Mổ tuyến giáp tuy là phẫu thuật đơn giản, nhưng dễ để lại biến chứng sau mổ. Điển hình là tình trạng khàn giọng, hụt hơi. Vậy làm thế nào để xử lý dứt điểm và hiệu quả biến chứng khàn tiếng sau mổ tuyến giáp?
Menu xem nhanh:
1. Mổ tuyến giáp và biến chứng khàn giọng sau phẫu thuật
Theo nghiên cứu, khoảng 80% bệnh nhân sau khi mổ tuyến giáp gặp rối loạn về giọng nói. Cùng với khàn tiếng, mất tiếng, hụt hơi, khó nói,..là những biến chứng phổ biến sau phẫu thuật tuyến giáp.
1.1. Khàn tiếng sau mổ tuyến giáp do đâu gây nên?
Bản chất của khàn giọng sau cắt tuyến giáp là do tổn thương dây thần kinh thanh quản hoặc viêm đường hô hấp trên,… Nguyên nhân vấn đề khá đa dạng, có thể là một trong những yếu tố sau:
– Quá trình phẫu thuật gây tổn thương các cấu trúc vùng cổ, gây ảnh hưởng tới phát âm, khàn giọng
– Các cơ vùng cổ và dây thanh quản bị sưng tấy, phù nề
– Dây thần kinh điều khiển dây thanh bị chèn, ép
– Rủi ro cắt đứt dây thần kinh điều khiển dây thanh trong quá trình mổ. Đây là trường hợp hiếm gặp nhưng cũng nặng nề nhất và khó phục hồi nhất
– Sau khi mổ, sức đề kháng của bệnh nhân còn yếu, là điều kiện để virus, vi khuẩn xâm nhập gây sưng, viêm họng
Tùy vào nguyên do gây khàn tiếng, phương pháp điều trị sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.
1.2. Khàn giọng sau mổ tuyến giáp kéo dài bao lâu?
Thời gian kéo dài khan tiếng của mỗi bệnh nhân sau phẫu thuật tuyến giáp là không giống nhau. Đa số trường hợp sẽ được khắc phục và cải thiện sau vài tuần. Tuy nhiên cũng có trường hợp kéo dài tới 6 tháng, hoặc hơn và vĩnh viễn. Nếu không được kiểm tra và xử lý kịp thời, hệ quả để lại sẽ vô cùng phức tạp và khó lường.
1.3. Khàn tiếng sau mổ tuyến giáp – Mối nguy ít ai biết
Y học chỉ ra rằng, có tới 10-15% bệnh nhân bị khàn tiếng sau cắt mổ tuyến giáp. Trong đó có 1% người bệnh bị khản tiếng hoặc mất tiếng suốt đời. Tình huống này xảy ra khi dây thanh quản bị cắt đứt trong quá trình phẫu thuật. Nếu bệnh nhân bị cắt đứt một dây thanh sẽ chỉ bị khàn tiếng. Nhưng nếu cả hai dây bị cắt, bệnh nhân sẽ mất giọng vĩnh viễn.
Với những tình huống khác, khan tiếng sau khi mổ tuyến giáp cũng ảnh hưởng không nhỏ tới người bệnh.
Ảnh hưởng cuộc sống
Giọng nói là phương tiện giao tiếp chính của mỗi người. Biến chứng khàn giọng, hụt hơi, mất tiếng,… khiến công việc, cuộc sống của người bệnh bị tác động lớn. Những người làm nghề đặc biệt sử dụng giọng nói như MC, ca sĩ, giáo viên sẽ không thể an tâm làm việc cũng như đảm bảo hiệu suất công việc được.
Ảnh hưởng sức khỏe
Tổn thương dây thanh, khàn tiếng do đường hô hấp bị viêm nhiễm luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan tới các cơ quan khác. Đây cũng yếu tố gây các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản,… Nguy hiểm hơn, khan tiếng mạn tính có thể làm tăng nguy cơ ung thư thanh quản.
Do vậy, khi có dấu hiệu khàn giọng sau phẫu thuật tuyến giáp, bệnh nhân nên tới cơ sở y tế sớm để thăm khám và khắc phục.
2. Chữa trị khàn tiếng sau mổ tuyến giáp như thế nào?
Với những hậu quả mà khàn tiếng sau cắt mổ tuyến giáp gây nên, người bệnh nên được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng cách. Nguyên tắc điều trị là tìm kiếm nguyên nhân và phục hồi giọng nói, đồng thời khắc phục các biểu hiện đi kèm.
Phương pháp tập luyện
Ở trường hợp thông thường, triệu chứng sẽ được cải thiện nếu bệnh nhân nghỉ ngơi hợp lý. Trong đó, quan trọng nhất là luyện tập dây thanh và điều chỉnh phục hồi giọng nói. Theo đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách thở, cách nói giúp dây thanh quản của bệnh nhân hoạt động nhịp nhàng mà không bị căng. Ngoài ra, cách ăn, nhai, nuốt sao cho đường hô hấp không bị tác động và tổn thương cũng cần được người bệnh lưu ý thực hiện.
Phương pháp phẫu thuật
Nếu những điều trị tập luyện tự nhiên không đem lại hiệu quả cao, người bệnh bị tái phát hay khàn tiếng dai dẳng, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng phương pháp phẫu thuật dây thanh. Khi gặp biến chứng sau phẫu thuật, dây thanh quản thường bị liệt, teo, tạo ra khe hở. Lúc này, bác sĩ sẽ tiêm phình dây thanh. Chất làm dày dây thường là collagen hay mỡ tự thân. Biện pháp phẫu thuật này cho hiệu quả cao. Người bệnh phục hồi nhanh chỉ sau 3-5 ngày.
Nếu một dây thanh bị liệt, bác sĩ sẽ mở lỗ nhỏ ngoài dây, đẩy dây bị liệt vào giữa. Mục đích của kỹ thuật này nhằm hỗ trợ dây rung, cải thiện giọng nói.
Khi cả hai dây thanh đều bị khép hay liệt, là lúc bệnh nhân khó thở, bác sĩ sẽ tiến hành mở khí quản, giúp bệnh nhân thở trực tiếp qua lỗ mở.
Dù là biện pháp gì, người bệnh cũng cần được kiểm tra kỹ càng và được chuyên gia chỉ định thực hiện. Do đó, cả bệnh nhân và người nhà cần tìm hiểu và cân nhắc kỹ trước khi quyết định, đảm bảo hiệu quả điều trị khàn tiếng sau phẫu thuật tuyến giáp được đúng đắn.