Trong thời gian mang thai, các mẹ bầu thường có sức đề kháng yếu nên bất kỳ bộ phận nào bên trong hệ tiết niệu cũng đều có thể bị nhiễm khuẩn. Do đó, câu hỏi được nhiều mẹ bầu thắc mắc nhất là: “Khi mang thai bị viêm tiết niệu có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?
Menu xem nhanh:
1. Đôi nét về căn bệnh viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu là tình trạng vi khuẩn, nhất là khuẩn E.coli xâm nhập vào bên trong cơ quan thận hoặc bàng quang để gây nhiễm khuẩn cho nước tiểu. Sau đó, chúng lây lan sự nhiễm khuẩn tới những cơ quan tiết niệu, bao gồm niệu quản, thận, niệu đạo và bàng quang. Đây là một căn bệnh nhiễm trùng hay gặp ở chị em phụ nữ, nhất là đang trong thời kỳ mang thai.
Vì đường tiết niệu của chị em phụ nữ ngắn và nằm gần với hậu môn nên các bệnh viêm nhiễm rất dễ lây lan tới vùng lân cận. Đó là lý do tại sao mà các chị em phụ nữ dễ bị viêm đường tiết niệu hơn nam giới.
Trong thời gian mang thai, các loại hormone sản sinh ở cơ thể của chị em sẽ khiến những cơ ở niệu quản giãn ra và thời gian tiểu kéo dài hơn sẽ khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào niệu đạo. Cùng với sự phát triển của bào thai, thai nhi lớn dần lên và chèn ép lên bàng quang của mẹ bầu, bàng quang bị ứ đọng nước tiểu nên dễ bị viêm nhiễm do nấm và vi khuẩn gây ra. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các mẹ bầu dễ bị viêm đường tiết niệu.
2. Dấu hiệu viêm đường tiết niệu ở mẹ bầu
Một số dấu hiệu nhận biết mẹ bầu bị viêm nhiễm ở đường tiết niệu bao gồm:
– Có cảm giác muốn đi tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu thải ra rất ít.
– Lúc không đi tiểu hay cảm thấy khó chịu, buồn và ớn lạnh, một số chị em còn có thể bị sốt nhẹ và đau bụng dưới.
– Trực tràng của mẹ bầu luôn có cảm giác bị đầy.
– Thường xuyên cảm thấy đau lưng ở vùng dưới sườn, khó chịu ở bụng và bụng ì ạch.
– Nước tiểu có màu đục và có mùi khai bất thường, nếu bị viêm nhiễm nặng có thể có lẫn máu.
3. Ảnh hưởng của bệnh lý viêm đường tiết niệu
3.1. Ảnh hưởng trực tiếp tới cơ thể của mẹ bầu
– Gây ra tình trạng viêm nhiễm ở những cơ quan khác của tiết niệu như bàng quang, thận, niệu quản,…
– Viêm nhiễm nhiều ngày ở ống niệu đạo có thể để lại các vết sẹo và gây hẹp bộ phận niệu đạo.
– Hiện tượng nhiễm khuẩn ở các bộ phận khác của tiết niệu có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, áp xe thận, suy thận cấp, bể thận cấp,…
– Có thể gây ra tình trạng tiền sản giật và tán huyết cho mẹ bầu.
3.2. Viêm tiết niệu có ảnh hưởng tới thai nhi hay không?
Mẹ bầu bị viêm tiết niệu có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng sơ sinh cho trẻ. Ngoài ra, nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu còn có thể dẫn tới tình trạng sảy thai, sinh non hoặc gây lưu thai.
4. Cách phòng bệnh viêm đường tiết niệu ở mẹ bầu
Kiểm tra nước tiểu thường xuyên khi đi khám thai là phương pháp tốt nhất để phát hiện ra bệnh viêm đường tiết niệu. Ở lần khám thai đầu tiên, mẹ bầu nên yêu cầu thực hiện xét nghiệm nước tiểu để xác định có bị viêm đường tiết niệu hay không.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên bổ sung các loại nước trái cây tốt cho sức khỏe và có công dụng lợi tiểu. Khi muốn đi tiểu thì phải đi ngay chứ không nên nhịn lâu vì sẽ dẫn đến những nguy cơ gây hại cho hệ bài tiết và gây nguy hiểm cho thận, bàng quang,… Hơn nữa, mẹ bầu cũng cần phải vệ sinh sạch sẽ cơ thể và các cơ quan tiết niệu mỗi ngày để vi khuẩn không có cơ hội sinh sôi, phát triển.
5. Cách điều trị bệnh viêm đường tiết niệu khi mang thai
Đối với những thể nhẹ như viêm bàng quang hay viêm đường tiết niệu, mẹ bầu có thể điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Sau khi điều trị, mẹ bầu cần thực hiện xét nghiệm lại để thu được kết quả chính xác nhất.
Đối với thể viêm thận hoặc bể thận cấp, mẹ bầu cần phải nhập viện ngay để được bác sĩ điều trị theo phác đồ cụ thể. Theo đó, mẹ bầu phải tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng đơn thuốc bác sĩ kê và tránh lạm dụng thuốc kháng sinh làm ảnh hưởng không tốt tới em bé trong bụng.
Ngoài ra, mẹ bầu cần phải có sự chăm sóc sản khoa tốt nhất như theo dõi tim thai, kiểm tra thai nhi,… Sau khi điều trị khỏi bệnh, mẹ bầu vẫn nên làm thêm xét nghiệm nước tiểu để đề phòng bệnh viêm đường tiết niệu tái phát.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp các mẹ giải đáp được thắc mắc: “Viêm tiết niệu có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?”. Tốt nhất, mẹ bầu nên đi thăm khám ngay khi có triệu chứng viêm đường tiết niệu để đảm bảo cho sức khỏe của bản thân và thai nhi.