Loét hang vị dạ dày – Những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Loét hang vị dạ dày là một trong những căn bệnh về đường tiêu hóa với cái tên khá mới đối với nhiều người, tuy nhiên bệnh gây ảnh hưởng không ít đến sức khỏe của con người. Để hiểu rõ đây là căn bệnh thế nào, các nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết cùng những phương pháp phòng tránh hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.

1. Tổng quan về bệnh loét hang vị dạ dày

1.1. Loét hang vị dạ dày là gì

Dạ dày là một bộ phận trong cơ quan tiêu hóa của cơ thể có dạng hình chữ J, có chức năng chứa, nghiền thức ăn, thấm dịch vị và tiêu hóa thức ăn bằng hệ enzyme tiêu hóa dịch vị. 

Dạ dày được chia làm nhiều phần bắt đầu từ tâm vị, phình vị, thân vị, hang vị, và môn vị. Hang vị dạ dày nằm ở giữa thân vị và môn vị và là phần nằm ngang của dạ dày, nơi thường chứa lượng lớn thức ăn khi vào cơ thể, do đó là nơi hoạt động của nhiều vi khuẩn hơn các phần khác của dạ dày.

Có thể mắc viêm loét ở nhiều vùng khác nhau trong dạ dày như viêm loét dạ dày, viêm loét tâm vị, viêm loét tiền môn vị, viêm loét tá tràng… Tại bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin cần thiết và hữu ích về bệnh hang vị dạ dày bị loét, căn bệnh có tỷ lệ mắc phổ biến ở người trưởng thành.

Loét hang vị ở dạ dày là tình trạng niêm mạc tại hang vị dạ dày bị loét hoặc tổn thương do lượng axit trong dạ dày bị mất cân bằng và tăng cao hơn so với lượng chất nhầy có trong dạ dày. Đây là giai đoạn sau của viêm hang vị dạ dày khi không được điều trị kịp thời. 

Hang vị dạ dày nằm ở đâu và bệnh loét hang vị dạ dày

Hang vị dạ dày nằm ở giữa thân vị và môn vị và là phần nằm ngang của dạ dày, nơi chứa nhiều thức ăn và hoạt động nhiều của vi khuẩn

1.2. Nguyên nhân gây nên tình trạng hang vị bị loét

Cũng tương tự như bệnh viêm loét dạ dày, nguyên nhân gây loét hang vị tại dạ dày cũng do một số yếu tố sau đây:

Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): Đây mà một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm loét dạ dày nói chung và hang vị dạ dày bị viêm loét nói riêng. Loại virus này khi xuất hiện trong dạ dày sẽ tiết ra một loại enzyme urease sẽ phá vỡ khả năng chống axit của niêm mạc dạ dày hay niêm mạc tại vùng hang vị dạ dày gây nên viêm loét.

Sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau aspirin, corticoid, NSAID quá liều lượng. Việc sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau kể trên mà không có hướng dẫn hay kê đơn của bác sĩ trong một thời gian dài sẽ làm bào mòn lớp niêm mạc tại hang vị dạ dày, nhiều trường hợp nguy hiểm còn dẫn đến bệnh chảy máu dạ dày, thủng dạ dày…

Chế độ ăn uống cũng là một trong những nguyên nhân tác động nhiều đến hang vị dạ dày gây viêm loét. Đặc biệt căn bệnh này thường xảy ra đối với người trung niên, người đã có tuổi bởi đây là đối tượng hay sử dụng quá nhiều rượu bia, thuốc lá, điều này sẽ gây ra tình trạng tổn thương dạ dày tạo ra các bệnh viêm loét dạ dày. 

Bệnh lý này hiện nay cũng đang dần trẻ hóa do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến vấn đề ăn uống không lành mạnh, ăn các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn, nhịn ăn sáng, ăn khuya…

Bên cạnh đó thói quen sinh hoạt không khoa học cũng dẫn đến các tổn thương dạ dày như thường xuyên thức khuya không đúng giờ giấc sinh hoạt của các cơ quan trong cơ thể, liên tục gặp áp lực, căng thẳng trong cuộc sống…

Một số lý do khác có thể gặp do nhiễm nấm, ký sinh trùng hoặc sau quá trình nội soi không đúng tiêu chuẩn, sau xạ trị đối với các bệnh nhân ung thư…

1.3. Dấu hiệu nhận biết bệnh loét hang vị dạ dày

Biểu hiện của viêm hang vị dạ dày cũng tương tự như viêm dạ dày, tuy nhiên để phát hiện đúng bệnh ở vị trí nào của dạ dày cần khám để chẩn đoán và có phương pháp điều trị phù hợp. Một số triệu chứng điển hình gây bệnh bao gồm:

– Đầy hơi chướng bụng, ăn không tiêu là dấu hiệu phổ biến nhất của viêm hang vị dạ dày. Khi bệnh xảy ra, quá trình tiêu hóa và vận chuyển dinh dưỡng và thức ăn đi vào ruột sẽ bị tác động gây ra chứng khó tiêu.

– Buồn nôn, ợ hơi, ợ nóng thường đi kèm với triệu chứng khó tiêu chướng bụng

– Đau trên rốn – đau vùng thượng vị: Bệnh nhân thường có những cơn đau co thắt âm ỉ kéo dài vài giờ, có thể đau khi lúc đói, đau vào ban đêm… và các cơn đau thường xuất hiện theo chu kỳ nếu bạn theo dõi kỹ sẽ phát hiện ra. 

– Tình trạng phân lỏng đặc bất thường 

– Người mắc bệnh hay gầy, da xanh xao, mệt mỏi, mất ngủ, ăn uống kém.

2. Biến chứng nguy hiểm khi loét hang vị ở dạ dày

Loét hang vị ở dạ dày là căn bệnh có thể điều trị khỏi nếu được bệnh nhân phát hiện sớm, chủ động khám chữa bệnh và điều trị theo đúng phương pháp của y bác sĩ chuyên môn. Tuy nhiên cũng sẽ có các trường hợp biến chứng nguy hiểm của bệnh mà nhiều người còn chủ quan và lơ là để tình trạng viêm loét kéo dài.

– Loét dạ dày: Trường hợp nếu vết viêm loét ở hang vị dạ dày không được điều trị để giảm sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh sẽ làm tổn thương nhiều vị trí trong dạ dày tạo nên bệnh viêm loét dạ dày.

– Xuất huyết dạ dày: Niêm mạc dạ dày ở hang vị dạ dày bị loét và tổn thương nặng nề dẫn đến chảy máu, vỡ tĩnh mạch ở dạ dày

– Thủng dạ dày: Khi niêm mạc hang vị dạ dày bị loét nghiêm trọng dẫn đến chảy máu ở các vết loét, nếu các vết loét bị xuất huyết  nghiêm trọng mà không được khắc phục kịp thời sẽ dẫn đến trường hợp thủng dạ dày với nguy cơ tử vong cao.

– Hẹp môn vị dạ dày: Khi bệnh tiến triển nặng sẽ khiến môn vị bị tổn thương gây ra trường hợp hẹp môn vị dạ dày, dẫn đến ăn không tiêu. Hẹp môn vị sẽ gây ra tình trạng ứ đọng thức ăn không chuyển thức ăn qua tá tràng và xuống ruột được, do đó dịch vị ngày một ra tăng để tiêu hóa thức ăn, khiến người bệnh cảm giác khó tiêu, ậm ạch bụng và buồn nôn ói.

loét hang vị dạ dày gây hẹp môn vị dạ dày

Loét hang vị dạ dày không điều trị kịp thời khiến môn vị bị tổn thương gây ra trường hợp hẹp môn vị dạ dày

– Là căn bệnh về đường tiêu hóa, vì vậy gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày như mất ngủ triền miên, ăn uống kém khiến cơ thể mệt mỏi và thiếu dinh dưỡng điều này gián tiếp làm gia tăng các nguy cơ gây nên các căn bệnh khác.

3. Một số phương pháp phòng tránh hang vị dạ dày bị viêm loét

Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh về đường tiêu hóa cụ thể là viêm loét hang vị của dạ dày, thì cần nâng cao ý thức chủ động bảo vệ bản thân và gia đình, vì vậy bạn cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau đây:

– Chế độ ăn uống và dinh dưỡng: Nên ăn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn, tránh ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn vỉa hè, đồ ăn chiên rán bằng dầu mỡ sử dụng lại nhiều lần, hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều caffein, rượu bia đồ uống cồn, thuốc lá chất kích thích… Tăng cường bổ sung các loại vitamin có trong rau củ quả, thực phẩm hữu cơ, áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng trong các bữa ăn tránh thiếu hụt chất.

Nên ăn uống đúng bữa, đủ bữa, hạn chế ăn đêm. Ăn uống khoa học nhai chậm, nhai kỹ, không vận động, hoạt động thể chất ngay sau khi ăn.

– Chế độ sinh hoạt: Nên ngủ nghỉ đúng giờ, hạn chế thức khuya để cơ thể luôn khỏe

– Sức khỏe tinh thần: Giảm căng thẳng áp lực bằng các hoạt động thể dục, thể thao lành mạnh

– Tầm soát sức khỏe định kỳ 6 tháng đến 1 năm để sớm phát hiện bệnh hoặc nguy cơ gây bệnh, từ đó sẽ tăng cơ hội điều trị thành công, và tiết kiệm nhiều chi phí.

Khám điều trị loét hang vị dạ dày

Nội soi dạ dày để kiểm tra loét hang vị dạ dày

Trên đây là các thông tin chi tiết về bệnh loét hang vị ở dạ dày, một căn bệnh với cái tên khá mới đối với nhiều người, chính vì vậy nếu phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu của bệnh, người bệnh cần nên đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để thăm khám và có phương pháp điều trị kịp thời, tránh sử dụng các phương pháp điều trị bệnh truyền miệng không được y tế công nhận làm tình trạng bệnh thêm nguy hiểm và gia tăng nguy cơ tử vong.  

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital