Kính áp tròng Ortho K là gì? Hướng dẫn sử dụng chi tiết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Ortho K hiện nay là phương pháp điều trị tật khúc xạ phổ biến tại các bệnh viện lớn. Vậy cụ thể kính áp tròng Ortho K là gì và phương pháp sử dụng như thế nào? Nếu bạn cũng đang thắc mắc thì hãy cùng Hệ thống y tế Thu Cúc TCI tìm hiểu ngay nhé!

1. Ortho K là gì?

1.1 Khái niệm

Ortho K (hay Orthokeratology) là một loại kính áp tròng có khả năng định hình lại tạm thời giác mạc. Với thiết kế đặc biệt, nó có thể áp dụng trong hầu hết các trường hợp tật khúc xạ. VD: Cận thị, viễn thị, loạn thị, lão thị,… Tuy nhiên, ứng dụng Ortho K trong điều trị cận thị là phổ biến hơn cả.

Giống như việc niềng răng, Ortho K đóng vai trò như chiếc niềng giúp điều chỉnh hình dạng giác mạc. Từ đó điều chỉnh điểm ảnh của ánh sáng khi đi vào mắt và giúp mắt nhìn rõ hơn.

ortho k là gì

Giống như việc niềng răng, Ortho K đóng vai trò như chiếc niềng giúp điều chỉnh hình dạng giác mạc

Hầu hết kính được dùng và phát huy tác dụng vào ban đêm (trong lúc ngủ). Giúp mắt bạn sáng rõ mà không cần phải đeo kính suốt cả ngày hôm sau.

Bên cạnh đó, Ortho K cũng được khuyến nghị để kiểm soát độ cận thị ở trẻ. Nhằm hạn chế sự gia tăng độ cận đồng thời giảm tỷ lệ xảy ra biến chứng do mắt cận.

1.2 Cơ chế hoạt động

Hãy tưởng tượng giác mạc là một cấu trúc hình vòm trong suốt nằm ở phía trước của mắt. Nó có chức năng hội tụ ánh sáng vào võng mạc, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp mắt nhìn rõ mọi vật.

Tuy nhiên, khi mắt bị tật khúc xạ, giác mạc đã biến dạng so với cấu trúc vốn có của nó. Ánh sáng lúc này chiếu vào mắt sẽ hội tụ ở sai điểm nên mắt không thể nhìn rõ.

Với thiết kế đặc biệt, Ortho K có khả năng định hình lại giác mạc trong quá trình sử dụng. Giúp giác mạc tạm thời trở lại với hình dạng vốn có trong một khoảng thời gian nhất định. Kính thường được sử dụng vào buổi tối khi ngủ và tháo ra vào buổi sáng.

Khi tháo kính, giác mạc vẫn sẽ tiếp tục bị định hình tạm thời. Do đó, tật khúc xạ được cải thiện và bạn không cần phải đeo kính suốt cả ngày hôm sau.

Dù vậy, Ortho K không có tác dụng điều trị dứt điểm tật khúc xạ. Nếu bạn ngừng sử dụng vào ban đêm, giác mạc sẽ trở lại hình dạng cũ. Kéo theo đó là tật khúc xạ quay trở lại. Vì vậy, việc sử dụng kính cần được duy trì hàng ngày để đạt hiệu quả tốt.

ortho k là gì

Với thiết kế đặc biệt, Ortho K có khả năng điều chỉnh tạm thời hình dạng giác mạc

Thông thường bác sĩ sẽ chụp hình và đo các thông số giác mạc cho bạn trước khi lắp kính. Quá trình này được thực hiện thông qua một dụng cụ có tên gọi là giác mạc kế. Sau đó bác sĩ mới tiến hành thiết kế một kính riêng cho bạn dựa trên thông số thu được.

1.3 Ưu điểm vượt trội

Vậy, ưu điểm của việc điều trị tật khúc xạ bằng kính áp tròng Ortho K là gì?

– Có thể áp dụng được với đa dạng các đối tượng khác nhau. Trong khi đó, phương pháp phẫu thuật thường chỉ thực hiện được với người trên 18 tuổi.
– An toàn, tiện lợi và rất dễ để sử dụng
– Không gây ra biến chứng
– Có thể thực hiện được đồng thời trên cả hai mắt
– Chỉ cần sử dụng buổi tối (trong lúc ngủ) và không cần đeo kính suốt cả ngày hôm sau
– Rẻ hơn đáng kể so với phương pháp phẫu thuật và không ảnh hưởng đến các phẫu thuật mắt khác trong tương lai.
– Đảm bảo thấm khí trong quá trình sử dụng. Cho phép oxy đi qua để mắt luôn được khỏe mạnh.
– Có thể đồng thời kiểm soát độ cận thị ở trẻ em

2. Hướng dẫn sử dụng

Thời gian khuyến nghị nên sử dụng kính áp tròng Ortho K mỗi ngày là từ 6 – 8 tiếng. Thông thường là vào buổi tối (khi đi ngủ). Trong vòng 1 tuần đầu sử dụng kính, bạn tốt nhất nên đi ngủ luôn sau khi đeo kính. Đồng thời hạn chế để nước vào mắt sẽ dễ gây kích ứng.

ortho k là gì

Thời gian khuyến nghị nên sử dụng kính áp tròng Ortho K mỗi ngày là từ 6 – 8 tiếng

CÁCH ĐEO KÍNH

– Bước 1: Rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh rồi lau khô.
– Bước 2: Nhỏ nước mắt chuyên dụng vào mắt
– Bước 3: Thực hiện vệ sinh kính bằng nước muối sinh lý
– Bước 4: Kiểm tra để đảm bảo trên kính và tròng đen không có bụi
– Bước 5: Đặt kính tiếp xúc trên đầu ngón trỏ tay phải. Sau đó nhỏ 1 giọt nước mắt nhân tạo vào giữa lòng kính tiếp xúc.
– Bước 6: Mắt nhìn thẳng rồi dùng ngón giữa của tay phải để kéo mi dưới xuống. Đồng thời dùng 3 ngón giữa của tay trái để giữ mi trên. Từ từ đặt nhẹ kính tiếp xúc vào vị trí giữa tròng đen của mắt.
– Bước 7: Thả nhẹ hai mi mắt và khẽ chớp mắt. Sau đó nhìn vào gương kiểm tra và chắc chắn rằng kính đã ở giữa tròng đen.
– Bước 8: Đổ bỏ nước ngâm kính và để khay ngâm kính tự khô.

CÁCH THÁO KÍNH

– Bước 1: Nhỏ nước mắt nhân tạo vào mắt
– Bước 2: Rửa thật sạch tay bằng xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh rồi lau khô
– Bước 3: Mắt nhìn thẳng, đồng thời dùng ngón giữa tay trái giữ mi trên. Dùng ngón giữa của tay phải để kéo mi dưới. Áp đầu que lấy kính vào giữa tròng đen sau đó nhẹ nhàng lấy kính ra.
– Bước 4: Vuốt nhẹ lấy kính khỏi que rồi đặt kính vào khay ngâm kính. Cho nước ngâm ngập kính rồi đậy nắp lại, sau đó làm tương tự với mắt còn lại.

CÁCH BẢO QUẢN KÍNH

Khi bảo quản kính áp tròng Ortho K, bạn cần lưu ý:
– Để kính trong đúng hộp để tránh nhầm lẫn (hộp màu Blue cho mắt trái, màu Green cho mắt phải).
– Ngâm kính với dung dịch AOSEP tối thiểu 6h trong hộp đựng chuyên dụng. Sau đó súc lại với dung dịch Salein Solution hai lần trước khi đặt vào mắt.
– Nếu kính không được ngâm đủ 6h với AOSEP thì cần rửa lại với dung dịch Opti Clean. Nên rửa kính với Opti Clean 1 lần mỗi tuần để làm sạch lipid, protein bám vào mặt kính.

CÁCH VỆ SINH KÍNH

– Đặt kính áp tròng vào giữa lòng bàn tay
– Nhỏ dung dịch sát khuẩn và để dung dịch bao phủ lên toàn bộ kính
– Lấy ngón trỏ của tay kia chà xát nhẹ nhàng mặt kính trong vòng 30 giây theo hình xoắn ốc
– Tráng sạch lại kính bằng nước muối sinh lý
– Đặt kính vào hộp rồi đổ ngập dung dịch ngâm mới vào, sau đó đậy kín nắp. Lưu ý bỏ dung dịch cũ, rửa sạch hộp và để khô trước khi cho dung dịch mới vào.

BAO LÂU NÊN THAY KÍNH MỘT LẦN?

Thời gian thay kính tốt nhất là từ 1 đến 2 năm. Thời hạn này sẽ được chỉ định tùy thuộc vào bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên nên thay kính 1 năm/lần để đảm bảo độ chính xác nhất cho kính.

Ngoài ra, nếu mắt sử dụng kính có dấu hiệu bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn. VD: Cộm, ngứa, đỏ, đau nhức mắt, mắt nhiều ghèn, dử,…

ortho k là gì

Nếu mắt sử dụng kính có dấu hiệu bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn

Như vậy, trên đây là lời giải đáp cho câu hỏi “Ortho K là gì?” và những thông tin chúng tôi muốn gửi đến bạn. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Hãy liên hệ với chúng tôi nếu có thắc mắc để được tư vấn nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital