Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng là điều mà mọi người mẹ mong muốn. Tuy nhiên với những người mẹ đã nhiễm virus viêm gan B sẽ không khỏi băn khoăn liệu rằng viêm gan B có lây qua sữa mẹ hay không? Mẹ cần làm gì để không làm lây truyền virus sang con?
Menu xem nhanh:
1. Đường lây của virus viêm gan B
Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm phổ biến được gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Tại Việt Nam, có đến 10 – 14% tỷ lệ người nhiễm viêm gan B.
Về khả năng lây lan của bệnh, virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất trong vòng 7 ngày. Trong thời gian này, virus vẫn có thể gây bệnh nếu xâm nhập vào cơ thể của những người không được bảo vệ bởi vacxin. Thời gian ủ bệnh trung bình là 75 ngày, nhưng sẽ thay đổi tùy từng trường hợp cụ thể từ 30 đến 180 ngày. Virus viêm gan B có thể được phát hiện trong vòng từ 30 đến 60 ngày sau khi nhiễm bệnh và hoàn toàn có thể tồn tại và phát triển thành bệnh viêm gan B.
Viêm gan B thường diễn biến thầm lặng cùng khả năng lây lan nhanh chóng thông qua 3 con đường chính như sau:
1.1. Lây truyền từ mẹ sang con
Phụ nữ mang thai mắc bệnh viêm gan B có thể truyền virus từ mẹ sang con. Theo thống kê chỉ có khoảng 10-20% những em bé may mắn sinh ra có khả năng tự phục hồi hoàn toàn sau khi bị lây nhiễm virus từ người mẹ. Những em bé còn lại đều có nguy cơ bị viêm gan B mạn tính rất cao.
1.2. Lây qua đường máu
Trong máu có lượng HBV cao vì vậy khi da hoặc niêm mạc của người không mang virus viêm gan B bị xây xước mà tiếp xúc với máu của người đã bị nhiễm bệnh thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao.
Ngoài ra, HBV còn được tìm thấy trong dịch âm đạo, tinh dịch, nước bọt, sữa mẹ, mồ hôi, dịch mật, nước tiểu, phân nhưng với nồng độ rất thấp. Vì vậy khi da hoặc vùng niêm mạc bị tổn thương tiếp xúc với các dịch này cũng có thể bị lây nhiễm HBV nhưng nguy cơ nhiễm sẽ thấp hơn khi tiếp xúc trực tiếp với máu.
1.3. Quan hệ tình dục không an toàn
Việc thực hiện quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su hoặc dùng chung dụng cụ tình dục) cũng là con đường lây lan viêm gan siêu vi B. Virus HBV có trong dịch tiết của người nhiễm bệnh và thâm nhập vào cơ thể đối phương qua các vết xước nhỏ, di chuyển vào máu và gây lây nhiễm HBV.
2. Viêm gan B có lây qua sữa mẹ hay không? Những lưu ý dành cho mẹ
2.1. Viêm gan B có lây qua sữa mẹ hay không?
Như đã nói ở trên, trong sữa mẹ vẫn có một lượng virus viêm gan B nhất định nhưng chưa đủ để có thể lây lan virus cho con. Hay nói cách khác, nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B qua sữa mẹ là rất không đáng kể, vì thế dù có bị viêm gan B thì mẹ vẫn có thể nuôi con an toàn bằng sữa mẹ.
Tuy nhiên, đối với trường hợp đầu vú mẹ bị nứt, rạn gây chảy máu, hoặc tồn tại vết thương tiết dịch nặng sẽ có thể làm cho trẻ bị phơi nhiễm với virus viêm gan B.
2.2. Lưu ý gì cho mẹ để đảm bảo an toàn trong suốt quá trình cho con bú
Trường hợp mẹ bị viêm gan B vẫn có thể cho con bú bình thường mỗi ngày nhưng cần lưu ý một số điều như sau để đảm bảo không lây nhiễm virus sang trẻ trong suốt quá trình cho con bú.
– Thường xuyên theo dõi và chú ý các dấu hiệu bên ngoài của trẻ. Trong trường hợp nhận thấy những tổn thương dẫn tới chảy máu hoặc trẻ bị tưa lưỡi, nứt miệng thì dừng ngay việc cho con bú.
– Về phía mẹ thì cần tránh những tổn thương ngoài da nhất là ở vùng đầu ti. Khi vú có dấu hiệu nứt, rạn hoặc tiết dịch lạ cũng cần dừng cho con bú ngay. Để không bị mất sữa, mẹ có thể vắt bỏ sữa cho đến khi các vết thương lành hẳn, sau đó mới tiếp tục cho con bú như bình thường.
– Với một số trường hợp đặc biệt, người mẹ phải điều trị bệnh trong quá trình cho con bú thì cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa về các giải pháp đảm bảo an toàn cho bé. Lưu ý, các mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ định từ bác sĩ vì điều này rất dễ gây tác dụng phụ ảnh hưởng tới chất lượng sữa và không tốt cho em bé.
3. Phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con
3.1. Không nên mang thai trong giai đoạn viêm gan cấp tính
Trong giai đoạn virus đang hoạt động thì người bệnh tốt nhất không nên mang thai, chỉ khi chức năng gan trở lại bình thường, xét nghiệm HBeAg âm tính thì mới nên mang thai. Như vậy, đối với phụ nữ đã bị viêm gan B mạn tính cần chủ động thăm khám tiền sản, đánh giá chính xác tình trạng bệnh trước khi có ý định mang thai.
3.2. Tiêm vacxin cho trẻ sau sinh
Nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đưa ra, cách thức an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa truyền nhiễm virus viêm gan B là thực hiện tiêm phòng vacxin viêm gan B.
Với trường hợp mẹ bầu mang virus, cần tiến hành tiêm vacxin cho trẻ ngay trong vòng 12 giờ đầu kể từ khi trẻ được sinh ra (sẽ tiêm ở 2 vị trí khác nhau). Theo đánh giá, trong vòng 12-24h sau sinh, vacxin có khả năng phòng được lên tới 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con và hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo thời gian và không đạt nếu tiêm sau 7 ngày.
Toàn bộ liệu trình sử dụng vacxin phòng virus viêm gan B cho trẻ cần được thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ và hoàn thành theo lịch khuyến cáo đã đưa ra.
Như vậy, các bạn đã có cho mình lời giải đáp với câu hỏi: “Viêm gan B có lây qua sữa mẹ hay không?”. Trên hết, các mẹ bầu nên lựa chọn các đơn vị y tế uy tín, thực hiện thăm khám toàn diện để được hướng dẫn các biện pháp phòng tránh cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho bé và không ảnh hưởng tới quá trình nuôi con của mẹ.