Nhận diện trật khớp gối và cách xử trí hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ Ngoại khoa

Nguyễn Hữu Hải

Bác sĩ hồi sức cấp cứu Ngoại

Trật khớp gối là một trong những chấn thương đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng vận động của con người. Nếu không phát hiện sớm và xử trí đúng có nguy cơ dẫn đến tai biến cứng khớp gối hoặc phải cắt cụt chân. 

1. Nguyên nhân gây trật khớp gối

Xét về nguyên nhân gây trật khớp gối thì có rất nhiều nguyên nhân nhưng nhìn chung được chia thành hai nhóm như sau:

Chấn thương trực tiếp: Tai nạn giao thông, chấn thương thể thao là những nguyên nhân thường gặp nhất gây trật khớp gối.

Chấn thương gián tiếp: sự chuyển động đột ngột và không đúng kỹ thuật cũng dễ khiến khớp gối bị trật khỏi vị trí ban đầu.

Ngoài ra, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ trật khớp gối đó là:

– Dây chằng yếu hoặc từng bị tổn thương

– Cơ bắp yếu hoặc mất cân bằng

– Mắc bệnh lý về khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp,…

Những yếu tố trên có thể làm suy yếu cấu trúc khớp gối, từ đó làm tăng nguy cơ trật khớp.

2. Dấu hiệu nhận biết trật khớp gối

2.1 Đau đớn dữ dội khi bị trật khớp gối

Đây là triệu chứng phổ biến nhất, cơn đau có thể xuất hiện ngay lập tức sau khi chấn thương và thường rất dữ dội, khiến người bệnh không thể đi lại hoặc cử động đầu gối.

2.2 Sưng tấy

Khớp gối bị sưng tấy do xuất huyết và tràn dịch khớp. Mức độ sưng tấy có thể lan rộng đến vùng cẳng chân và mắt cá chân.

dấu hiệu bị trật khớp gối

Sưng và rất đau ở đầu gối là biểu hiện của sự tổn thương khớp gối rõ rệt, thường hay gặp nhất là trật khớp gối.

2.3 Biến dạng khi bị trật khớp gối

Khớp gối có thể bị biến dạng rõ ràng, nhìn thấy bằng mắt thường. Xương đùi có thể bị lệch ra một bên so với xương chày, hoặc đầu gối có thể bị gập hoặc duỗi bất thường.

2.4 Mất chức năng

Người bệnh gặp khó khăn hoặc không thể cử động đầu gối, bao gồm đi lại, đứng, ngồi, gập duỗi đầu gối.

2.5 Âm thanh lạo xạo

Khi di chuyển khớp gối, có thể nghe thấy âm thanh lạo xạo do các cấu trúc khớp bị tổn thương.

2.6 Một số dấu hiệu khác

– Tê bì, châm chích ở chân

– Da xung quanh đầu gối bầm tím hoặc xanh xao

– Cảm giác nóng rát

– Yếu cơ

– Sốt

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trật khớp gối có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ tổn thương của khớp. Một số trường hợp trật khớp gối có thể đi kèm với các tổn thương khác như gãy xương, rách dây chằng, tổn thương mạch máu hoặc thần kinh. Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ mình bị trật khớp gối, cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

nhận biết hiểu hiện trật khớp gối

Trật khớp gối làm cản trở hoạt động di chuyển, gây ra rất nhiều phiền toái cho người bệnh.

3. Hướng dẫn sơ cứu đúng cách

Sơ cứu trật khớp gối đúng cách rất quan trọng, giúp làm giảm tối đa nguy cơ tai biến cứng khớp hay phải cắt cụt chân.

Các bước sơ cứu như sau:

Cố định chân bị tổn thương bằng nẹp. Nếu không có nẹp, bạn có thể buộc chân tổn thương vào chân lành sau đó di chuyển bệnh nhân theo hướng nằm ngang (nằm trên cáng) ra khỏi khu vực tai nạn.

Đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục cấp cứu và giảm đau. Sau đó đưa người bệnh lên tuyến trên để được can thiệp điều trị.

Chỉ nắn trật khớp gối nếu như người bệnh đã được thăm khám và loại trừ các tổn thương nếu có ở bụng, ngực, sọ não và các dấu hiệu sinh tồn như nhịp tim, huyết áp phải nằm trong ngưỡng ổn định.

Chọc hút dịch máu trong khớp và bất động khớp gối bằng nẹp hoặc bột.

Siêu âm Doppler mạch chi dưới để phát hiện sớm tổn thương nội mạc mạch dễ gây tắc mạch sau này.

Kiểm tra thật kỹ các dấu hiệu thần kinh chi dưới (xem có bị giảm hoặc mất vận động cổ chân hay không)

Điều trị chống viêm và tập phục hồi chức năng.

Nếu chức năng thần kinh không phục hồi, bác sĩ sẽ cân nhắc mổ chuyển gân vùng cổ chân trong vòng 6 tháng sau chấn thương.

4. Chẩn đoán và điều trị trật khớp gối

4.1 Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ chẩn đoán trật khớp gối dựa trên các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng như chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Trong đó, chụp X quang thường giúp bác sĩ xác định được vị trí xương bị trật. Còn chụp MRI giúp cung cấp hình ảnh một cách chi tiết hơn về các mô mềm, dây chằng và sụn khớp.

4.2 Điều trị

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bằng cách nắn chỉnh khớp gối về vị trí bình thường, sau đó bất động khớp bằng nẹp hoặc bó bột. Trong một số trường hợp, có thể cần phải phẫu thuật để sửa chữa các tổn thương khác như gãy xương, rách dây chằng.

Hiện nay, việc điều trị trật khớp gối bằng phẫu thuật ngày càng tiến bộ. Ngoài phẫu thuật mổ mở thì phẫu thuật nội soi khớp gối hiện đang là phương pháp được sử dụng nhiều nhất với rất nhiều ưu điểm:

– Vết mổ nhỏ ít xâm lấn

– Dễ dàng quan sát khi mổ nhờ có camera nội soi siêu nhỏ

– Thời gian phục hồi nhanh

– Giảm nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật

– Tính thẩm mỹ cao

– Tiết kiệm chi phí

– Áp dụng được với nhiều đối tượng

chẩn đoán trật khớp gối

Chụp X quang có thể giúp nhận diện trật khớp gối, đây là tình trạng cấp cứu y khoa cần được điều trị nắn trật càng sớm càng tốt.

5. Phòng ngừa trật khớp gối

Để phòng ngừa trật khớp gối bạn cần lưu ý một số điều như sau:

Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt của cơ bắp xung quanh đầu gối.

Sử dụng dụng cụ bảo hộ phù hợp khi chơi thể thao hoặc tham gia các hoạt động có nguy cơ cao bị chấn thương đầu gối.

Tránh đi lại hoặc vận động mạnh trên địa hình gồ ghề, trơn trượt.

Duy trì cân nặng hợp lý để giảm áp lực lên khớp gối.

6. Sai lầm khi sơ cứu người bị trật khớp gối cần từ bỏ

Cố nắn chỉnh khớp gối ngay tại hiện trường

Để khớp gối bị trật lủng lẳng khi di chuyển

Chườm nóng

Xóa bóp mạnh

Tự ý sử dụng thuốc

Chậm trễ đi khám với bác sĩ

Là những sai lầm thường gặp khi sơ cứu người bị trật khớp gối mà bạn cần tránh, bởi điều này dễ làm người bệnh bị đau, sốc, thậm chí có thể gây tử vong. Người bị trật khớp gối sẽ nhanh chóng hồi phục và hạn chế tối đa biến chứng nếu được tiếp cận y tế kịp thời, sơ cứu đúng cách.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital