So với đột quỵ thiếu máu não, đột quỵ xuất huyết não hiếm gặp hơn nhưng lại có nguy cơ tử vong cao hơn. Vì vậy, phòng ngừa và điều trị đột quỵ chảy máu não là vô cùng quan trọng.
Menu xem nhanh:
1. Đột quỵ xuất huyết não là gì?
Đột quỵ não xuất huyết hay đột quỵ chảy máu não là tình trạng mạch máu bị vỡ đột ngột khiến máu tràn vào mô não và gây tổn thương não. Đây là một trong hai dạng đột quỵ phổ biến nhất hiện nay. Dạng còn lại đột quỵ thiếu máu não – hiện tượng lượng máu lên não bị giảm đột ngột do xơ vữa hoặc cục máu đông gây chết não.
Đột quỵ chảy máu não chỉ chiếm khoảng 10% – 20% trường hợp đột quỵ tuy nhiên lại có tỉ lệ tử vong rất cao. Nhiều người bị đột quỵ dạng này có thể tử vong chỉ sau 2 ngày kể từ khi cơn đột quỵ khởi phát. Những bệnh nhân may mắn sống sót thì khả năng phục hồi cũng rất chậm.
Các biến chứng có thể gặp sau đột quỵ chảy máu:
– Liệt nửa người
– Rối loạn tâm lý
– Rối loạn ngôn ngữ
– Giảm trí nhớ
– Khó nuốt, dễ bị sặc, không nhai được…
– Suy hô hấp, viêm phổi
– Không tự chủ tiểu tiện
Bởi vậy, việc nhận biết sớm từ những dấu hiệu đầu tiên và đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời là vô cùng quan trọng.
2. Phân loại đột quỵ chảy máu não
Đột quỵ chảy máu não được phân loại dựa vào vị trí chảy máu. Có 2 loại xuất huyết não thường gặp là:
– Xuất huyết nội sọ: Là tình trạng xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ, máu chảy vào trong nhu mô não hay não thất.
– Xuất huyết dưới nhện: Là tình trạng vỡ mạch máu trên bề mặt não, máu chảy vào khoang dưới nhện xung quanh não, hay còn gọi là chảy máu màng não.
3. Triệu chứng của xuất huyết não đột quỵ
3.1. Xuất huyết nội sọ
Các triệu chứng của xuất huyết nội sọ thường xuất hiện đột ngột, không báo trước và diễn biến nhanh trong khoảng 30 – 90 phút. Các triệu chứng hầu như xảy ra khi bệnh nhân tỉnh táo, phổ biến nhất có thể kể đến như:
– Đột ngột yếu, liệt bộ phận nào đó trên cơ thể
– Bệnh nhân mất khả năng nói và khả năng hiểu ngôn ngữ
– Mất kiểm soát chuyển động của mắt
– Buồn nôn, nôn
– Đi lại khó khăn
– Khó thở, thở không đều
– Choáng váng
– Đi vào hôn mê
3.2. Xuất huyết dưới nhện
Trong trường hợp đột quỵ xuất huyết não này, máu lấp đầy một phần không gian giữa não và hộp sọ, trộn lẫn với dịch não tủy. Điều này làm tăng áp lực lên não khiến bệnh nhân có biểu hiện:
– Đau đầu dữ dội
– Buồn nôn, nôn
– Mất ý thức
– Co giật
– Không thể nhìn vào ánh sáng
4. Các yếu tố nguy cơ gây xuất huyết não
Bên cạnh đó, tiền sử gia đình, tuổi tác, dân tộc,…là những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi, các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ chảy máu não có thể thay đổi bao gồm:
4.1. Các loại bệnh lý gây đột quỵ xuất huyết não
– Tăng huyết áp: Áp lực quá lớn của máu lên thành mạch là nguyên nhân hàng đầu gây vỡ mạch máu não. Đặc biệt đối với những bệnh nhân có xơ vữa động mạch, huyết áp cao khiến các mảng xơ vữa dễ bị bong tróc, gây tắc nghẽn và vỡ mạch. Thành động mạch mất khả năng đàn hồi thì nguy cơ vỡ mạch càng cao hơn.
– Đái tháo đường: Rối loạn nội tiết này là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xơ vữa động mạch.
– Dị tật động mạch: Đây là một loại dị tật bẩm sinh ở động mạch. Khi huyết áp tăng cao, động bị kéo giãn và có thể vỡ ra, dẫn đến xuất huyết não.
– Các bệnh lý về gan: Người có bệnh lý về gan dễ bị bệnh này hơn người bình thường.
– Thừa cân, béo phì: Người có tiền sử béo phì, ít vận động, cholesterol trong máu cao.
4.2. Các thói quen không lành mạnh
– Sử dụng rượu, bia: Uống rượu bia có thể gây tăng nhịp tim, tăng huyết áp đột ngột, gây hiện tượng tụ máu và vỡ mạch máu não.
– Lạm dụng các loại thuốc: Những bệnh nhân thuốc kháng đông máu, thuốc làm mỏng mạch máu, thuốc tránh thai thường xuyên có nguy cơ đột quỵ xuất huyết cao hơn người bình thường. Do các loại thuốc này gây rối loạn đông máu, tăng kết dính tiểu cầu, tăng nguy cơ hình thành các huyết khối trong mạch máu.
– Hút thuốc lá: Nicotin trong khói thuốc là một chất độc khiến huyết áp tăng cao, đồng thời tấn công làm suy yếu thành mạch, khiến nguy cơ chảy máu não cao hơn. Hút thuốc lá cũng làm giảm cholesterol tốt, tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa.
Ngoài ra, xuất huyết não có thể xảy ra khi bị chấn thương ở đầu hoặc vận động thể chất quá độ, quá căng thẳng, trầm cảm, thay đổi thời tiết,…
5. Chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não
Chẩn đoán lâm sàng: Đột quỵ não nói chung và đột quỵ chảy máu não nói chung có thể nhận diện qua các triệu chứng lâm sàng như liệt tay chân, méo miệng, mất khả năng ngôn ngữ,…Ngay khi thấy các biểu hiện này, cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Chẩn đoán cận lâm sàng: Bao gồm chụp CT sọ não hoặc chụp MRI sọ não để nhận diện chẩn đoán xuất huyết não và loại trừ đột quỵ thiếu máu não… Ngoài ra, các bác sĩ có thể chọc dò tủy sống trong trường hợp nghi ngờ xuất huyết dưới nhện.
6. Điều trị xuất huyết não
Điều trị xuất huyết não đột quỵ bao gồm xử lý khẩn cấp và phục hồi sau đột quỵ.
6.1. Điều trị khẩn cấp
Phương pháp điều trị còn phụ thuộc vào vị trí, nguyên nhân và mức độ xuất huyết.
Một số loại thuốc cũng có thể được chỉ định để xử lý khẩn cấp tình trạng chảy máu bao gồm:
– Thuốc giảm đau
– Corticoid
– Thuốc lợi tiểu
– Thuốc chống co giật
Đối với trường hợp xuất huyết dưới nhện do phình động mạch, cần sử dụng một số loại thuốc giúp ngăn ngừa tình trạng hẹp động mạch. Các loại thuốc này cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Vì thế, khi người bệnh bị đột quỵ cần được đưa ngay đến các cơ sở y tế uy tín để được điều trị đúng cách.
Nếu tình trạng nặng hơn, bệnh nhân có thể được chỉ định các biện pháp can thiệp khác.
6.2. Điều trị phục hồi sau đột quỵ xuất huyết não
Sau khi được điều trị khẩn cấp để ngăn tình trạng chảy máu, người bệnh cần điều trị phục hồi. Việc này nhằm khắc phục di chứng của đột quỵ não và cải thiện sức khỏe, phục hồi chức năng sau chấn thương não.
Dựa vào mức độ tổn thương sau đột quỵ, các bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phục hồi phù hợp bao gồm vật lý trị liệu, tập nói và một số liệu pháp khác.
Ngoài ra, để dự phòng nguy cơ tái phát, bệnh nhân cần thực hiện một số biện pháp sau:
– Kiểm soát tình trạng huyết áp thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục, theo dõi các chỉ số và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
– Hạn chế uống rượu bia, thuốc lá, tránh làm tăng nguy cơ xuất huyết não.
– Điều trị hiệu quả bệnh tiểu đường, bệnh lý về gan, tim mạch,…để ngăn ngừa yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
– Đi tầm soát nguy cơ đột quỵ sớm để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về chứng đột quỵ xuất huyết não, biết cách nhận diện, xử lý và phòng tránh nguy cơ mắc bệnh. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ để được tư vấn chi tiết.