Với khối u ác tính được phát hiện, việc xác định mức độ bệnh là vô cùng quan trọng để bác sĩ lập kế hoạch điều trị và xác định tiên lượng bệnh. Trong đó, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh đóng một vai trò quan trọng giúp đánh giá giai đoạn ung thư. Và chụp cộng hưởng từ MRI toàn thân chính là công nghệ ưu việt và đang nhận được sự quan tâm của nhiều người dân.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là công nghệ chụp MRI toàn thân?
Chụp cộng hưởng từ (chụp MRI) là kỹ thuật tạo hình cắt lớp bằng cách sử dụng từ trường và sóng radio. Nguyên tử Hydrogen trong cơ thể dưới tác động của từ trường và sóng radio, hấp thụ và phóng thích năng lượng sóng RF. Các mô cơ thể khác nhau sẽ có sự hấp thụ và phóng thích năng lượng không giống nhau. Quá trình phóng thích năng lượng này sẽ được máy thu nhận, xử lý, chuyển đổi thành các tín hiệu hình ảnh.
Công nghệ chụp cộng hưởng từ toàn thân là kỹ thuật khảo sát hình ảnh cộng hưởng từ trên toàn bộ cơ thể, thực hiện ở một hoặc nhiều mặt cắt, trên một hoặc nhiều chuỗi xung. Kỹ thuật này cho phép đánh giá nhiều vùng cơ thể, nhiều bệnh lý khác nhau trong một lần khảo sát của người bệnh.
Ngày nay, nhờ những tiến bộ trong khoa học và kỹ thuật của ngành y tế nói chung và ngành chẩn đoán hình ảnh nói riêng đã cho phép các bác sĩ có thể áp dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ toàn bộ cơ thể trong một lần thăm khám với tính tiện lợi và thao tác thăm khám an toàn. Từ đó, góp phần quan trọng trong chẩn đoán các bệnh có tính chất ảnh hưởng, lan rộng trên toàn thân như ung thư.
2. Sự ưu việt của phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI?
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật nói chung và sự phát triển nhanh chóng trong y học nói riêng, công nghệ chụp cộng hưởng từ toàn thân đang trở nên ngày càng phổ biến và được xem là phương pháp “vàng” trong chẩn đoán hình ảnh với nhiều tính năng ưu việt như:
– Độ phân giải không gian mô mềm cao, độ phân giải hình ảnh cao hơn CT, cho hình ảnh rõ nét cũng như độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong phát hiện những bệnh lý ác tính. Với những chuỗi xung chuyên dụng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh phân biệt được những tổn thương lành tính và ác tính.
– Không sử dụng tia X như chụp X-quang, CT hay PET/CT, không gây độc cho thận do không sử dụng những thuốc tương phản. Vì vậy, chụp cộng hưởng từ được xem là phương pháp an toàn tuyệt đối.
– Phương pháp này rất thích hợp áp dụng cho những người khỏe mạnh muốn tầm soát ung thư và có thể làm định kỳ mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.
– Cộng hưởng từ toàn thân cho phép chẩn đoán sớm ung thư ở những người chưa có triệu chứng. Những bệnh phổ biến nhất trong nhóm người cao tuổi bao gồm những khối u ác tính, cộng hưởng từ toàn thân có thể phát hiện một giới hạn rộng của những bệnh ác tính từ những bệnh lý thuộc các tạng, hệ xương cho tới mô mềm.
3. Đối tượng nào nên và không nên chụp MRI toàn thân?
3.1. Những ai nên tiến hành chụp cộng hưởng từ MRI toàn thân?
Công nghệ chụp cộng hưởng từ toàn thân là kỹ thuật giúp chẩn đoán hình ảnh một cách chính xác, hiệu quả và an toàn cho người bệnh. Những đối tượng có thể tiến hành chụp cộng hưởng từ toàn thân như:
– Người khỏe mạnh có mong muốn tầm soát phát hiện những bất thường trong cơ thể mình
– Người có tiền sử gia đình có người từng bị bệnh lý hoặc ung thư…
– Người có các yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư như: Viêm gan, xơ gan, hút thuốc lá nhiều năm, làm việc trong môi trường độc hại
– Người có triệu chứng bệnh lý ở bất kỳ một cơ quan nào đó trong cơ thể.
– Theo dõi điều trị ở những bệnh nhân ung thư. Sau khi thực hiện phẫu thuật hay hóa xạ trị, người bệnh cần chụp MRI toàn thân để đánh giá tình trạng đáp ứng điều trị của bệnh. Ví dụ như: đáp ứng hoàn toàn, một phần, không đáp ứng… Đồng thời giúp bác sĩ phát hiện các thương tổn mới tái phát.
3.2. Những ai không nên chụp cộng hưởng từ MRI toàn thân?
– Những bệnh nhân có cấy ghép các thiết bị điện tử trong người: máy tạo nhịp tim, clip phẫu thuật mạch máu não, stent mạch máu.
– Có dị vật kim loại trong người: mảnh đạn, dị vật kim loại trong mắt.
– Phụ nữ có thai dưới 12 tuần.
4. Cộng hưởng từ toàn thân phát hiện được các bệnh nào?
Chụp MRI toàn thân có thể giúp bạn phát hiện được những bệnh lý trên nhiều bộ phận. Cụ thể như:
– Sọ não và hàm mặt: các khối u não, thoái hóa myelin, dị dạng mạch máu não, áp xe não, các khố u vùng hàm mặt, viêm xoang….
– Ngực: u phế quản, các khối u trung thất…
– Bụng: phát hiện sớm các khối u gan, thận, thượng thận, tụy, lách, u lympho…
– Cột sống: Các bệnh lý ác tính như: u tủy, u thân đốt sống, đặc biệt các di căn xương… Các bệnh lý lành tính như: thoát vị đĩa đệm cột sống, thoái hóa cột sống…
– Tiểu khung: các khối u tử cung, buồng trứng và tiền liệt tuyến…
5. Cần chuẩn bị gì trước khi chụp MRI toàn thân?
– Nhịn ăn từ 4-6 tiếng để bác sĩ đánh giá tình trạng ổ bụng được chính xác nhất
– Mang theo tài liệu thăm khám trước đó nếu có như: siêu âm, phim X-Quang, phim chụp cắt lớp vi tính,…
– Khai thác thông tin đầy đủ vào bảng câu hỏi để đảm bảo an toàn và quyền lợi cho bạn.
– Trong quá trình chụp, một số trường hợp người bệnh có thể sẽ phải tiến hành tiêm thuốc đối quang từ vào tĩnh mạch để giúp bác sĩ quan sát được bất thường rõ ràng hơn. Do đó bác sĩ sẽ phải khai thác tiền sử dị ứng thuốc,thức ăn, môi trường sống… Thông thường, thuốc này ít gây tác dụng phụ hơn nhiều so với thuốc cản quang trong chụp cắt lớp vi tính.
– Thông báo với bác sĩ và kỹ thuật viên về các vấn đề sức khỏe bạn đang mắc phải.
– Trước khi tiến hành chụp MRI, bạn cần thay quần áo chụp, đồng thời không mang các vật dụng kim loại vào phòng chụp như: máy trợ thính, răng giả, thẻ ATM, điện thoại; đồ trang sức, kẹp tóc, đồng hồ, kính mắt…
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp chụp MRI toàn thân. Để biết chính xác liệu bạn có thể tiến hành phương pháp này không, đừng quên đến các trung tâm y tế uy tín nhằm được bác sĩ tư vấn cụ thể và chi tiết.