao hơn:

– Những người sinh sống những nơi đông đúc như: sống tập thể ở ký túc xá, gia đình có nhiều người… Khi đó chỉ cần một người bị nhiễm vi khuẩn HP sẽ lây lan cả tập thể.

– Những người sinh sống trong khu vực ô nhiễm, môi trường không đảm bảo như thiếu nước sạch, gần bãi rác, gần nguồn nước thải…

– Những người thường xuyên ăn thực phẩm tái sống như gỏi, rau sống… hay thực phẩm nhiễm bẩn, không an toàn.

– Những người sống chung với bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Hp.

1.3. Những triệu chứng cảnh báo bạn bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori

Như đã nói ở phần trên, có đến hơn 70% dân số trưởng thành nước ra nhiễm vi khuẩn Hp. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp vẫn có thể sống chung với nó, không hề có triệu chứng rõ ràng. Nhưng ở một số bệnh nhân, vi khuẩn Hp sinh sôi và phát triển dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng gây ra hàng loạt các triệu chứng khó chịu như đau thượng vị, đau bụng, ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, sụt cân…

Trường hợp nhiễm vi khuẩn HP trong thời gian dài không được điều trị, người bệnh sẽ có các triệu chứng rõ rệt như cơn đau bụng vùng thượng vị dữ dội và dai dẳng, phân lẫn máu hoặc có màu đen, hay buồn nôn và nôn mửa, dịch nôn thường có màu đen trông như bã cà phê.

Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng trên, nghi ngờ bị nhiễm khuẩn HP, người bệnh nên đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

biểu hiện

Người bị nhiễm Helicobacter pylori dương tính, có thể bị đau thượng vị, ợ hơi, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa

1.4. Vi khuẩn Hp nguy hiểm như thế nào?

Vi khuẩn HP là “thủ phạm” gây ra nhiều bệnh lý dạ dày tá tràng như viêm loét dạ dày cấp tính/mãn tính, trào ngược dạ dày thực quản, hay thậm chí là ung thư dạ dày. Theo thống kê các biến chứng khi nhiễm khuẩn HP như sau:

– 90% – 95% trường hợp loét tá tràng là do nhiễm vi khuẩn HP.

–  Trên 70% trường hợp loét dạ dày là do nhiễm vi khuẩn HP.

– Trên 50% trường hợp bị chứng khó tiêu là do nhiễm vi khuẩn HP.

– Vi khuẩn HP còn là một trong những tác nhân chính gây ra bệnh ung thư dạ dày. Khoảng 90% số ca bệnh có sự hiện diện của vi khuẩn HP. Tuy nhiên, ung thư dạ dày còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác như nguồn gen, môi trường, thói quen ăn uống và sinh hoạt…

Tỷ lệ người nhiễm vi khuẩn HP tiến triển thành ung thư dạ dày không quá cao (chỉ khoảng 1 – 2%) nhưng đây là bệnh lý nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Do đó, bạn cần chủ động phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn HP và nếu dương tính với HP thì điều trị kịp thời theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa.

2. Làm sao để chẩn đoán được tình trạng nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori

Người nhiễm khuẩn HP thường không có triệu chứng rõ ràng, một số biểu hiện có thể gặp phải như khó tiêu, đau thượng vị, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa… Ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, người bệnh cần đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán chính xác.

Hiện nay, để phát hiện bạn có dương tính với vi khuẩn Helicobacter pylori, các phương pháp được áp dụng bao gồm:

– Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm phân và test hơi thở để tìm vi khuẩn HP hoặc thực hiện xét nghiệm máu để tìm kháng thể HP.

– Áp dụng phương pháp thực hiện nội soi dạ dày – tá tràng để đánh giá tình trạng viêm, loét hoặc các tổn thương ung thư và tiền ung thư tại các cơ quan này. Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ sinh thiết để làm test nhanh chẩn đoán tình trạng nhiễm vi khuẩn HP.

nội soi dạ dày phát hiện hiễm Helicobacter pylori

Thực hiện nội soi tiêu hóa, bác sĩ có thể lấy mẫu sinh thiết test nhanh tình trạng nhiễm Helicobacter pylori

3. Điều trị tình trạng nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori như thế nào?

Để điều trị tình trạng nhiễm vi khuẩn HP, phương pháp thường được các bác sĩ chỉ định cho người bệnh là sử dụng là kết hợp thuốc kháng sinh và thuốc làm giảm tiết dịch acid dạ dày. Khi sử dụng thuốc người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ  hướng dẫn sử dụng, thời gian sử dụng thuốc từ bác sĩ.

Bên cạnh đó, các trường hợp nhiễm vi khuẩn HP cần điều trị dự phòng nguy cơ ung thư dạ dày gồm: có polyp dạ dày kèm theo viêm teo niêm mạc dạ dày do sử dụng thuốc chống viêm không steroid trong thời gian dài, tiền sử gia đình có người mắc ung thư dạ dày…

Như vậy, qua bài viết trên chúng tôi đã cung cấp đến bạn đọc kiến thức về nhiễm khuẩn Hp và các biến chứng nguy hiểm của loại vi khuẩn này. Bên cạnh việc chủ động phòng tránh lây nhiễm, mỗi người cần đến các cơ sở chuyên khoa thăm khám tiêu hóa định kỳ để phát hiện sớm, kiểm soát hiệu quả các bệnh lý dạ dày tá tràng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital