Mổ đẻ khi chưa chuyển dạ hay còn gọi là mổ lấy thai chủ động là việc thực hiện sinh mổ khi mẹ chưa có cơn đau chuyển dạ. Khi mổ lấy thai chủ động, thời gian phục hồi của mẹ sẽ lâu hơn phương pháp sinh thường và việc sinh mổ cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng cho cả mẹ và em bé.
Menu xem nhanh:
1. Khi nào cần mổ đẻ khi chưa chuyển dạ?
1.1 Mổ đẻ khi chưa chuyển dạ – Nguyên nhân từ phía người mẹ
Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định mổ chủ động cho thai phụ trong trường hợp mẹ bầu có khung chậu hẹp, đường ra của thai nhi bị cản trở như u tiền đạo hay nhau tiền đạo, sát ngày dự sinh nhưng bé không có dấu hiệu quay đầu. Khi mẹ bầu thuộc một trong những trường hợp dưới đây sẽ được bác sĩ cân nhắc và chỉ định chủ động mổ lấy thai trước khi có cơn chuyển dạ:
– Thai phụ mắc bệnh toàn thân nặng không đủ điều kiện để có thể tiếp tục thai kỳ. Khi có những tình trạng bệnh lý của mẹ hay thai nhi nếu được tiên đoán gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi thì cần phải chấm dứt thai kỳ bằng việc mổ lấy thai.
– Mẹ bầu có các bệnh lý nền như huyết áp cao, tiểu đường thai kỳ hoặc có nguy cơ tiền sản giật, không thể cân bằng được chỉ số huyết áp hay đường huyết bằng thuốc.
– Mẹ bầu gặp các bệnh lý về tim mạch bà được bác sĩ chẩn đoán tình trạng có thể diễn tiến xấu đi trong quá trình chuyển dạ.
– Mẹ bầu mắc một số bệnh nhiễm khuẩn có thể lây truyền cho bé trong quá trình sinh thường.
– Mẹ mang đa thai như song thai, thai ba và không thể sinh con tự nhiên qua đường âm đạo vì có thể khiến mẹ mất sức trong lúc sinh.
– Mẹ đã từng sinh mổ nhiều lần trước đây cũng sẽ được chỉ định mổ chủ động ở lần sinh kế tiếp
– Mẹ bầu từng có tiền sử phẫu thuật tử cung trước đó như bóc u xơ tử cung, tử cung có sẹo mổ cũ, mổ lấy thai từ 2 lần trở lên…
1.2 Mổ đẻ khi chưa chuyển dạ – Nguyên nhân từ thai nhi
– Trọng lượng em bé quá lớn, thông thường qua siêu âm có thể tiên đoán gần như chính xác trọng lượng thai nhi, thai nhi quá to sẽ gây khó khăn cho mẹ trong việc sinh thường, ảnh hưởng đến cả mẹ và bé, vì vậy thông thường khi trọng lượng thai nhi đạt từ 3,8kg trở lên, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ nên sinh thường để đảm bảo an toàn cho em bé và tránh mất sức cho mẹ.
– Khi thai nhi bắt đầu có các dấu hiệu suy thai như nhịp tim thai dao động quá nhanh hoặc quá chậm. Lúc này việc mổ cấp cứu để chủ động đưa em bé ra là rất cần thiết vì nếu chậm trễ có thể sẽ đe dọa đến tính mạng của thai nhi.
– Thai nhi bị suy dinh dưỡng: Do 1 số nguyên nhân như các tổn thương về bánh rau: vôi hóa bánh nhau, gai nhau hoặc do chế độ dinh dưỡng không khoa học của mẹ có thể làm cho bào thai bị suy dinh dưỡng. Cần chủ động phẫu thuật để lấy thai và sau đó có biện pháp chăm sóc đặc biệt cho thai nhi để cải thiện tình trạng này.
– Nhóm máu của em bé bất đồng với nhóm máu của mẹ, nếu không lấy thai ra thì sẽ có nguy cơ cao em bé bị chết lưu trong buồng tử cung.
1.3 – Mổ đẻ khi chưa chuyển dạ – Liên quan đến phần phụ của thai
Mẹ bầu gặp các triệu chứng sau: bị nhau tiền đạo trung tâm, nhau thai bị can xi hóa (vôi hóa nhau thai) độ III – IV khiến cho thai nhi không còn được nhận dưỡng chất từ dây rốn, chỉ số ối thấp (dưới 30) dẫn đến nguy cơ cạn ối…sẽ được chỉ định phẫu thuật sinh mổ để đưa em bé ra đời mà không cần chờ đến cơn chuyển dạ.
1.4 Một số lý do khác khiến mẹ bầu phải mổ chủ động
Một số mẹ có tiền sử sản khoa nặng nề như tiền sử thai lưu nhiều lần, thai lưu trước chuyển dạ đều sẽ được chỉ định chuyển mổ chủ động. Ngoài ra các bất thường về nhau thai có thể dẫn đến băng huyết sau sinh nếu sản phụ sinh thường, với trường hợp như vậy thường sẽ không đợi đến khi có dấu hiệu chuyển dạ vì khi ấy có thể sẽ ảnh hưởng nguy hiểm đến tình trạng sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của mẹ và em bé.
2. Những mặt lợi và hại khi mổ lấy thai chủ động
2.1 Lợi ích khi mẹ sinh mổ chủ động
Trong trường hợp thai nhi bị yếu hoặc suy hô hấp, việc mổ lấy thai chủ động càng sớm sẽ càng giảm được nguy cơ em bé bị ngạt do thiếu oxy, bị tổn thương các bộ phận cơ thể do sinh khó hay chuyển dạ trong thời gian dài.
Việc chủ động mổ lấy thai sẽ giúp mẹ xác định chính xác thời điểm em bé chào đời, thậm chí có thể chủ động được giờ sinh của con
So với việc sinh thường thì sinh mổ sẽ giảm thiểu nguy cơ mẹ bị băng huyết sau sinh, ngoài ra đẻ mổ khi chưa chuyển dạ còn giúp mẹ hạn chế nguy cơ sinh thường thất bại phải chuyển mổ khiến người mẹ vừa mất sức vừa phải trải qua 2 cơn đau đẻ.
2.2 Những bất lợi cho mẹ và bé khi sinh mổ chủ động
– Khi mổ chủ động lấy thai, sản phụ có thể gặp phải những tai biến trong quá trình gây mê hoặc phẫu thuật. Mẹ sẽ bị mất máu nhiều, thời gian hậu phẫu kéo dài hơn sẽ khiến cho tử cung lâu hồi phục hơn, sức khỏe sau sinh cũng yếu hơn so với các mẹ sinh thường.
– Một số trường hợp sau mổ chủ động gặp tình trạng nhiễm trùng vết mổ nên phải sử dụng kháng sinh nhiều hơn. Không chỉ vậy mẹ còn phải đối mặt với nguy cơ dính ruột, tắc ruột sau sinh hoặc bục vết mổ ở những lần mang thai kế tiếp.
– Mẹ sau mổ đẻ cần thời gian hồi phục lâu hơn nên không thể cho con bú ngay lập tức trong những giờ đầu sau sinh. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ.
– Đối với em bé, nếu thời điểm ra đời khi trẻ chưa đủ tháng, trẻ có nguy cơ bị suy hô hấp cấp do phổi chưa đủ trưởng thành, hội chứng phổi ướt (chậm hấp thu dịch phổi).
– Trẻ sinh mổ khi mẹ chưa chuyển dạ dễ bị mắc các bệnh dị ứng và nhiễm khuẩn hơn trẻ sinh bằng phương pháp tự nhiên, do em bé không được tiếp xúc với các loại vi khuẩn ở đường âm đạo của mẹ. Ngoài ra hệ tiêu hóa của trẻ sinh mổ cũng không phát triển vượt trội hơn trẻ sinh thường do các vi khuẩn có lợi trong đường ruột phải mất thời gian khoảng 6 tháng để phát triển.
– Bên cạnh đó nếu trẻ sinh non cũng sẽ dễ kèm theo các bệnh lý như vàng da nhân, hạ thân nhiệt, nhiễm trùng huyết…
3. Có nên mổ đẻ chủ động hay không?
Để xác định có nên mổ chủ động lấy thai hay không, cần phải có sự hội chẩn và chỉ định của bác sĩ. Không nên vì những ý định chủ quan để cố thu xếp sinh mổ khi mẹ chưa có dấu hiệu chuyển dạ như chọn ngày giờ đẹp để sinh con, việc chọn ngày giờ sinh đã từng có những trường hợp trẻ bị suy hô hấp sau sinh do sinh non, khiến cho việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, bản thân em bé khi chưa đủ ngày đủ tháng đã chào đời cũng sẽ có hệ miễn dịch yếu hơn so với các em bé sinh đủ ngày.
Nếu sức khỏe thai phụ hoàn toàn bình thường và thai nhi không gặp bất kỳ bất thường về sức khỏe nào thì thời điểm an toàn để sinh mổ chủ động là từ 38 đến 40 tuần. Vì vậy mẹ cần theo dõi sức khỏe thai kỳ và thăm khám thai định kỳ theo lịch để được bác sĩ khám và tư vấn thời gian sinh mổ thích hợp.
Để được tư vấn và đặt lịch khám thai định kỳ, Quý khách hàng hãy liên hệ tới tổng đài của Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI để được giải đáp chi tiết!