Tầm soát ung thư vú là bước quan trọng giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, bảo vệ sức khỏe và tăng cơ hội điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, để quá trình kiểm tra đạt kết quả chính xác và an toàn, chị em cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trước khi thực hiện. Vậy cần chuẩn bị những gì, lưu ý điều gì, và đâu là những điều chị em không thể bỏ qua? Hãy cùng tìm hiểu ngay để sẵn sàng cho hành trình chăm sóc sức khỏe vú toàn diện!
Menu xem nhanh:
1. Khi nào nên khám sàng lọc bệnh lý tuyến vú?
Nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường ở tuyến vú là yếu tố quan trọng giúp phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Dưới đây là một số biểu hiện cần chú ý:
– Đau và sưng ngực: Tình trạng này có thể xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc giai đoạn mãn kinh. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, cần đi khám ngay để xác định nguyên nhân và can thiệp sớm.
– Xuất hiện khối u ở vú: Thường xuyên tự kiểm tra tuyến vú có thể giúp phát hiện các bất thường như u xơ hoặc u nang.
– Tiết dịch bất thường từ núm vú: Dịch tiết có thể là chất lỏng hoặc máu, cần được đánh giá y khoa để loại trừ nguy cơ bệnh lý.
– Thay đổi da hoặc núm vú: Bao gồm những bất thường như da vú hoặc núm vú thay đổi màu sắc, có vết lõm, sần sùi hoặc viêm đỏ.
– Thay đổi kích thước hoặc hình dạng vú: Vú sưng to, hai bên không cân xứng, hoặc vùng da vú bị biến đổi màu sắc.
– Sưng hoặc đỏ vùng nách: Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo liên quan đến tuyến vú hoặc hạch bạch huyết.
Khi gặp bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám sàng lọc ung thư vú.
Ngoài ra, căn bệnh này ở giai đoạn đầu thường có dấu hiệu không rõ ràng, do đó chị em phụ nữ nên chủ động thức hiện tầm soát ung thư sớm để phát hiện ung thư vú kịp thời. Qua đó giúp gia tăng tỷ lệ điều trị hiệu quả.
2. Thời điểm lý tưởng để tầm soát ung thư vú ở phụ nữ
Thời điểm tầm soát có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo độ chính xác của kết quả chẩn đoán bệnh lý tuyến vú. Phụ nữ nên thực hiện tầm soát sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt khoảng 1 tuần. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến mật độ mô tuyến vú, làm thay đổi hình ảnh trên X-quang tuyến vú. Điều này có thể gây mờ đục hình ảnh, khiến việc phát hiện các khối u nhỏ ở giai đoạn sớm trở nên khó khăn, đặc biệt là ở phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh.
3. Chuẩn bị gì khi đến tầm soát bệnh lý tuyến vú?
Để quá trình tầm soát bệnh lý tuyến vú diễn ra thuận lợi và hiệu quả, bạn nên chọn cơ sở y tế uy tín, với bác sĩ chuyên khoa Vú có kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại. Dưới đây là những điều bạn cần chuẩn bị:
– Mang theo các giấy tờ y tế, bao gồm những chẩn đoán và xét nghiệm trước đây liên quan đến tuyến vú. Điều này sẽ giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng của bạn và quyết định các bước kiểm tra tiếp theo.
– Cung cấp cho bác sĩ thông tin chi tiết về các triệu chứng hoặc dấu hiệu bất thường mà bạn gặp phải ở tuyến vú. Điều này hỗ trợ bác sĩ trong việc đưa ra phương pháp kiểm tra phù hợp.
– Hãy mặc áo rộng hoặc dễ tháo ra để quá trình kiểm tra được thuận tiện hơn.
– Tránh bôi các sản phẩm dưỡng da lên vùng ngực và nách trước khi khám. Vì chúng có thể ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán.
– Kiểm tra và xác nhận lịch hẹn trước khi đi để đảm bảo bạn đến đúng giờ, tránh tình trạng trễ hẹn hoặc bỏ lỡ thời gian kiểm tra.
4. Các phương pháp tầm soát bệnh lý tuyến vú ở phụ nữ
4.1. Khám vú lâm sàng
Tại bước khám này, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra vú để phát hiện các dấu hiệu bất thường:
– Kiểm tra hình dạng và cấu trúc tuyến vú.
– Đánh giá núm vú có bị tụt vào trong hay không.
– Quan sát da vú có bị dày, đỏ, lõm hoặc căng.
– Ấn xung quanh núm vú để kiểm tra sự tiết dịch, đặc biệt là dịch có chứa máu.
– Kiểm tra hạch bạch huyết ở nách để phát hiện sự mở rộng bất thường.
– Tìm kiếm khối u bất thường và xác định tính chất của khối u. Giúp phân biệt u lành hay ác tính.
4.2. Chụp nhũ ảnh trong tầm soát ung thư vú
Đây là phương pháp quan trọng giúp phát hiện bệnh sớm. Chụp nhũ ảnh giúp:
– Cung cấp hình ảnh chi tiết về các tổn thương vi vôi, khối u hoặc vùng tăng đậm độ.
– Phát hiện hạch bạch huyết bất thường.
– Hỗ trợ sinh thiết vùng mô nghi ngờ là ác tính.
4.3. Chụp cộng hưởng từ (MRI) trong tầm soát ung thư vú
Chụp MRI vú sử dụng nam châm và sóng radio để ghi lại hình ảnh tuyến vú. Phương pháp này được sử dụng cho các đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư vú, bao gồm:
– Phụ nữ có người thân (mẹ, chị, em, con gái) mắc ung thư vú trước 35 – 40 tuổi.
– Phụ nữ mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2.
– Phụ nữ có tiền sử gia đình với đột biến gen BRCA mà chưa được xét nghiệm di truyền.
– Phụ nữ đã xạ trị vùng ngực khi còn trẻ (10 – 30 tuổi).
– Phụ nữ mắc hội chứng Li – Fraumeni, hội chứng Cowden, hoặc hội chứng Bannayan – Riley – Ruvalcaba.
4.4. Siêu âm tuyến vú 2 bên
Siêu âm vú cung cấp hình ảnh rõ ràng về các bất thường ở tuyến vú. Nó có thể kết hợp với các phương pháp khác để nâng cao độ chính xác. Siêu âm giúp:
– Phát hiện các khối u chứa chất lỏng hay khối u rắn.
– Hỗ trợ trong việc định vị mô bất thường để sinh thiết.
– Phát hiện hạch bạch huyết bất thường cần kiểm tra sinh thiết.
Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là một trong những địa chỉ được nhiều chị em lựa chọn nhờ gói khám sàng lọc bệnh ung thư vú với trang thiết bị hiện đại. Đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm luôn tạo cảm giác an tâm cho người bệnh. Đồng thời quy trình khám nhanh gọn, giúp chị em không phải chờ đợi lâu.
Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn đã có thêm kiến thức cần thiết về việc khám tầm soát phát hiện sớm ung thư vú để bảo vệ sức khỏe của mình trước căn bệnh nguy hiểm này.