Ung thư máu là một bệnh lý ác tính, có thể gây tử vong. Nhiều lo lắng xoay quanh vấn đề di truyền của ung thư máu và làm thế nào để ngăn ngừa căn bệnh này một cách hiệu quả, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh ung thư máu và nguyên nhân hình thành
Ung thư máu được đặc trưng bởi sự nhân lên không kiểm soát của các tế bào máu bất thường, cản trở chức năng của các tế bào máu bình thường.
Ung thư máu cũng là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả nhiều loại ung thư khác nhau ảnh hưởng đến máu, tủy xương, hoặc hệ thống hạch bạch huyết. Những phân loại bệnh này bao gồm bệnh bạch cầu, ung thư hạch bạch huyết, u tủy, có thể tiến triển ở dạng cấp tính hoặc mạn tính.
Ung thư máu sẽ xảy ra khi có thay đổi hoặc có đột biến trong DNA các tế bào máu, từ đó dẫn đến các tế bào bất thường lớn mạnh, lấn át các tế bào máu bình thường khiến các tế bào máu không thể thực hiện được đúng chức năng và hình thành ung thư.
Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được chính xác nguyên nhân gây ra những thay đổi ở DNA có thể dẫn đến ung thư máu. Chỉ có một số điều được chỉ ra có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển một số loại ung thư máu như:
– Tuổi tác, lịch sử gia đình, chủng tộc
– Tiếp xúc với bức xạ, hóa chất, sử dụng thuốc lá
– Một số tình trạng sức khỏe (trẻ bị down bẩm sinh, mắc hội chứng rối loạn tủy…)
2. Các triệu chứng bệnh ung thư máu gây ra
Một số triệu chứng của bệnh ung thư máu người bệnh có thể nhận thấy điển hình bao gồm:
– Có đốm đỏ, vết bầm tím và xuất huyết dưới da
– Cơ thể mệt mỏi, đuối sức, yếu ớt, sốt cao thường xuyên, dễ bị nhiễm trùng
– Đau xương khớp, sưng hạch bạch huyết, dễ chảy máu cam….
3. Tiên lượng sống của bệnh nhân mắc ung thư máu
Tiên lượng của mỗi người bệnh mắc ung thư máu sẽ phụ thuộc vào: Kết quả chẩn đoán bao gồm loại ung thư máu, kết quả xét nghiệm cụ thể, giai đoạn bệnh, tuổi tác, sức khỏe chung… Thông qua những yếu tố này bác sĩ của bạn sẽ đưa ra tiên lượng gần sát nhất với tình trạng của riêng bạn.
4. Tính di truyền của ung thư máu
4.1 Sự di truyền của ung thư máu có xảy ra hay không?
Ung thư máu là bệnh có thể di truyền tuy nhiên tỷ lệ không cao (ước tính chỉ có khoảng 5% bệnh nhân mắc ung thư máu do di truyền). Hầu hết các trường hợp ung thư máu được chẩn đoán đều không phải do di truyền.
Trong một số trường hợp, ung thư máu gồm các dạng bệnh bạch cầu, hội chứng rối loạn sinh tủy, ung thư hạch và đa u tủy có liên quan đến yếu tố di truyền. Đặc biệt, các gen chịu trách nhiệm về các dạng di truyền của bệnh bạch cầu cấp tính và hội chứng rối loạn sinh tủy là đặc trưng nhất. Cụ thể, 3 gen dưới đây được biết đến là nguyên nhân gây ra các dạng hội chứng rối loạn sinh tủy di truyền và bệnh bạch cầu cấp tính:
– Gen RUNX1
– Gen CEBPA
– Gen GATA2
4.2 Nên làm gì nếu lo lắng về nguy cơ di truyền của ung thư máu
Bất kỳ cá nhân nào lo lắng về nguy cơ ung thư máu di truyền đều có thể và nên thảo luận mối quan tâm của bản thân với bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ đặt các câu hỏi về tiền sử bệnh của gia đình và tư vấn đánh giá rủi ro kỹ lưỡng.
Bất kể một cá nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư máu hay không, các xét nghiệm sàng lọc có thể được chỉ định để giúp phát hiện bệnh trước khi các triệu chứng phát triển và ở giai đoạn sớm, dễ dàng hơn trong quá trình điều trị.
Các xét nghiệm sàng lọc ung thư máu có thể bao gồm xét nghiệm công thức máu toàn phần (xác định được lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong máu), và xét nghiệm sinh hóa máu (xác định mức độ của các hóa chất và protein cụ thể trong máu). Cả hai xét nghiệm này đều là xét nghiệm lâm sàng thông thường, được thực hiện bằng mẫu máu và là cách đơn giản và hiệu quả trong sàng lọc bệnh.
5. Nên làm gì để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư máu
Không giống như một số bệnh ung thư khác, yếu tố về lối sống như chế độ ăn uống, luyện tập thể dục thể thao ít ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển thành ung thư máu. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyến khích mọi người nên có lối sống lành mạnh, bao gồm ăn uống cân bằng, hoạt động thể chất thường xuyên, điều này giúp nâng cao thể trạng, hệ miễn dịch. Và đặc biệt cần chú trọng khám sức khỏe định kỳ, thực hiện tầm soát ung thư theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên gia. Tầm soát ung thư được coi là chìa khóa vàng trong phát hiện các bệnh lý ung thư sớm, trong đó có bao gồm ung thư máu, từ đó nâng cao cơ hội điều trị ung thư hiệu quả, giảm nguy cơ tử vong và chi phí cho người bệnh.