Ngà răng bị nhạy cảm sẽ gây nên tình trạng ê buốt khi ăn hay thay đổi thời tiết, khiến cho bệnh nhân cảm thấy vô cùng khó chịu và phiền toái. Vậy làm sao để điều trị tình trạng nhạy cảm ngà răng?
Menu xem nhanh:
1. Ngà răng là gì?
Ngà răng là một lớp cứng, dày, là phần chủ yếu chiếm khối lượng và thể tích của răng, tạo nên hình dạng răng. Ở một người có tình trạng răng miệng tốt thì ngà răng sẽ không bị lộ ra ngoài mà nằm dưới lớp men răng, được men răng che phủ hoàn toàn.
2. Nhạy cảm ngà răng là gì?
Do nhiều nguyên nhân khác nhau như thói quen ăn uống, sinh hoạt, vận động…men răng bị mất đi để lộ lớp ngà ra ngoài gây nên hiện tượng nhạy cảm ngà răng. Khi mắc bệnh lý này, ống thần kinh phải tiếp xúc trực tiếp với những tác nhân bên ngoài gây kích thích dây thần kinh, tạo nên những cơn ê buốt khó chịu.
3. Nguyên nhân ngà răng nhạy cảm
3.1 Do ăn thực phẩm chứa axit
Việc thường xuyên ăn những loại thực phẩm, đồ uống có hàm lượng axit cao như xoài, cam, quýt, dưa chua, trà….có thể khiến cho men răng bị mòn. Không nên ăn liên tục những loại thực phẩm này hoặc có thể ăn bổ sung một miếng phô mai hoặc uống một ly sữa sau khi ăn để giúp giảm đi tác hại của axit.
3.2 Vệ sinh răng miệng sai cách
Theo các bác sĩ, việc dùng quá nhiều lực tác động khi đánh răng hay sử dụng bàn chải có chất liệu không phù hợp sẽ khiến cho nướu và men răng bị tổn thương, dẫn đến lớp ngà bị lộ ra ngoài.
3.3 Tụt nướu
Phần chân răng được bao bọc bởi mô nướu xung quanh. Nếu bệnh nhân bị viêm nha chu, nướu sẽ có xu hướng tụt xuống và lớp ngà sẽ bị lộ ra. Do đó. bệnh nhân khi thấy có dấu hiệu của bệnh nha chu thì cần sớm đến các cơ sở y tế uy tín để điều trị kịp thời, giảm nguy cơ gây hại cho ngà răng.
3.4 Răng bị bệnh nhân vị tổn thương
Khi răng của bệnh nhân bị tổn thương do bị sứt, mẻ, gãy,….thì đầu mút dây thần kinh dễ bị kích thích khi ăn nhai. Hơn nữa, tại vết nứt cũng chứa nhiều vi khuẩn gây nên tình trạng viêm nhiễm, khiến cho răng bị đau buốt.
3.5 Bệnh lý sâu răng
Các đầu mút dây thần kinh trong tủy răng sẽ dễ bị lộ ra ở lỗ sâu khi người bệnh bị sâu răng. Chính vì vậy, ngay khi có dấu hiệu của sâu răng, hãy đến ngay các cơ sở nha khoa uy tín để được bác sĩ điều trị sớm và không gây nên những hệ lụy nghiêm trọng.
3.6 Nghiến răng
Đây là một thói quen không tốt bạn nên sớm loại bỏ vì khi nghiến răng quá nhiều, men răng sẽ dần bị mòn, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm và khiến răng ê buốt.
4. Phương pháp điều trị nhạy cảm ngà răng
Để điều trị tình trạng này, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để nha sĩ kiểm tra, xác định nguyên nhân gây ê buốt và có phương pháp điều trị phù hợp như thay đổi kem đánh răng, bôi gel chống ê buốt, trám răng, bọc mão răng sứ, ghép nướu, lấy tủy răng….
5. Phòng ngừa ngà răng nhạy cảm
Một số phương pháp để phòng ngừa trường hợp nhạy cảm ngà răng có thể kể đến như:
– Chải răng thường xuyên, ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
– Lựa chọn những loại kem đánh răng chuyên dụng, dành riêng cho răng nhạy cảm (tham khảo ý kiến bác sĩ).
– Thay bàn chải thường xuyên, ít nhất 2 – 3 tháng/lần hoặc thay sớm hơn (trong trường hợp bàn chải đã xơ, bị bẩn).
– Hạn chế những loại đồ ăn có hại cho men răng như thức ăn có đường, đồ uống có ga, chứa axit.
– Loại bỏ thói quen nghiến răng bằng cách tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng miếng bảo vệ răng vào ban đêm.
– Thăm khám răng miệng định kỳ tại các cơ sở nha khoa uy tín tối thiểu 6 tháng/lần.
Bài viết trên của chúng tôi đã cung cấp những thông tin hữu ích nhạy cảm ngà răng. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về bệnh lý này, bạn có thể liên hệ với bác sĩ tại các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn nhanh chóng và chính xác nhé.