Hóc dị vật đường thở là một trong những tai nạn nguy hiểm nhất trẻ có thể mắc phải trong những năm đầu đời. Không những thế, tai nạn này lại không hề hiếm gặp. Chính vì vậy, thông tin về cách xử lý hóc dị vật đường thở ở trẻ là hành trang không thể thiếu của bố mẹ trên hành trình nuôi dưỡng trẻ khôn lớn. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ với bố mẹ thông tin này, đọc ngay bố mẹ nhé!
Menu xem nhanh:
1. Nhận biết tình trạng hóc dị vật đường thở ở trẻ như thế nào?
Dị vật đường thở là danh từ được sử dụng để chỉ các vật lạ rơi vào và mắc lại trong thanh, khí, phế quản. Có hai loại dị vật đường thở là: Dị vật vô cơ và dị vật hữu cơ. Trong đó, dị vật hữu cơ ngoài triệu chứng của dị vật đường thở (ho, khó thở…) nói chung, còn gây ra các triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc rất nhanh.
Trong các trường hợp điển hình, sự tồn tại của dị vật đường thở biểu hiện bằng hai hội chứng: Hội chứng xâm nhập và hội chứng định khu.
1.1. Hội chứng xâm nhập
Hội chứng xâm nhập xảy ra ngay sau khi dị vật rơi vào đường thở, là kết quả của việc dị vật đi vào khe giữa hai dây thanh (chỗ hẹp nhất đường thở), gây ra hai phản xạ: Phản xạ co thắt để ngăn không cho dị vật tiếp tục đi sâu hơn và phản xạ ho để tống dị vật ra ngoài. Hai phản xạ này gây ra tình trạng ho, tím tái, vã mồ hôi, co kéo cơ hô hấp, đôi khi gây tắc thở, chảy nước mắt nước mũi,… Trường hợp dị vật to, mắc ở thanh môn không bắn ra được, cơn khó thở này có thể dẫn tới tử vong. Trường hợp dị vật tiếp tục đi sâu hơn, hội chứng này kéo dài một vài phút sau đó biến mất.
1.2. Hội chứng định khu
Hội chứng định khu có sự khác nhau, tùy thuộc vị trí dị vật mắc lại, sau khi rơi vào lòng đường thở:
– Dị vật thanh quản: Dị vật có thể mắc lại một trong ba tầng thanh quản. Nếu dị vật mắc ở tiền đình thanh quản, biểu hiện sẽ là khàn tiếng tăng dần, khó thở ngay lập tức (nếu dị vật lớn, che một phần thanh môn) hoặc khó thở tăng dần theo quá trình viêm nhiễm (nếu dị vật nhỏ). Nếu dị vật mắc ở hạ thanh môn, biểu hiện khó thở sẽ đến sớm hơn do đây là vùng dễ bị viêm nhiễm. Còn nếu dị vật mắc ở thanh môn, biểu hiện sẽ là khàn tiếng ngay lập tức, khó thở ngay lập tức hoặc khó thở tăng dần, tùy thuộc kích thước dị vật.
– Dị vật khí quản: Sau hội chứng xâm nhập, trẻ có thể trở lại bình thường. Nhưng sau một thời gian, thỉnh thoảng trẻ lại khó thở do ho sặc, thở mạnh, đẩy dị vật lên thanh môn. Cơn khó thở đôi khi có thể gây tử vong, trong trường hợp dị vật bị mắc lại ở đây.
– Dị vật phế quản: Sau hội chứng xâm nhập, trẻ trở lại bình thường trong nhiều giờ. Sau đó, trẻ xuất hiện các dấu hiệu viêm nhiễm hoặc dấu hiệu xẹp phổi, dấu hiệu khí phế thũng,…
2. Hướng dẫn chi tiết cách xử trí hóc dị vật đường thở ở trẻ
2.1. Cách xử lý hóc dị vật đường thở ở trẻ dưới 2 tuổi: Phương pháp vỗ lưng ấn ngực
Người sơ cứu đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay trái, mặt hướng xuống đất, giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng phần giao giữa cổ tay phải và bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng, giữa 2 xương bả vai của trẻ. Sau đó, lật trẻ từ tay trái sang tay phải của người sơ cứu. Quan sát trẻ xem có hồng hào chưa, có thở, khóc chưa. Đồng thời kiểm tra miệng trẻ xem có dị vật nào không và lấy ra, nếu có.
Nếu dị vật vẫn chưa ra hoặc trẻ vẫn chưa thở thì tiếp tục thực hiện biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị – vùng trên rốn và dưới xương ức; ấn mạnh 5 cái, từ trên xuống dưới, liên tục. Kiểm tra xem trẻ đã thở, khóc chưa. Nếu chưa, tiếp tục lặp lại biện pháp này cho đến khi xe cấp cứu tới.
2.2. Cách xử lý hóc dị vật đường thở ở trẻ trên 2 tuổi: Phương pháp Heimlich
2.2.1. Trẻ còn tỉnh
Để trẻ đứng. Người sơ cứu đứng hoặc quỳ gối phía sau, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt hai tay ở vùng thượng vị của trẻ. Ấn mạnh liên tục từ dưới lên trên 5 cái. Nếu dị vật chưa ra, tiếp tục lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.
2.2.2. Trẻ hôn mê, bất tỉnh
Đặt trẻ nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, hai đầu gối đặt hai bên đùi trẻ. Nắm hai bàn tay, đột ngột ấn mạnh vào dưới xương ức của trẻ 5 cái. Trường hợp trẻ hôn mê và không thở được thì trước tiên phải hà hơi thổi ngạt 2 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần kết hợp hà hơi thổi ngạt và dùng tay ấn, cho đến khi dị vật văng ra hoặc trẻ khóc, thở được và hồng hào hơn.
Tóm lại, hóc dị vật đường thở là một tai nạn nguy hiểm, có thể khiến trẻ tử vong chỉ trong vài phút. Chính vì vậy, yếu tố thời gian đóng vai trò rất quan trọng trong sơ cứu trẻ hóc dị vật. Khi hóc dị vật, trẻ thường ho, cơ kéo cơ hô hấp, tím tái, vã mồ hôi, chảy nước mắt nước mũi,… Khi trẻ có những biểu hiện này, bố mẹ cần nhanh chóng tiến hành một trong hai phương pháp xử lý hóc dị vật: Vỗ lưng ấn ngực và Heimlich. Theo đó, nếu là trẻ dưới 2 tuổi, bố mẹ áp dụng phương pháp vỗ lưng ấn ngực. Còn nếu là trẻ trên 2 tuổi, bố mẹ áp dụng phương pháp Heimlich. Để dự phòng hóc dị vật, tốt nhất là bố mẹ hạn chế hoặc không cho trẻ tiếp xúc với các vật thể có kích thước 0,5cm – 2cm.
Phía trên là thông tin về cách xử trí hóc dị vật đường thở ở trẻ. Hy vọng rằng với chúng, bố mẹ có thể bảo vệ trẻ an toàn trước tai nạn hóc dị vật. Để biết các thông tin khác về tai nạn này, liên hệ ngay Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!