Đối tượng nữ giới, đặc biệt là những người từ 30 tuổi trở lên sẽ bắt đầu phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh lý. Do đó việc thăm khám sức khỏe tổng quát sẽ giúp bạn kiểm soát và phòng tránh các vấn đề sức khỏe của mình. Vậy bạn đã biết trong gói khám sức khỏe tổng quát cho nữ thường bao gồm danh mục gì? Hãy tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao phụ nữ nên tiến hành khám sức khỏe tổng quát?
Hoạt động thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ giúp bạn nắm rõ được về tình hình sức khỏe hiện tại của bản thân. Dựa vào các kết quả thăm khám, các bác sĩ sẽ chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm để từ đó có phương hướng điều trị kịp thời và chuẩn xác nhằm đem lại cơ hội chữa khỏi bệnh cao. Ngoài ra, việc khám sức khỏe tổng quát định kỳ còn giúp bạn đánh giá và điều chỉnh lại lối sống sinh hoạt thường ngày, qua đó có thể hạn chế các nguy cơ mắc nhiều bệnh ở trong tương lai.
Đặc biệt, phụ nữ khi bước sang tuổi 30 là lúc mà cơ thể bắt đầu có nhiều thay đổi và có nhiều nguy cơ mắc các căn bệnh như: Đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung, bệnh xương khớp… Nếu những căn bệnh này không được phát hiện và điều trị sớm sẽ rất dễ dẫn tới nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm.
2. Gói khám sức khỏe tổng quát cho nữ giới thường bao gồm những gì? Lưu ý khi đi thăm khám
2.1. Một số danh mục thường gặp trong gói khám sức khỏe tổng quát cho nữ
Đo huyết áp và tim mạch
Phụ nữ trên 30 tuổi nên tiến hành kiểm tra huyết áp thường xuyên khoảng 6 tháng/lần. Nếu huyết áp cao, các bác sĩ sẽ chỉ định thêm bước siêu âm tim, điện tâm đồ để có thể kiểm tra sức khỏe của tim, bởi những người bị cao huyết áp sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim.
Đo mật độ xương
Nữ giới là đối tượng dễ có nguy cơ bị loãng xương hơn nam giới. Đó là nguyên nhân tại sao bạn cần tiến hành danh mục đo mật độ xương ngay sau tuổi 30.
Đối với phụ nữ nhẹ cân thì thường có khối lượng xương thấp do đó càng có nguy cơ cao bị loãng xương. Nếu mật độ xương của bạn thấp, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tiến hành làm thêm các xét nghiệm khác để đo tốc độ mất đi khối lượng xương.
Kiểm tra chức năng tuyến giáp
Một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp ở phụ nữ sau tuổi 30 phải đó là đối mặt với các căn bệnh về tuyến giáp. Tuyến giáp bị suy yếu có thể là nguyên nhân khiến bạn thấy tăng cân, da khô và móng tay bị giòn… Do đó, việc xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp và siêu âm tuyến giáp để có thể phát hiện sớm các bệnh lý tuyến giáp là rất cần thiết đối với phụ nữ sau độ tuổi 30.
Thực hiện xét nghiệm tế bào cổ tử cung
Thực hiện xét nghiệm Pap smear là điều bắt buộc đối với nữ giới sau 30 tuổi, vì bước xét nghiệm này sẽ giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Các báo cáo khoa học cho thấy bệnh ung thư cổ tử cung là một dạng ung thư phổ biến nhất ở nữ giới.
Xét nghiệm HPV
Loại xét nghiệm virus này được dùng đối với nữ giới ngoài 30 tuổi để phát hiện các bệnh lây qua đường tình dục có thể gây nên ung thư cổ tử cung. Nó được thực hiện trên cùng mẫu lấy để tiến hành làm xét nghiệm cổ tử cung.
Xét nghiệm máu
Thiếu máu là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp ở phụ nữ, nhất là ở độ tuổi sinh đẻ. Một xét nghiệm máu đơn giản sẽ là điều cần thực hiện khi phụ nữ bước vào tuổi 30.
Đặc biệt, đái tháo đường là căn bệnh phổ biến hiện nay đặc biệt là với những người bị thừa cân, béo phì và đang trong giai đoạn mang thai cần phải cẩn thận. Bạn nên kiểm tra bệnh tiểu đường ngay sau tuổi 30 vì khi mắc bệnh này sẽ dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe nguy hiểm.
Siêu âm và Chụp X-quang vú
Một trong những cách tốt nhất để giúp nữ giới ngăn ngừa ung thư vú là tiến hành kiểm tra vú. Chụp X-quang tuyến vú thường được đề nghị cho nữ giới sau 40 tuổi, tuy nhiên nếu có dấu hiệu bất thường hoặc nguy cơ thì bạn nên tiến hành bước khám này trong độ tuổi 30.
2.2. Lưu ý trước khi đi khám gói khám sức khỏe tổng quát cho nữ
– Bạn nên đăng kí khám vào buổi sáng để có thể thực hiện các bước thăm khám, xét nghiệm trong vòng 1 ngày, qua đó giúp thuận tiện cho việc đi lại và tiết kiệm thời gian
– Trước khi tiến hành xét nghiệm máu, bạn nên nhịn ăn, không sử dụng các chất có đường, gas, các chất gây nghiện để đảm bảo cho kết quả khám chính xác nhất
– Cần nhịn tiểu trước khi đi siêu âm ổ bụng, vì khi bàng quang có đầy nước tiểu bác sĩ có thể quan sát rõ hơn toàn bộ bàng quang, tử cung và buồng trứng (đối với nữ)
– Không khám phụ khoa nếu bạn đang trong kỳ kinh nguyệt, hoặc đang có thai. Phụ nữ có gia đình cần tránh quan hệ tình dục trước ngày khám (nếu có khám phụ khoa). Phụ nữ mang thai không nên tiến hành bước chụp X-quang. Tuy nhiên, đối với xét nghiệm nội tiết tố thì cần đi thăm khám khi đang trong ngày kinh nguyệt
– Không ăn uống trong vòng khoảng 4-5 giờ trước khi đi nội soi dạ dày
– Ngoài ra, bạn cần tiến hành vệ sinh cơ thể bạn sạch sẽ. Vệ sinh tai, mũi, họng, vùng kín để không gây ảnh hưởng đến tầm nhìn và quan sát của bác sĩ khi khám
– Nếu khám da liễu thì bạn không nên trang điểm hoặc sử dụng các loại mỹ phẩm
– Hãy mặc trang phục thoải mái, rộng rãi và không đeo nhiều đồ trang sức khi đi thăm khám.
Trên cơ sở các kết quả khám sức khỏe tổng quát cơ bản, nếu phát hiện có bất thường, bác sĩ sẽ tư vấn hoặc chỉ định cho bạn thêm làm các kiểm tra khác để xác định nguyên nhân, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp. Do đó, nữ giới đừng bao giờ bỏ qua việc đi thăm khám định kỳ để bảo vệ sức khỏe của mình.