Febuxostat là một loại thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh gút và tăng acid uric máu. Tuy nhiên, đây cũng là loại thuốc cần thực hiện theo đúng chỉ định kê đơn từ bác sĩ. Với những nội dung dưới đây, TCI sẽ cung cấp thông tin chi tiết về febuxostat, giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng loại thuốc này.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về febuxostat
1.1. Febuxostat là gì?
Febuxostat là một thuốc ức chế xanthine oxidase không purin, được sử dụng để điều trị tăng acid uric máu mạn tính ở bệnh nhân gút. Với cơ chế tác dụng độc đáo và hiệu quả cao, giảm sản xuất acid uric trong cơ thể, từ đó giúp kiểm soát nồng độ acid uric trong máu và ngăn ngừa các cơn gút cấp tính.
1.2. Các dạng bào chế của Febuxostat
Febuxostat thường được bào chế dưới dạng viên nén để uống. Đây là dạng bào chế phổ biến và thuận tiện cho người bệnh. Viên nén febuxostat có thể có các hàm lượng khác nhau như 40mg, 80mg… tùy theo chỉ định của bác sĩ.
1.3. Cơ chế tác dụng của febuxostat
Cơ chế tác dụng của Febuxostat
– Uric Acid: Sản phẩm cuối của quá trình chuyển hóa purin.
– Xanthine Oxidase: Enzyme chuyển hóa hypoxanthine thành xanthine và sau đó thành uric acid.
– Febuxostat: Ức chế xanthine oxidase, giảm sản xuất uric acid.
– Kết quả: Giảm nồng độ uric acid trong máu, từ đó giảm triệu chứng gout.
2. Sử dụng febuxostat
2.1. Chỉ định
Febuxostat có thể được kê đơn điều trị cho những trường hơp bệnh lý như:
– Điều trị tăng acid uric máu mạn tính ở bệnh nhân gút.
– Dự phòng và điều trị tăng acid uric máu ở bệnh nhân ung thư đang điều trị hóa trị liệu gây tăng acid uric máu.
2.2. Liều dùng febuxostat và cách dùng
Liều mẫu với người lớn:
Khởi đầu 40-80mg/ngày và có thể tăng đến 120mg/ngày nếu acid uric máu vẫn >6mg/dl
Cách dùng:
– Không yêu cầu thời điểm dùng thuốc cụ thể liên quan đến bữa ăn.
– Đảm bảo tính đều đặn: Nên uống thuốc ở các thời điểm tương đương như nhau mỗi ngày để duy trì hiệu quả điều trị.
2.3. Những lưu ý khi dùng febuxostat
– Thận trọng khi sử dụng ở bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch hoặc đột quỵ.
– Có thể gây tăng các enzym gan, cần theo dõi chức năng gan trong quá trình điều trị.
– Có thể làm tăng nguy cơ cơn gút cấp trong giai đoạn đầu điều trị, phối hợp thuốc hạ acid uric máu cùng với thuốc giảm triệu chứng ngay trong cơn gout cấp
– Không nên sử dụng đồng thời với azathioprine, mercaptopurine hoặc theophylline.
3. Một số vấn đề cần lưu ý
3.1. Tác dụng phụ của febuxostat
Tác dụng phụ thường gặp:
– Buồn nôn, tiêu chảy
– Đau đầu
– Tăng enzym gan
– Phát ban
Tác dụng phụ ít gặp:
– Chóng mặt
– Đau khớp
– Mệt mỏi
Hiếm gặp và nghiêm trọng:
– Phản ứng quá mẫn nghiêm trọng (hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc)
– Tăng khả năng xảy ra các nguy cơ biến cố và tỷ lệ tử vong do tim mạch
3.2. Tương tác thuốc của febuxostat
Febuxostat có thể tương tác với một số thuốc như:
– Azathioprine và mercaptopurine: Tăng độc tính của các thuốc này.
– Theophylline: Nồng độ theophylline trong máu tăng khi sử dụng febuxostat.
– Thuốc chống đông máu (warfarin): Có thể làm thay đổi tác dụng của warfarin.
– Tương tác nghiêm trọng với Rosuvastatin: làm tăng nồng độ rosuvastatin trong huyết tương
3.3. Sử dụng febuxostat trong một số trường hợp đặc biệt
Sử dụng ở người suy thận:
– Người suy thận nhẹ đến trung bình có thể sử dụng thuốc với liều thông thường.
– Cần theo dõi chặt chẽ khi sử dụng thuốc cho người bệnh suy thận giai đoạn cuối.
Sử dụng ở người suy gan:
– Không cần thay đổi liều dùng ở người suy gan nhẹ.
– Liều tối đa 80 mg/ngày ở bệnh nhân suy gan trung bình.
– Chưa có các dữ liệu chính xác về việc sử dụng thuốc với người suy gan nặng.
Sử dụng ở người cao tuổi:
– Liều dùng không cần phải thay đổi theo tuổi.
– Tuy nhiên, cần theo dõi chặt chẽ hơn do nguy cơ cao hơn về các bệnh lý kèm theo và tương tác thuốc.
– Không nên dùng cho phụ nữ có thai và đang cho con bú
3.4. Chống chỉ định
Những trường hợp chống chỉ định với Febuxostat:
– Quá mẫn cảm: Người bệnh có tiền sử dị ứng với febuxostat hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
– Sử dụng đồng thời với một số thuốc khác: Febuxostat không nên sử dụng đồng thời với azathioprine, didanosine hoặc mercaptopurine vì có thể gây tương tác thuốc nghiêm trọng.
3.5 Thận trọng
– Rối loạn chuyển hóa purin hiếm gặp: Ví dụ như hội chứng Lesch-Nyhan.
– Tăng nồng độ acid uric máu không do bệnh gút: Như trong trường hợp ung thư, điều trị ung thư hoặc ghép tạng.
– Nồng độ acid uric máu đã ổn định: Nếu nồng độ acid uric đã được kiểm soát bằng các biện pháp khác, việc sử dụng febuxostat không cần thiết.
4. So sánh đánh giá Febuxostat với Allopurinol
Febuxostat và allopurinol đều là thuốc ức chế xanthine oxidase, được sử dụng trong điều trị tăng acid uric máu. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại một số điểm khác biệt đáng chú ý.
– Cơ chế tác dụng: Febuxostat ức chế cả hai dạng của xanthine oxidase, trong khi allopurinol chỉ ức chế một dạng.
– Tác dụng phụ: Febuxostat có thể gây ít tác dụng phụ hơn ở bệnh nhân suy thận nhưng nguy cơ cao tác dụng trên tim mạch
– Chi phí: Febuxostat thường đắt hơn allopurinol.
Nhìn chung, Febuxostat là một lựa chọn hiệu quả trong điều trị tăng acid uric máu mạn tính ở bệnh nhân gút. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần tuân thủ đúng chỉ định, đồng thời lưu ý các tương tác thuốc và tác dụng phụ có thể xảy ra. Đặc biệt, cần thận trọng ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch hoặc đột quỵ. Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định từ chuyên gia y tế.