Đẻ thường rạch tầng sinh môn bao lâu thì lành chắc hẳn là câu hỏi được rất nhiều các mẹ bầu quan tâm. Mẹ nên có chế độ chăm sóc, vệ sinh vết mổ thật cẩn thận để phòng tránh việc nhiễm trùng cũng như vết thương lâu lành. Cùng tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây của Thu Cúc TCI nhé.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm rạch tầng sinh môn khi đẻ thường?
Rạch tầng sinh môn khi đẻ thường là khái niệm của thủ thuật tạo đường ra rộng và thoải mái hơn cho em bé trong cuộc sinh. Đa số các mẹ bầu khi sinh thường đều đã từng trải qua cảm giác này.
Để tiến hành thủ thuật này, các bác sĩ sẽ dùng kéo chuyên dụng cắt một đường từ vị trí 7 giờ từ vành âm hộ kéo dài xuống tầng sinh môn, chếch 45 độ từ trên xuống dưới.
Trong quá trình sinh, ngay trước giai đoạn em bé chuẩn bị ra bên ngoài, các bác sĩ sẽ tiên lượng nên tiến hành cắt vết rạch dài bao nhiêu là đủ để em bé chào đời an toàn. Việc rạch tầng sinh môn cho sản phụ giúp mẹ đỡ chảy máu, cũng như bớt cảm giác đau đớn khi rặn đẻ, đồng thời giúp âm đạo của mẹ bớt sưng nề hơn.
2. Các vấn đề cần lưu ý khi chăm sóc vết thương tầng sinh môn?
2.1. Giải đáp câu hỏi: Đẻ thường rạch tầng sinh môn bao lâu thì lành?
Sau khi thực hiện khâu xong tầng sinh môn, có đến 80% các mẹ sẽ cảm thấy khó chịu, bứt rứt. Vết khâu có thể sẽ xảy ra tình trạng sưng đỏ, hơi phù nề tùy cơ địa. Tuy nhiên, chỉ khoảng 7-8 ngày sau đó, vết rạch này thường sẽ dần dần lành lại và hết sưng.
Sưng nề là hiện tượng tự nhiên của cơ thể khi phát sinh vết thương, do vậy mẹ không nên quá lo lắng về điều này. Điều các mẹ cần làm là chú ý chăm sóc vết thương thật cẩn thận để vết thương mau chóng lành lại.
2.2. Đẻ thường rạch tầng sinh môn bao lâu thì lành – Một số cách chăm sóc mẹ cần biết
Mặc dù rạch tầng sinh môn là một thủ thuật phổ biến và hay được áp dụng đối với các mẹ sinh thường. Tuy nhiên vẫn có một số trường hơp các mẹ sẽ xảy ra tình trạng nhiễm trùng vết thương hoặc vết thương lâu lành. Do đó, việc chăm sóc tầng sinh môn sau sinh là điều vô cùng quan trọng mẹ nên biết. Nếu như có chế độ chăm sóc tốt, vết rạch tầng sinh môn sẽ bớt sưng và giảm đau chỉ trong vòng 2 – 3 ngày.
Một số cách chăm sóc vết thương tầng sinh môn đúng mẹ nên biết đó là:
Chăm sóc vết rạch tầng sinh môn bằng gạc lạnh
– Sau ngày đầu tiên mẹ sinh em bé, vết rạch tầng sinh môn có thể vẫn đau và sưng đỏ. Do đó, mẹ có thể chăm sóc vết thương này bằng việc sử dụng gạc lạnh, hay đắp khăn lạnh, chườm mát để giúp giảm sưng, giảm đau. Việc này sẽ giúp mẹ cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn, cũng như giúp quá trình hồi phục vết thương của cơ thể diễn ra nhanh hơn. Mẹ cũng sẽ cảm thấy việc đi lại, vận động bình thường dễ dàng hơn.
– Sau khi chườm lạnh, mẹ nên sử dụng một chiếc khăn sạch để thấm lại vết thương, giúp vết thương được khô thoáng. Ngoài ra, nếu mẹ cảm thấy đau quá nhiều và không thể chịu đựng được, mẹ đừng ngần ngại mà hãy nhờ sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ kê cho mẹ một số loại thuốc giảm đau để giúp mẹ cảm thấy dễ chịu hơn.
Mẹ nên lựa chọn tư thế ngồi thích hợp
– Thông thường, khi có vết thương rạch tầng sinh môn, khi đứng lên hoặc ngồi xuống các mẹ thường sẽ cảm thấy khó khăn và đau đớn. Do vậy, mẹ có thể chọn lựa các tư thế ngồi, tư thế nằm làm cho mẹ cảm thấy dễ chịu nhất. Ngoài ra, mẹ cũng có thể lựa chọn sử dụng thêm một số dụng cụ hỗ trợ như: đệm, gối kê, vải mềm lót hai bên mông.
– Vết rạch tầng sinh môn thông thường sẽ bớt đau sau khoảng 3 – 4 ngày, hoàn toàn lành lại sau khoảng 3 – 4 tuần sau đó. Thậm chí sau này các mẹ còn hoàn toàn không cảm nhận được vết thương đó.
Mẹ cần chăm sóc vết rạch tầng sinh môn bằng cách vệ sinh đúng cách
– Mẹ nên lau sạch vùng xung quanh vết thương cũng như trực tiếp lên vết thương 2 lần/ngày để giúp vết thương lành nhanh hơn, cũng như làm giảm tình trạng nhiễm trùng.
– Vệ sinh sạch sẽ mỗi khi đi đại tiện hoặc tiểu tiện. Sử dụng nước ấm xịt rửa nhẹ nhàng theo chiều từ trước ra sau.
– Nên sử dụng một số loại băng gạc y tế để thấm, lau vết thương cũng như vùng xunh quanh vết thương. Khi lau mẹ cũng nên lau theo chiều từ trước ra sau.
– Mẹ nên thay băng vệ sinh 4 tiếng/lần để tránh việc tích tụ vi khuẩn, cũng như lây lan vi khuẩn lên vùng vết thương.
– Mẹ cũng không nên tự ý thụt rửa vùng kín khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Giúp vết rạch tầng sinh môn mau lành bằng cách đi bộ
– Đối với các mẹ sinh mổ thì chúng ta nên hạn chế đi bộ vào thời gian đầu sau sinh, bởi nó sẽ dễ khiến bục, rách vết mổ. Tuy nhiên đối với các mẹ đẻ thường và phải rạch tầng sinh môn thì điều này lại ngược lại. Việc đi bộ sau khi sinh sẽ giúp vết thương tầng sinh môn nhanh lành hơn. Do khi mẹ vận động và đi bộ nhẹ nhàng, quá trình vận chuyển máu, tưới máu lên vết thương tầng sinh môn sẽ diễn ra dễ dàng hơn.
– Mẹ nên đi bộ nhẹ nhàng, đi từng đoạn ngắn, sau đó nghỉ ngơi 1 chút rồi lại tiếp tục. Nếu cảm thấy mệt mỏi, mẹ nên giữ sức và dừng việc đi bộ ngay. Mẹ chú ý không nên vận động quá sức bởi cơ thể mẹ lúc này còn yếu.
– Ngoài ra, việc đi bộ còn giúp mẹ hạn chế tình trạng cứng khớp xảy ra do việc nằm, ngồi nhiều một chỗ.
– Mặc dù ban đầu có thể việc đi bộ sẽ gây cho mẹ một chút khó khăn, tuy nhiên mẹ nên duy trì mỗi ngày. Mẹ nên đi với tư thế thẳng lưng, hai chân dang rộng ra một chút.
Bổ sung chế độ dinh dưỡng giúp vết thương mau lành
– Mẹ không nên ăn kiêng khem quá ngặt nghèo sau khi sinh, chỉ trừ những thực phẩm mà mẹ có tiền sử dị ứng trước đó.
– Thay vào đó, mẹ nên bổ sung chế độ dinh dưỡng khoa học giúp cung cấp đủ dưỡng chất bồi bổ cho cơ thể, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, khiến vết thương mau lành và hồi phục nhanh chóng.
– Mẹ đẻ thường nên ăn nhiều chất xơ, hoa quả trái cây, uống nhiều nước (2-3 lít nước/ngày) không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn thúc đẩy việc cơ thể sản xuất nguồn sữa chất lượng cho em bé bú. Ngoài ra, việc bổ sung nhiều chất xơ còn giúp phòng tránh, cải thiện tình trạng táo bón sau sinh.
Nếu mẹ có bất cứ câu hỏi hay thắc mắc nào cần giải đáp, vui lòng liên hệ với Thu Cúc TCI để được hỗ trợ nhé!