Trẻ bị suy dinh dưỡng phải làm sao có thể nói là bài toán khó đối với rất nhiều bậc phụ huynh. Đặc biệt là đặt trong bối cảnh số trẻ em suy dinh dưỡng ở Việt Nam đang gia tăng mạnh. Cụ thể, theo thống kê từ Tổ chức Unicef, Việt Nam với hơn 230.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng hiện đang là 1 trong 34 quốc gia trên toàn thế giới phải đối mặt có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất.
Vậy làm thế nào cải thiện tình trạng ở trẻ em, cùng tìm hiểu lời giải đáp qua bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ
Suy dinh dưỡng ở trẻ là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết bao gồm: Năng lượng, protein, lipid và các vi chất dinh dưỡng.
Để dễ nhận biết, các chuyên gia chia suy dinh dưỡng ở trẻ em làm 3 thể, đó là:
– Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân hay cân nặng theo tuổi thấp
Được xác định khi chỉ số cân nặng của trẻ thấp hơn mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và cùng giới (dưới -2SD).Thể nhẹ cân phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài đồng thời tình trạng thiếu dinh dưỡng tại thời điểm đánh giá.
– Suy dinh dưỡng thể thấp còi
Được xác định khi chiều cao của trẻ thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và cùng giới (dưới -2SD). Thể thấp còi phản ánh tình trạng chậm phát triển mãn tính, kéo dài từ trong quá khứ, có thể bắt đầu từ giai đoạn bào thai do mẹ bị thiếu chất dinh dưỡng.
– Suy dinh dưỡng thể gầy còm
Được xác định khi cân nặng theo chiều cao của trẻ thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và cùng giới (dưới -2SD). Thể gầy còm phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng cấp tính do trẻ không lên cân hoặc tụt cân.
2. Một số nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ
Hầu hết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ đều xuất phát từ chế độ dinh dưỡng, thói quen ăn uống hay những vấn đề dinh dưỡng mẹ gặp phải trong thai kỳ. Trong đó, các nguyên nhân cụ thể bao gồm:
– Trẻ không được cung cấp đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể phát triển
– Trẻ biếng ăn, không ăn đủ nhu cầu
– Chế độ ăn nghèo nàn hoặc cách chế biến không phù hợp, thiếu năng lượng và các dưỡng chất cần thiết
– Một số bệnh kéo dài như: Rối loạn tiêu hóa, khó hấp thu, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, thất thoát chất dinh dưỡng do một số bệnh lý
– Phải cai sữa mẹ từ sớm, chế độ ăn dặm không phù hợp
3. Cách nhận biết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ
Biện pháp đơn giản nhất để xác định được trẻ có phát triển bình thường hay trẻ bị suy dinh dưỡng là cân trẻ đều đặn hằng tháng để theo dõi sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, bố mẹ có thể tham khảo bảng chiều cao và cân nặng của trẻ theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO dưới đây
3.1. Dấu hiệu suy dinh dưỡng thể thấp còi
Để xác định được trẻ có phải là SDD thấp còi hay không cần đo chiều dài nằm/ chiều cao đứng của trẻ và sử dụng chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2006 cho trẻ dưới 5 tuổi để xác định tình trạng dinh dưỡng và mức độ SDD.
Trẻ SDD thể thấp còi khi chiều cao của trẻ thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi, cùng giới (dưới ngưỡng -2SD).
Trẻ dưới 2 tuổi cần được cân, đo định kỳ hàng tháng để kịp thời phát hiện sớm dấu hiệu chậm tăng trưởng của trẻ: trẻ dưới 1 tuổi nên cân đo 1 tháng/1lần, trẻ 1 tuổi trở lên: 2-3 tháng/lần, nên sử dụng biểu đồ tăng trưởng để theo dõi. Trẻ từ 2 tuổi đến dưới 5 tuổi có thể cân đo 6 tháng 1 lần. Nếu phát hiện trẻ bị SDD cần cân, đo 1 tháng/1 lần.
3.2. Dấu hiệu suy dinh dưỡng thể nhẹ cân
Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là khi cân nặng của trẻ thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi, cùng giới (dưới ngưỡng -2SD)
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thể theo dõi tình trạng suy dinh dưỡng qua những biểu hiện như: Biếng ăn, ăn ít, cơ thể khó hấp thu các chất dinh dưỡng, tăng cân khó, chững cân…
3.3. Dấu hiệu suy dinh dưỡng thể gầy còm
Dấu hiệu phổ biến nhất của suy dinh dưỡng thể gầy còm là trẻ chỉ đạt 60% so với mức cân nặng tiêu chuẩn đi kèm theo những triệu chứng như: Trẻ biếng ăn, xanh xao, khó thở, rối loạn tiêu hóa kéo dài… Đặc biệt, trong trường hợp trẻ có làn da nhăn nheo, nhiệt độ cơ thể giảm bất thường thì khả năng lớn trẻ bị suy dinh dưỡng thể gầy còm.
4. Trẻ bị suy dinh dưỡng phải làm sao?
Với thắc mắc trẻ bị suy dinh dưỡng phải làm sao, trước tiên, khi chăm sóc trẻ thì bố mẹ cần chú ý đến các điểm sau:
– Vệ sinh ăn uống
Bố mẹ cần đảm bảo cho trẻ ăn chín, uống sôi. Thức ăn sau khi nấu xong phải cho trẻ ăn ngay, nếu để quá 3 giờ thì phải đun sôi lại mới cho trẻ ăn. Bên cạnh đó, không cho trẻ ăn ở những nơi bụi bặm, đường xá hay công trường xây dựng vì đó có thể là nguồn lây nhiều bệnh như: Tiêu chảy, ngộ độc thức ăn…
– Vệ sinh cá nhân cho trẻ
Bên cạnh việc thường xuyên tắm rửa, vệ sinh thân thể cho trẻ, bố mẹ cũng cần xây dựng cho con thói quen giữ gìn răng miệng sạch sẽ, không ăn quá nhiều đồ ngọt để tránh các bệnh sâu răng, viêm lợi. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên nhắc nhở không cho trẻ mút tay hoặc quệt tay bẩn lên mặt, không đưa các đồ vật không sạch sẽ lên miệng để tránh các bệnh giun sán.
– Thường xuyên động viên, khích lệ trẻ
Chăm sóc tâm lý là biện pháp vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ. Bởi việc động viên, khích lệ sẽ tạo cảm giác thoải mái cho trẻ, khiến trẻ ăn ngon miệng hơn. Ngược lại, nếu như bố mẹ quát mắng, dọa nạt, ép ăn sẽ tạo nên áp lực tâm lý, khiến trẻ ngày càng sợ ăn dẫn đến suy dinh dưỡng ngày càng nghiêm trọng.
– Đưa trẻ đi khám dinh dưỡng
Biện pháp tốt nhất để cải thiện tình trang suy dinh dưỡng ở trẻ đó là đưa trẻ đi khám dinh dưỡng. Việc khám dinh dưỡng với các chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bố mẹ có thể phát hiện sớm các bất thường liên quan đến dinh dưỡng của trẻ để từ đó có biện pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng sẽ xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp theo đúng lứa tuổi và tình trạng của bé, nhớ đó bé có thể phát triển khỏe mạnh nhất.
5. Chế độ ăn dành cho trẻ bị suy dinh dưỡng
Trẻ bị suy dinh dưỡng thường kén ăn, chính vì vậy, bố mẹ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ.
Có thể chia nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa cho trẻ ăn một lượng thức ăn vừa đủ để đảm bảo trẻ được cung cấp năng lượng. Với trẻ từ 1 đến 2 tuổi ngoài bú sữa mẹ sẽ cần thêm khoảng 3 bữa/ngày. Trẻ từ 3 đến 5 tuổi cần ăn từ 5 đến 6 bữa/ngày. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên lưu ý đến cách chế biến bữa ăn phù hợp với khẩu vị của trẻ, các món ăn luôn phải có sự thay đổi đa dạng để tạo cảm giác ngon miệng, đảm bảo lượng dầu mỡ phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Nên cho trẻ duy trì uống sữa hàng ngày vì sữa là nguồn cung cấp canxi chính trong bữa ăn của trẻ, nhất là trẻ còn nhỏ chưa ăn được nhiều tôm, cua, cá. Hơn nữa canxi trong sữa lại dễ hấp thu hơn trong các loại thực phẩm khác. Ngoài ra, bố mẹ cần cân bằng chế độ ăn uống bằng việc bổ sung thêm các chất đạm có trong thịt, cá, trứng vào khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ.
Hi vọng rằng với những thông tin mà bài viết chia sẻ, phụ huynh đã được giải đáp các thắc mắc xoay quanh vấn đề “Trẻ bị dinh dưỡng phải làm sao”. Lưu ý các thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, tốt hơn hết, khi trẻ có dấu hiệu bị suy dinh dưỡng, phụ huynh cần đưa trẻ đi thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân chính xác cũng như phương hướng cải thiện phù hợp.
Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc quy tụ đội ngũ bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng với hơn 30 năm kinh nghiệm và đã có nhiều năm công tác ở Viện Dinh Dưỡng Quốc gia trực tiếp thăm khám và tư vấn dinh dưỡng. Bên cạnh đó, bệnh viện còn chú trọng đầu tư trang bị hệ thống máy móc hiện đại, tân tiến nhằm phục vụ cho việc thăm khám và điều trị đạt kết quả tốt.