Nguyên nhân đẻ thường xong bị trĩ và cách chữa trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Đẻ thường xong bị trĩ là vấn đề thường gặp của nhiều mẹ bầu. Nếu không chữa trị bệnh có thể mang đến nhiều phiền toái, giảm chất lượng cuộc sống.

1. Bệnh trĩ sau sinh là gì?

Bệnh trĩ hay còn gọi là lòi dom, là bệnh xảy ra do các đám rối tĩnh mạch trĩ ở quanh hậu môn bị giãn quá nhiều. Tĩnh mạch vùng trực tràng hậu môn có trách nhiệm vận chuyển máu. Khi các tĩnh mạch này bị giãn ra do áp lực, tĩnh mạch trở nên phình đại và đọng máu, gây ra trĩ. Với những bà mẹ đang mang thai, nếu gặp tình trạng trĩ thì khả năng sau sinh vẫn có thể mắc trĩ. Bệnh trĩ sẽ thường thấy ở những mẹ sinh thường hơn sinh mổ.

Thường sẽ chia thành 2 loại trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại dựa theo vị trí của búi trĩ.

– Trĩ nội: xuất hiện bên trong hậu môn trực tràng và được chia làm 4 cấp độ.

Cấp độ 1: Các búi trĩ mới nằm trong hậu môn, người bệnh sẽ có cảm giác đau rát hoặc ngứa nhẹ, nhất là sau khi đi đại tiện.

Cấp độ 2: Xuất hiện máu mỗi lần đi tiêu. Sau khi rặn có thể xuất hiện cục thịt nhỏ lồi ra ngoài nhưng sẽ chui vào trong sau khi đi vệ sinh xong. Cảm giác khó chịu tăng lên.

Cấp độ 3: Búi trĩ lòi hẳn ra phía ngoài và không thể co lại nếu không lấy tay nhét vào. Khi ngồi hoặc đi ngoài sẽ cảm thấy đau và khó chịu.

Cấp độ 4: Búi trĩ lòi ra ngoài và dù nhét kiểu gì cũng không thể đẩy búi trĩ vào trong được. Lúc này người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn và chảy nhiều máu dù không ngồi xuống.

đẻ thường xong bị trĩ

Mô tả trĩ nội và trĩ ngoại

– Trĩ ngoại: là những cục nhỏ xuất hiện xung quanh hậu môn và cũng được chia làm 4 cấp độ:

Cấp độ 1: Búi trĩ nhỏ bằng đầu móng tay, khi ngồi có cảm giác vướng, có thể chảy máu khi đi ngoài.

Cấp độ 2: Cục trĩ sẽ to hơn, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa rát khó chịu, đau nhiều hơn đặc biệt là khi ngồi.

Cấp độ 3: Búi trĩ phát triển to hơn có thể bịt kín hậu môn khiến mỗi lần đi ngoài hoặc cọ xát vào quần là lại chảy máu.

Cấp độ 4: Búi trĩ sa ở mức cực đại, không thể không điều trị nếu không người bệnh sẽ rất đau đớn và không thể đi đại tiện.

2. Nguyên nhân bị trĩ sau sinh

Những mẹ bầu sau sinh bị trĩ thường gặp những dấu hiệu sau:

– Đại tiện ra máu: Thời gian đầu của bệnh trĩ có thể số lượng máu xuất hiện không nhiều, có thể chỉ xuất hiện 1 vài mảng nhỏ sau khi đi ngoài. Nhưng sau một thời gian, lượng máu bắt đầu tăng lên, thậm chí có thể bị đông lại và có hiện tượng đi ngoài ra cục máu đông.

– Sau búi trĩ: Xuất hiện những cục lồi nhỏ ở hậu môn. Nhẹ thì tự co lên sau mỗi lần đi vệ sinh, nặng thì phải lấy tay nhét mới vào, thậm chí không thể vào. Mẹ sẽ có cảm giác rất đau rát khi cọ vào những búi trĩ này.

– Ngứa rát, sưng đau, nứt kẽ hậu môn

Có nhiều nguyên nhân bị trĩ, đối với những mẹ bầu sinh thường sẽ có một số nguyên nhân thường thấy như sau:

2.1. Đẻ thường xong bị trĩ do rặn nhiều khi sinh

Rặn đẻ là việc làm bắt buộc khi đẻ thường. Tuy nhiên nếu không biết cách rặn sẽ có thể gây nên bệnh trĩ sau sinh. Nguyên nhân là thời điểm chuyển dạ tử cung sẽ giãn ra, tạo áp lực lớn lên vùng bụng, nhất là vùng trực tràng. Từ đó dẫn đến các tĩnh mạch bị tụ máu và sưng phình lên, các búi trĩ cũng bị đẩy ra ngoài sau mỗi lần rặn của sản phụ.

2.2. Đẻ thường xong bị trĩ do táo bón thường xuyên

Trong thai kỳ có nhiều mẹ gặp vấn đề với chứng táo bón, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh trĩ sau sinh. Với những mẹ bị táo, buộc phải rặn nhiều, rặn mạnh lúc đi ngoài. Lâu dần các tĩnh mạch trực tràng sẽ bị giãn nở, tạo thành những búi trĩ trong hậu môn.

đẻ thường xong bị trĩ

Nhiều mẹ sau sinh bị trĩ do táo bón thường xuyên

Sau khi sinh, việc táo bón có thể vẫn xảy ra do:

– Vết đau tầng sinh môn khi đẻ thường làm sản phụ hạn chế đi ngoài.

– Ăn ít rau xanh, uống ít nước, uống nhiều canxi và sắt để cho con bú…

– Thời gian sau sinh mẹ cũng ít vận động hơn dễ dẫn đến táo bón.

2.3. Do trọng lượng của em bé lúc sinh

Những tháng cuối thai kỳ, trọng lượng của em bé tăng rất nhanh, tạo áp lực khá lớn lên trực tràng và hậu môn. Máu không lưu thông được khi tĩnh mạch bị chèn ép dẫn đến phình tĩnh mạch, tạo ra các búi trĩ ngay từ lúc mang thai.

 2.4. Do tiền sử từng mắc bệnh trĩ

Tình trạng trĩ sau sinh sẽ phổ biến hơn với những mẹ đã từng bị trĩ trong thai kỳ. Sau sinh, bệnh trĩ có thể còn nặng hơn. Nguyên nhân do các hormone khi mang thai làm các tĩnh mạch giãn nhiều hơn, các tĩnh mạch ở vùng trực tràng cũng như vậy. Từ đó dẫn đến khả năng mắc trĩ sau sinh cao hơn và nghiêm trọng hơn.

3. Làm gì để điều trị bệnh trĩ sau sinh

Thông thường với những bệnh nhân bị trĩ, tùy theo mức độ nặng nhẹ sẽ có hai cách điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.

3.1. Cách chữa trị nội khoa

Đây là cách kết hợp giữa dùng thuốc điều trị và tuân theo lối sinh hoạt lành mạnh. Đối với việc dùng thuốc, mẹ sau sinh cần tuân thủ cách dùng thuốc được bác sĩ kê đơn, thông qua đường uống và đường bôi hậu môn.

Bên canh đó cần điều chỉnh lối sinh hoạt lành mạnh nhất có thể. Cụ thể như:

– Ăn uống lành mạnh: bổ sung nhiều chất xơ (có nhiều trong rau củ quả, ngũ cốc nguyên cám), men vi sinh tự nhiên (sữa chua), uống nhiều nước (2 lít/ngày).

– Vận động nhẹ nhàng với những bài tập có lợi cho tiêu hóa.

– Tuyệt đối không nên nhịn đi vệ sinh (đại tiện).

– Ngâm hậu môn trong nước muối đặc và ấm mỗi ngày. Với những trường hợp búi trĩ bị sưng đau thì nên chườm lạnh để giảm sưng.

3.2. Phẫu thuật cắt búi trĩ

Với những trường hợp trĩ nhẹ, có thể tự khỏi sau khi bôi thuốc và điều chỉnh lối sống lành mạnh. Những có những trường hợp bị trĩ quá nặng, buộc phải dùng cách phẫu thuật để giải quyết vấn đề này.

đẻ thường xong bị trĩ

Phẫu thuật là một cách điều trị trĩ triệt để

Có hai cách phẫu thuật trĩ là thắt và cắt trĩ. Thắt búi trĩ là thủ thuật dùng vòng cao su buộc 1 vài vòng quanh gốc búi trĩ nhằm cắt đứt lưu thông máu, để búi trĩ khô dần và rụng đi. Cắt búi trĩ là phương pháp phẫu thuật gây tê hoặc gây mê để loại bỏ hoàn toàn búi trĩ.

Mẹ sau sinh có thể gặp nhiều vấn đề bệnh lý sau sinh, đẻ thường xong bị trĩ chỉ là một trong số đó. Vì vậy, mẹ cần phải quan tâm và chăm sóc sức khỏe của bản thân hơn, như thế mới có thể đủ sức lực và tinh thần để chăm bẵm những em bé của mình mẹ nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital