“Chào bác sĩ, tôi đi khám sức khỏe định kỳ thì phát hiện có sỏi túi mật, do tôi không bị đau nên cũng chưa uống thuốc gì. Bác sĩ có thể cho tôi biết chế độ ăn như thế nào thì tốt cho người sỏi mật? Và bị sỏi mật cần lưu ý những gì?”
Nguyễn Hiền (Hải Phòng)
Chào bạn Hiền, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Hệ thống y tế Thu Cúc của chúng tôi, chúng tôi xin được giải đáp thắc mắc của bạn như sau:
Menu xem nhanh:
Người bị sỏi mật nên ăn gì?
Sỏi mật là bệnh có liên quan đến rối loạn chuyển hóa cholesterol và nhiễm khuẩn, đây là bệnh thường gặp và có ngày càng có xu hướng gia tăng.
Vì vậy, để phòng ngừa bệnh sỏi mật cũng như hạn chế sự phát triển của sỏi mật cần có một chế độ ăn uống khoa học, bổ sung các loại thực phẩm sau:
Cà rốt
Cà rốt rất giàu caroten, khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành vitamin A, có tác dụng làm giảm thiểu sự hình thành sỏi đường mật.
Dưa hấu
Dưa hấu rất thích hợp cho người bị sỏi mật, viêm túi mật vì đây là quả có công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu… Dưa hấu có thể ăn, ép nước uống hoặc vỏ dưa hấu thái vụn, phơi khô dùng để hãm uống thay trà.
Củ cải
Tính mát, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu… là một trong những thực phẩm lý tưởng cho người bị sỏi mật, sỏi tiết niệu. Dùng tốt nhất dưới dạng củ tươi rửa sạch, ép lấy nước uống.
Râu ngô
Râu ngô có vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt lợi tiểu, lợi mật và hạ đường huyết, rất thích hợp với những người bị tăng huyết áp, viêm thận, viêm đường tiết niệu, sỏi tiết niệu, viêm túi mật, sỏi đường mật, viêm gan…
Cần tây
Các chất trong rau cần tây giúp lợi mật, hạ huyết áp, giảm mỡ máu, là thực phẩm lý tưởng cho người bị tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, viêm đường tiết niệu, sỏi mật…
Các loại thực phẩm khác tốt cho người bị sỏi mật
Bí đao, rau diếp cá, mã thầy, củ non của cây niễng, ăn các loại đạm dễ tiêu, ăn nhiều chất xơ giúp tiêu hóa tốt… cũng hỗ trợ điều trị sỏi mật.
Các thực phẩm nên hạn chế
Cần giảm mỡ và chất béo, hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như nội tạng động vật, trứng, sữa chưa tách bơ… Không dùng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu trắng…
Các biện pháp điều trị và phòng ngừa sỏi mật
Chế độ ăn uống chỉ hỗ trợ điều trị sỏi mật, người bệnh vẫn cần đi khám để có biện pháp điều trị sỏi mật kịp thời tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.Tùy vị trí và kích thước sỏi mật mà có biện pháp điều trị khác nhau:
Đối với sỏi túi mật
Dùng thuốc tan sỏi, áp dụng với sỏi cholesterol dưới 1,5cm, tốt nhất với sỏi dưới 5mm. Đối với sỏi to có thể cắt túi mật hoặc mổ phanh.
Đối với sỏi trong gan và ống mật chủ
Có thể lấy sỏi qua nội soi ngược dòng đối với sỏi ở ống mật chủ, sỏi nhỏ dưới 1,5cm hay tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng điện từ đối với sỏi to.
Phòng ngừa bệnh sỏi mật
Nhiễm khuẩn đường mật là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hình thành sỏi mật, vì vậy, cần ăn uống vệ sinh như ăn thức ăn đã nấu chín, tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Đối với người bị sỏi mật cần được theo dõi và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm do sỏi mật gây ra.