Lưu ý khi tiêm phòng uốn ván trước khi mang thai

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Nguyễn Minh Vỹ

Bác sĩ tiêm chủng

Tiêm uốn ván trước khi mang thai là một trong những mũi tiêm quan trọng để bảo vệ cho sức khỏe của mẹ lẫn thai nhi. Vậy tiêm phòng uốn ván vào thời điểm nào, bao nhiêu mũi tiêm thì phù hợp? Cần lưu ý những gì sau tiêm? Để trả lời những câu hỏi trên, bài viết sẽ cung cấp những lưu ý mà các mẹ cần biết khi tiêm phòng uốn ván trước khi mang thai.

1. Tầm quan trọng của tiêm phòng uốn ván thời điểm trước khi mang thai

Theo như đánh giá của các chuyên gia y tế, khi mắc uốn ván tỷ lệ tử vong ở người lớn là rất cao, lên đến 90%. Nếu trẻ sơ sinh mắc căn bệnh này thì nguy cơ tử vong có thể lên đến 95%.

Có thể thấy, uốn ván là căn bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, đặc biệt với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai là khoảng thời gian vô cùng nhạy cảm đối với thai phụ. Khi đó, hệ miễn dịch của mẹ suy yếu nên rất dễ lây nhiễm bệnh. Nếu mẹ mắc bệnh, thai nhi cũng sẽ chịu tác động xấu. Thậm chí đối mặt với những nguy cơ như dị tật bẩm sinh, sinh non, ngừng phát triển, thai chết non…

Vì vậy, tiêm uốn ván trước khi mang thai có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi từ sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Công dụng tiêm phòng uốn ván trước khi mang thai

Vắc xin uốn ván giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh khi sinh con, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé

2. Các loại vắc xin uốn ván tiêm trước khi mang thai

Vắc xin tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ chuẩn bị mang thai hiện có 3 loại chính:

– Vắc xin 3 trogn 1 Adacel (Canada): Đây là loại vắc xin kết hợp 3 thành phần giải độc tố uốn ván hấp phụ, bạch hầu liều thấp hấp phụ và ho gà vô bào.

– Vắc xin 3 trong 1 Boostrix (Bỉ): Đây là loại vắc xin kết hợp giúp tạo kháng thể chống lại 3 loại bệnh ho gà, bạch hầu và uốn ván.

– Vắc xin uốn ván hấp phụ VAT (Việt Nam): Giúp tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh uốn ván cho người lớn và trẻ em.

Với mỗi loại vắc xin sẽ có liều lượng và áp dụng chỉ định riêng. Vì vậy, khi lựa chọn loại vắc xin phù hợp, các mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có liều tiêm an toàn và hiệu quả nhất đối với cơ thể.

3. Những lưu ý khi tiêm phòng uốn uốn ván trước khi mang thai

3.1. Lịch tiêm phòng uốn ván trước khi mang thai

Đối với vắc xin Adacel (Canada) và Boostrix (Bỉ)

Đối với hai loại vắc xin này, các mẹ chỉ cần tiêm duy nhất một mũi.  Nếu không kịp tiêm trước khi mang thai, các mẹ có thể tiêm vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ và tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm.

Đối với vắc xin uốn ván hấp phụ VAT (Việt Nam)

Đối với mẹ chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản, lịch tiêm sẽ được áp dụng như sau:

– Mũi tiêm 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu.

– Mũi tiêm 2: Tối thiểu 1 tháng sau mũi 1.

– Mũi tiêm 3: Tối thiểu 6 tháng sau mũi 2 hoặc kỳ có thai lần sau.

– Mũi tiêm 4: Tối thiểu 1 năm sau mũi 3 hoặc kỳ có thai lần sau.

– Mũi tiêm 5: Tối thiểu 1 năm sau mũi 4 hoặc kỳ có thai lần sau.

Lịch tiêm uốn ván trước khi mang thai

Phụ nữ nên chủ động lên kế hoạch tiêm vắc xin phòng uốn ván trước khi có kế hoạch mang thai

3.2. Tác dụng phụ có thể gặp sau khi tiêm phòng vắc xin uốn ván

Cũng giống như những loại vắc xin khác, vắc xin phòng uốn ván có thể dẫn đến một số phản ứng sau tiêm không nghiêm trọng như sau.

Đối với vắc xin Adacel (Canada) và Boostrix (Bỉ)

Sau khi tiêm vắc xin Boostrix, mẹ bầu có thể gặp những phản ứng nhẹ, không kéo dài và không cần điều trị đặc biệt. Đây là sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể sau khi tiêm vắc xin. Cụ thể như sau:

– Đau đầu, mệt mỏi.

– Có cảm giác đau, nổi ban đỏ hoặc sưng nhẹ ở vị trí tiêm. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường biến mất ngay sau 72 giờ.

– Có thể khó chịu chóng mặt; buồn nôn, rối loạn tiêu hóa.

– Sốt ≥ 37.5°C.

Sau khi tiêm vắc xin Adacel, các mẹ hay gặp những phản ứng như sau:

– Cảm giác đau, sưng đỏ tại vị trí tiêm.

– Các phản ứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn.

– Các phản ứng hiếm gặp như dị ứng quá mẫn, ngứa, mày đay. Đối với những phản ứng này, nếu triệu chứng kéo dài và có diễn biến nặng, mẹ cần liên hệ ngay với bác sĩ để theo dõi và thăm khám kịp thời.

Đối với vắc xin uốn ván hấp phụ VAT (Việt Nam)

Một số tác dụng phụ có thể gặp sau khi sử dụng vắc xin uốn ván hấp phụ như:

– Sốt hoặc cảm giác đau, sưng, đỏ ở chỗ tiêm. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường nhẹ và tự khỏi sau vài ngày.

– Sưng hạch bạch huyết gần vết tiêm.

– Các phản ứng toàn thân như dị ứng; đau đầu; đổ mồ hôi, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp.

– Rối loạn chức năng thần kinh ở cánh tay, bả vai. Nếu gặp triệu chứng này phải thông báo ngay cho bác sĩ để điều trị.

Tác dụng phụ có thể gặp sau khi tiêm phòng vắc xin uốn ván

Triệu chứng phụ đau sưng ở vết tiêm là phản ưng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin phòng uốn ván

3.3. Cách chăm sóc sau khi tiêm phòng uốn ván trước khi mang thai

Sau khi tiêm vắc xin uốn ván, mẹ cần lưu ý một số điều sau để có thể đảm bảo cho cơ thể an toàn và khỏe mạnh:

– Theo dõi tình trạng sức khỏe tối thiểu 30 phút sau khi tiêm tại cơ sở tiêm chủng. Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường như sốc phản vệ, thở nhanh hay ngắt quãng, da mẩn đỏ, buồn nôn,… thì phải báo ngay cho nhân viên y tế để được kiểm tra kịp thời.

– Sau khi tiêm xong, các mẹ về nhà cũng cần theo dõi các biểu hiện của cơ thể. Nếu xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng đã được liệt kê bên trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị kịp thời.

Trên đây là những lưu ý mà các mẹ cần biết khi tiêm uốn ván trước khi mang thai. Mong rằng thông qua những thông tin trên, chị em đã hiểu hơn về vắc xin phòng ngừa uốn ván. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến tiêm phòng, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital