Nguyên nhân và cách điều trị những cơn đau dạ dày

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ

Đỗ Hoàng Hoan

Bác sĩ Tiêu hóa - Nội soi

Đau dạ dày là một bệnh tiêu hóa cực kỳ phổ biến. Tại Việt Nam, ước tính có tới 70% dân số có nguy cơ mắc bệnh về dạ dày. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về nguyên nhân khiến dạ dày bị đau cũng như những cách điều trị hiệu quả hiện nay.

1. Đau dạ dày là gì

Đau dạ dày, hay còn gọi là đau bao tử, là hiện tượng dạ dày bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đôi khi, dạ dày bị đau do sự rối loạn vận động khiến tăng tiết axit dịch vị dạ dày. Cơn đau thường diễn ra trong khoảng thời gian không quá dài. Tuy nhiên, một số cơn đau kéo dài và dữ dội báo hiệu bệnh nặng và sức khỏe đang gặp nhiều nguy hiểm.

Những cơn đau thường xuất hiện ở vùng thượng vị, chính giữa bụng, có thể lan sang hai bên và sau lưng. Người bệnh dễ bị đau vào ban đêm, đau khi đói, thậm chí cả khi no tạo ra cảm giác cực kỳ khó chịu. Những biểu hiện của bệnh thường là ợ nóng, ợ chua, ợ nóng, trào ngược axit, buồn nôn, cồn cào, hơi thở có mùi hôi,…kèm theo cơn đau. Ngoài ra, cơn đau kéo dài còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như đối mặt với nguy cơ thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày, hẹp môn vị,..

Những cơn đau dạ dày xảy ra ở vùng thượng vị

Những cơn đau xảy ra ở vùng thượng vị

2. Nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh đau dạ dày

Có nhiều nguyên nhân tạo nên khiến đau dạ dày. Trong số đó, những nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như sau:

2.1. Tình trạng loét dạ dày- tá tràng

Loét dạ dày tá tràng bắt nguồn từ vi khuẩn Helicobacter Pylori xâm nhập. Có nhiều trường hợp do người bệnh sử dụng quá nhiều Aspirin hoặc các loại thuốc giảm đau chống viêm Non Steroid. Ngoài ra, loét dạ dày còn do những căn bệnh khác như bệnh Crohn, hội chứng hiếm gặp như Zollinger- Ellison…

2.2. Các khối u tại thực quản – dạ dày

Những khối u ác tính ở tâm vị thực quản hoặc căn bệnh ung thư dạ dày là cũng có thể là nguyên nhân gây đau. Các khối u này thường xuất hiện ở những người hút thuốc lá, sử dụng bia rượu và thường ở độ tuổi trung niên trở lên.

2.3. Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày – tá tràng

Thông thường, niêm mạc dạ dày rất dễ bị tổn thương sau khi cơ thể tiếp nhận những thực phẩm cay nóng hoặc người bệnh uống rượu bia quá nhiều. Ngoài ra tác dụng phụ của một số loại thuốc cũng khiến niêm mạc dạ dày bị viêm cấp tính. Niêm mạc dạ dày bị tổn thương và viêm cấp tính khiến người bệnh đau đớn và khó chịu.

2.4. Thói quen ăn uống và sinh hoạt không điều độ

Đây dường như là nguyên nhân gây bệnh phổ biến và điển hình. Những thói quen không lành mạnh này có thể khiến dạ dày bị tạo áp lực quá lớn, dẫn đến các chức năng suy giảm kèm theo những cơn đau đặc trưng:

– Ăn không đúng bữa, ăn quá muộn,

– Bỏ bữa thường xuyên.

– Ăn quá nhanh, quá no. Nhai không kỹ đồ ăn.

– Ăn quá nhiều đồ chua, cay nóng, nhiều dầu mỡ.

– Sử dụng quá độ các chất kích thích, bia rượu, đồ uống có cồn, có gas.

– Thói quen vừa ăn vừa đọc sách, xem phim, làm việc khác,.. Hoạt động mạnh ngay sau khi ăn.

– Thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh.

– Dị ứng hoặc không dung nạp một số loại thực phẩm.

– Lạm dụng các loại thuốc

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng là nguyên nhân gây bệnh đau dạ dày

– Thức khuya, bỏ giấc ngủ ban đêm

– Căng thẳng, làm việc quá sức. Tâm lý căng thẳng kéo dài giải phóng các hormone và chất dẫn truyền thần kinh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động co bóp của dạ dày và nhu động ruột.

Stress là nguyên nhân “không ngờ” gây bệnh.

Stress là nguyên nhân “không ngờ” gây bệnh.

3. Cách chẩn đoán đau dạ dày

Bệnh có những triệu chứng khá giống và liên quan đến nhiều bệnh lý tiêu hóa khác. Vì vậy, để chẩn đoán đúng bệnh, người bệnh cần được thăm khám chuyên khoa để có kết luận rõ ràng về tình trạng bệnh và có hướng điều trị cụ thể.

Trước tiên, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng, khai thác các thông tin như vị trí, mức độ cơn đau, các triệu chứng kèm theo,.. Sau đó, người bệnh sẽ được chẩn đoán cận lâm sàng theo phương pháp chỉ định phù hợp. Hiện tại, phương pháp chẩn đoán hiệu quả hơn cả là nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng. Ngoài ra còn có một số phương pháp khác như chụp X-quang, cộng hưởng từ, siêu âm ổ bụng,..

4. Cách điều trị bệnh đau dạ dày

4.1. Điều trị đau dạ dày bằng thuốc

Thông thường, cách điều trị hiệu quả bệnh là điều trị đặc hiệu theo nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra kết hợp với điều trị những triệu chứng kèm theo.

– Đối với viêm loét dạ dày- tá tràng: Sử dụng thuốc ức chế bơm PPI (Bơm proton)  để giảm tiết axit trong dịch vị dạ dày.

– Đối với dạ dày nhiễm khuẩn HP: Sử dụng thuốc tiêu diệt khuẩn HP kết hợp thuốc PPI.

– Đối với dạ dày đau do sử dụng nhiều loại thuốc có tác dụng phụ: Điều chỉnh lượng thuốc phù hợp hơn, sử dụng kèm PPI

– Một số thuốc PPI hiện nay được sử dụng có thể kể đến như: Omeprazole, Pantoprazole, Esomeprazole, Lansoprazole, Rabeprazole,…

4.2. Điều trị đau dạ dày bằng các phương pháp khác

Ngoài điều trị bằng thuốc, người bệnh thường được khuyến cáo áp dụng một số phương pháp sinh hoạt hỗ trợ điều trị như sau:

– Ăn uống điều độ, vừa đủ chất, ăn chậm nhai kỹ, ăn đúng giờ

– Sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ăn chín uống sôi

– Tránh các loại thực phẩm khó tiêu, đồ ăn cay nóng nhiều dầu mỡ, đồ chua

– Xây dựng thực đơn hợp lý, bổ sung chất xơ, lợi khuẩn và các chất cần thiết tốt  cho đường tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng.

– Không uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, tránh sử dụng quá mức các loại thuốc

– Chăm chỉ tập thể dục, tăng cường vận động nâng cao sức đề kháng, không thức khuya

– Tránh tình trạng căng thẳng kéo dài, giữ tâm lý ổn định, giải tỏa lo âu,..

Những phương pháp trên cũng là những cách áp dụng để phòng ngừa bệnh.

Bổ sung lợi khuẩn cho đường tiêu hóa

Bổ sung lợi khuẩn cho đường tiêu hóa

Các thông tin trên phần nào cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng quan về đau dạ dày. Khi cơn đau xuất hiện, không nên chủ quan bỏ qua các triệu chứng. Hãy đi khám để được điều trị đúng cách. Bảo vệ dạ dày và đường tiêu hóa là bảo vệ chất lượng cuộc sống của chính chúng ta.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital