Khám phụ khoa nữ không chỉ giúp chị em phát hiện các bất thường ở cơ quan sinh sản mà còn giúp ngăn ngừa sớm các bệnh lý nguy hiểm. Vậy khám phụ khoa nữ cần lưu ý những gì, có những bước nào khi khám phụ khoa? Dưới đây là tổng hợp những kinh nghiệm khi khám phụ khoa nữ để các chị em có thêm kiến thức bảo vệ sức khỏe sinh sản và hạnh phúc lứa đôi của chính mình.
Menu xem nhanh:
1. Khám phụ khoa nữ chị em sẽ được khám những gì?
Khám phụ khoa nữ là một hình thức kiểm tra tổng thể cơ quan sinh sản của chị em phụ nữ như âm đạo, cổ tử cung, tử cung, buồng trứng… đồng thời bao gồm cả các xét nghiệm sàng lọc bệnh lý viêm nhiễm âm đạo, tử cung, phần phụ, ung thư và các bệnh lây qua đường tình dục.
2. Vì sao chị em nên đi khám phụ khoa thường xuyên?
Theo thống kê của Bộ Y tế công bố năm 2014, nước ta có đến gần 90% chị em phụ nữ ít nhất sẽ gặp phải bệnh phụ khoa 1 lần trong đời. Trong số đó có đến hơn một nửa là tái phát nhiều lần, không điều trị khỏi dứt điểm và có nguy cơ phải đối mặt với ung thư cổ tử cung, buồng trứng, hiếm muộn và vô sinh. Chính vì vậy thông qua việc khám phụ khoa nữ các bác sĩ sẽ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất từ đó có phương pháp phòng tránh, điều trị kịp thời, dứt điểm để không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và khả năng sinh sản về sau.
Bên cạnh đó thông qua khám phụ khoa chị em sẽ hiểu hơn về sức khỏe sinh sản bản thân, biết vệ sinh cá nhân và chăm sóc vùng kín đúng cách, hạn chế được khả năng mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục. Theo khuyến cáo, chị em từ 15 tuổi trở lên nên đi khám phụ khoa 1 lần/năm, khi đã có quan hệ tình dục thì nên chủ động thăm khám định kỳ 2 lần/năm dù không có biểu hiện của bệnh. Ngoài ra chị cũng nên làm thêm xét nghiệm tế bào cổ tử cung (Pap smear) để sàng lọc nguy cơ ung thư cổ tử cung.
3. Các bước khám phụ khoa nữ như thế nào, gồm những gì?
Thông thường khi khám phụ khoa tại các phòng khám hay bệnh viện đều trải qua 6 các bước như sau:
Bước 1: Hỏi thông tin tình trạng sức khỏe
Đây là bước đầu tiên và cơ bản nhất trước khi thăm khám bất cứ bệnh lý nào. Khi đi khám phụ khoa bác sĩ sẽ tìm hiểu thông tin về những dấu hiệu bất thường đang gặp phải, tình trạng sức khỏe hiện tại, chu kỳ kinh nguyệt, tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình. Từ những thông tin khảo sát này, bác sĩ sẽ nắm bắt sơ bộ về tình trạng sức khỏe và chỉ định những phương pháp thăm khám tiếp theo.
Bước 2: Khám vùng ngực
Ở bước thăm khám này, bác sĩ sẽ dùng tay day ấn và di chuyển trên vùng ngực nhằm phát hiện những bất thường tại đây. Nếu phát hiện thấy khối u, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm ngực để chẩn đoán chính xác hơn về vị trí, kích thước hay tình trạng khối u.
Bước 3: Khám vùng bụng
Bác sĩ sẽ dùng tay ấn vào bụng nhằm xác định vị trí, kích thước của tử cung hoặc khối u tại đây.
Bước 4: Kiểm tra vùng kín
– Khám ngoài: ở bước khám này bác sĩ sẽ quan sát và kiểm tra những bộ phận sinh dục có thể quan sát bằng mắt thường như tình trạng môi lớn, môi nhỏ, âm đạo. Qua đó bác sĩ sẽ xác định được âm đạo có hình dáng hay biểu hiện gì bất thường không, có mụn hay nhiều khí hư không. Nếu có, chị em sẽ được chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu tùy theo từng biểu hiện.
– Khám trong: Để quan sát được phía trong âm đạo, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ mỏ vịt hỗ trợ. Ở bước khám này âm đạo, cổ tử cung, lỗ tử cung sẽ được quan sát rõ ràng, từ đó dễ dàng phát hiện những bất thường. Bên cạnh đó ở bước này bác sĩ có thể lấy mẫu dịch âm đạo, cổ tử cung để thực hiện xét nghiệm chuyên sâu hơn.
Bước 5: Xét nghiệm
Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phụ khoa, chị em sẽ được chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm sau
– Soi tươi dịch âm đạo giúp phát hiện vi khuẩn và virus gây viêm nhiễm
– Xét nghiệm nội tiết nhằm đánh giá tình trạng sinh sản của chị em
– Xét nghiệm tế bào giúp sàng lọc bệnh ung thư cổ tử cung, HPV
Bước 6: Thông báo kết quả và hẹn tái khám
Sau khi có kết quả của các bước khám trên, bác sĩ sẽ có kết luận chính xác về tình trạng chị em đang gặp phải, đồng thời tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra bác sĩ cũng hẹn lịch tái khám để kiểm tra lại hiệu quả sau một thời gian điều trị.
4. Chia sẻ kinh nghiệm khám phụ khoa nữ giới nên biết
Khám phụ khoa nữ như thế nào để mang lại kết quả tốt nhất, chị em hãy tham khảo ngay những bí quyết “vàng” dưới đây:
4.1. Lưu ý trước khi khám phụ khoa nữ
– Chọn thời điểm thăm khám sau khi sạch kinh 3-5 ngày để các bác sĩ có thể quan sát rõ cơ quan sinh sản.
– Kiêng quan hệ tình dục trước khi khám phụ khoa bởi sự xuất hiện của tinh trùng lẫn trong dịch tiết của âm đạo hoặc tế bào tở cổ tử cung có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm và chẩn đoán của bác sĩ.
– Không dùng dung dịch vệ sinh hoặc thuốc đặt âm đạo hay thụt rửa âm đạo trước khi đi khám phụ khoa 2-3 ngày, bởi điều này có thể gây ra các chẩn đoán sai.
– Tìm hiểu và lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có nhiều phản hồi tốt bởi đây là yếu tố quan trọng quyết định việc thăm khám, điều trị bệnh phụ khoa có đạt hiệu quả hay không.
– Lựa chọn trang phục rộng rãi, thoải mái, tốt nhất là nên mặc váy rộng để thuận tiện cho bác sĩ thăm khám
4.2. Trao đổi với bác sĩ
Khi khám phụ khoa chị em không nên ngại ngùng vì việc trao đổi trực tiếp, thẳng thắn với bác sĩ là vô cùng cần thiết để xác định chính xác vấn đề đang gặp phải. Chính vì vậy chị em cần cung cấp chi tiết, rõ ràng cho các bác sĩ các vấn đề như:
– Tình trạng hôn nhân, quan hệ vợ chồng, sinh nở…
– Các triệu chứng bất thường đang gặp phải
– Tiền sử bệnh lý gia đình, bệnh lý bản thân, những loại thuốc đã và đang sử dụng
Hơn thế nữa, khi khám phụ khoa ở các cơ sở y tế chất lượng cao như ở Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, mô hình 1 bác sĩ – 1 điều dưỡng – 1 người bệnh trong khi thăm khám, điều trị sẽ giúp chị em có tâm lý thoải mái hơn để chia sẻ những vấn đề sức khỏe bản thân đang gặp phải, đồng thời thông tin cá nhân, vấn đề bệnh lý cũng sẽ được bảo mật.
4.3. Cần làm gì sau khi khám phụ khoa
Để việc điều trị bệnh phụ khoa nhanh chóng, đạt hiệu quả cao, tránh tái phát, sau khi thăm khám chị em cần lưu ý
– Sử dụng thuốc đúng liều, đúng giờ theo chỉ định bác sĩ
– Không tự ý dừng thuốc, thay đổi liều lượng, đổi thuốc
– Với những trường hợp bị viêm nhiễm cần kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị
– Không tự áp dụng các bài thuốc dân gian
– Không dùng bia rượu và các chất kích thích để tránh làm thay đổi nội tiết, dẫn tới thay đổi môi trường âm đạo, tạo điều kiện hoàn hảo cho vi khuẩn phát triển
5. Kinh nghiệm lựa chọn địa chỉ khám phụ khoa uy tín và an toàn?
Lựa chọn cơ sở y tế uy tín, an toàn để khám phụ khoa là yếu tố quan trọng quyết định việc thăm khám, điều trị các bệnh lý phụ khoa có thành công và dứt điểm hay không. Đó là những nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện sau
– Quy tụ đội ngũ bác sĩ Sản phụ khoa giỏi, giàu kinh nghiệm trực tiếp thăm khám và điều trị
– Cập nhật những phương pháp điều trị mới nhất, để việc chữa bệnh hiệu quả, đạt chất lượng cao, hạn chế tái phát
– Trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, để việc chẩn đoán, siêu âm, xét nghiệm đúng và nhanh nhất
– Cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ, rộng rãi
– Mô hình khám bệnh 1 bác sĩ – 1 điều dưỡng – 1 bệnh nhân giúp chị em hoàn toàn thoải mái khi chia sẻ thông tin và thăm khám
– Thủ tục đăng ký khám bệnh đơn giản, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian chờ đợi
– Tổng đài tư vấn trực tuyến sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc cho chị em, dù là nhỏ nhất
– Chi phí phù hợp, công khai niêm yết rõ ràng, áp dụng bảo hiểm – bảo lãnh theo quy định
Trên đây là những kinh nghiệm “vàng” khi đi khám phụ khoa, hy vọng chị em sẽ có những kiến thức cơ bản nhất để không bị bỡ ngỡ, dù mới đi khám lần đầu.