Mang thai ngoài tử cung là điều không một mẹ bầu nào muốn cả. Tuy nhiên, với những mẹ bầu bị hẹp ống dẫn trứng bẩm sinh, dị tật ống dẫn trứng, đã từng thực hiện phẫu thuật liên quan tới vòi trứng,… thì có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này. Vậy chửa thai ngoài tử cung có giữ được không? Cùng chúng tôi giải đáp với bài viết bên dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Đôi nét về chửa thai ngoài tử cung
Theo dân gian, mang thai ngoài tử cung còn được gọi là chửa ngoài dạ con. Đây là tình trạng trứng thụ tinh làm tổ và phát triển ở ngoài tử cung. Hiểu nôm na là đây là hiện tượng phôi thai không làm tổ ở bên trong buồng tử cung mà nằm ở cổ tử cung, buồng trứng, ngoài ổ phúc mạc, trong ổ bụng,… Trong số những vị trí này, vòi tử cung là vị trí phổ biến và thường gặp nhất, chiếm hơn 95% trường hợp mang thai ngoài tử cung.
2. Làm thế nào để biết có thai ngoài tử cung hay không?
Muốn biết có mang thai ngoài tử cung hay không, các mẹ bầu hãy áp dụng những cách sau:
2.1. Xét nghiệm beta HCG kết hợp siêu âm, xét nghiệm nước tiểu
Nếu nồng độ beta HCG trên 1500 mà siêu âm không thấy phôi thai nằm ở bên trong tử cung, điều này có nghĩa là chị em đã mang thai ngoài tử cung. Lúc này, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp và cách xử trí phù hợp và an toàn với từng chị em phụ nữ. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ khuyên chị em nên thực hiện siêu âm đầu dò để có thể quan sát rõ vị trí thai làm tổ ở đâu (cổ tử cung, vòi trứng…).
2.2. Xuất hiện dấu hiệu chậm kinh
Chậm kinh là triệu chứng điển hình của mang thai ngoài tử cung. Với những chị em có chu kỳ kinh nguyệt thất thường, không đều thì việc dự đoán chính xác ngày có kinh là rất khó. Do đó, nếu thấy chảy máu âm đạo bất thường trước chu kỳ kinh nguyệt, các chị em nên chú ý nhé.
2.3. Cảm thấy đau bụng dữ dội
Theo các chuyên gia, phôi thai làm tổ ở vị trí nào bên ngoài tử cung thì chị em sẽ thấy đau ở chỗ đó. Vì vậy, chị em phải chú ý đặc biệt tới những vị trí đau bụng. Ngoài chỗ thai làm tổ, chị em cũng sẽ cảm thấy đau bụng dưới hoặc đau bụng kèm theo mót rặn. Thông thường, đau bụng dữ dội thường không xuất hiện sớm, mà khi thai phát triển lớn hơn, đặc biệt là khi thai vỡ. Lúc này, chị em sẽ cảm thấy đau bụng dữ dội, choáng ngất
2.4. Chảy máu âm đạo bất thường
Những bất thường về chu kỳ kinh nguyệt, màu sắc, độ loãng đặc của máu kinh,… cũng ngầm cảnh báo về triệu chứng mang thai ngoài tử cung. Do đó, khi thấy những dấu hiệu này, các mẹ bầu nên chú ý nhé.
2.5. Những dấu hiệu khác
Khi thai ngoài tử cung bị vỡ, các mẹ bầu sẽ bị choáng váng, toát mồ hôi, đau bụng dữ dội và hoa mắt, chóng mặt. Trong những trường hợp nặng hơn, mẹ bầu có thể bị ngất.
3. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng mang thai ngoài tử cung
3.1. Viêm nhiễm vòi trứng
Viêm nhiễm vòi trứng ảnh hưởng lớn tới tình trạng mang thai ngoài tử cung. Trên thực tế, căn bệnh này thường lây nhiễm qua đường tình dục.
3.2. Mắc các căn bệnh phụ khoa
Các căn bệnh phụ khoa như viêm khung chậu, viêm vùng chậu, tắc vòi trứng,… cũng là thủ phạm gây ra tình trạng mang thai ngoài tử cung. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến vòi trứng bị hẹp hoặc tắc là do chị em có khối u phần phụ chèn ép lên vòi trứng, mắc phải bệnh lạc nội mạc tử cung hoặc đã từng phẫu thuật lên bụng, gây dị dạng vòi trứng. Lúc này, phôi thai không thể di chuyển được nên phải ở bên ngoài tử cung.
3.3. Hút thuốc lá
Hút thuốc lá không chỉ làm chậm quá trình thụ thai mà còn gây ra hiện tượng thai ngoài tử cung. Do đó, để đảm bảo sức khỏe của bản thân và thai nhi, chị em không nên hút thuốc lá.
3.4. Các nguyên nhân khác
– Do đặt vòng tránh thai
– Từng sử dụng chất diethylstilbestrol khi mang thai
– Có tiền sử mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, Chlamydia
– Có tiền sử mang thai ngoài tử cung, từng thực hiện phẫu thuật triệt sản nhưng thất bại
4. Chửa thai ngoài tử cung có giữ được không?
Mang thai ngoài tử cung có giữ được không là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ bầu. Theo các chuyên gia thai ngoài tử cung thường làm tổ ở vòi trứng (95 – 98%), buồng trứng (0,7 – 1%), cổ tử cung (0,5 – 1%), thậm chí ổ bụng… Đây không phải là môi trường thuận lợi cho phôi thai phát triển, do vậy khi thai phát triển lớn, có thể gây vỡ, xuất huyết ổ bụng, khiến mẹ bầu mất khả năng sinh sản ở những lần tiếp theo, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng cho người mẹ. Thêm vào đó, thai ngoài tử cung không thể tự di chuyển hoặc được di chuyển tới tử cung. Chính vì thế, thai ngoài tử cung không thể giữ được, mà cần loại bỏ càng sớm càng tốt để bảo vệ người mẹ.
5. Cách xử lý thai ngoài tử cung an toàn và hiệu quả nhất
5.1. Sử dụng thuốc
Hiện nay, loại thuốc được sử dụng nhiều nhất để xử lý tình trạng thai ngoài tử cung, giúp phôi thai tự tiêu là thuốc Methotrexate. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ phù hợp với phôi thai có kích cỡ dưới 3cm và tim thai vẫn chưa hoạt động. Methotrexate có tác dụng ngăn chặn sự phân chia của phôi thai, bảo tồn vòi trứng và duy trì khả năng sinh sản ở người mẹ.
5.2. Phương pháp phẫu thuật
Khi phôi thai đã to và có biểu hiện vỡ thì chị em phải thực hiện phẫu thuật. Lúc này, tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định chị em nên mổ mở hoặc mổ nội soi. Trong trường hợp phôi thai bị vỡ và máu tràn vào ổ bụng, bác sĩ sẽ mổ mở để cầm máu và cắt một bên vòi trứng. Phương pháp này sẽ làm giảm khả năng thụ thai ở người mẹ.
5.3. Thai ngoài tử cung thoái triển
Nếu thai ngoài tử cung chưa to và chưa vỡ, mẹ bầu có thể theo dõi sự thoái triển tự nhiên của phôi thai. Trong nhiều trường hợp, phôi thai nằm bên ngoài tử cung sẽ tự tiêu. Để an toàn nhất, các mẹ bầu nên thường xuyên đến bệnh viện để siêu âm và điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Quan trọng nhất là chị em không được tự ý uống thuốc để tiêu thai và làm theo đúng lời khuyên của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của bản thân lẫn khả năng sinh sản ở những lần tiếp theo.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp các chị em giải đáp được thắc mắc “Mang thai ngoài tử cung có giữ được hay không?”. Nếu chẳng may gặp phải trường hợp này, chị em nên tới bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.