Điều trị viêm tụy cấp tăng triglyceride bằng phương pháp nào?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ Cao cấp, Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ CKII

Nguyễn Quang Tuấn

Bác sĩ Nội Khoa

Tăng triglyceride (chỉ số mỡ máu) là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới viêm tụy cấp. Việc điều trị viêm tụy cấp tăng triglyceride được thực hiện như thế nào và cần lưu ý những gì? Hãy cùng tìm hiểu ngay.

1. Bệnh viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp là tình trạng tuyến tụy bị sưng viêm một cách đột ngột và xảy ra trong thời gian ngắn. Viêm tụy cấp đặc biệt nguy hiểm nếu không được xử lý đúng cách kịp thời. Bệnh có diễn tiến trở nặng nhanh chóng cùng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như suy cơ quan (phổi, thận, tim mạch), nhiễm trùng huyết, hoại tử tụy dẫn đến tử vong.

Vì vậy, người bệnh viêm tụy cấp cần được tiến hành cấp cứu kịp thời, tránh những rủi ro nguy hiểm. Hãy lưu ý tới những dấu hiệu cảnh báo về viêm tụy cấp sau đây:

– Đau bụng trên, có cảm giác co cứng thành bụng

– Đau bụng lan ra sau lưng

– Sốt

– Mạch nhanh

– Buồn nôn/ nôn mửa

– Chướng bụng

– Ăn uống kém

– Vàng da (với trường hợp viêm tụy cấp do sỏi túi mật)

– Các triệu chứng viêm tụy cấp thể nặng như suy hô hấp, tụt huyết áp, sốt cao, da nhợt nhạt, sốc, tim đập nhanh,…

Viêm tụy cấp rất nguy hiểm và đe dọa trực tiếp tới tính mạng người bệnh.

Viêm tụy cấp rất nguy hiểm và đe dọa trực tiếp tới tính mạng người bệnh.

2. Vì sao triglyceride cao gây ra viêm tụy cấp?

Bệnh viêm tụy cấp do tăng triglyceride thường xảy ra khi nồng độ mỡ máu vượt ngưỡng 1000 mg/dl, chúng hoạt động theo 2 cơ chế chính sau:

– Tăng triglyceride làm gia tăng nồng độ chylomicrons trong máu: Khi nồng độ triglyceride vượt quá ngưỡng 1000mg/dL thì chylomicrons sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trong các mao mạch. Chylomicrons có kích thước rất lớn sẽ gây tắc nghẽn các mao mạch tụy. Hậu quả là dẫn đến thiếu máu gây hoại tử mô và toan hóa máu. Trong môi trường acid, các nhóm acid béo tự do gây hoạt hóa trypsinogen, dẫn đến quá trình tự tiêu hóa mô tụy từ đó gây ra bệnh viêm tụy cấp.

– Phân hủy triglyceride thành các acid béo tự do: Khi nồng độ chylomicron tăng cao làm cho triglyceride tác dụng với men lipase của tụy ở xung quanh vùng tụy và tạo thành các acid béo tự do với nồng độ cao. Điều này gây nhiễm độc tế bào tuyến tụy cùng các tổn thương tại chỗ, đồng thời làm gia tăng các chất trung gian của phản ứng viêm và các gốc tự do. Kết quả biểu hiện ra bên ngoài là các dấu hiệu của viêm tụy cấp.

Viêm tụy cấp do tăng triglyceride

Nồng độ triglyceride tăng cao là một trong những nguyên nhân gây viêm tụy cấp.

3. Viêm tụy cấp tăng triglyceride có nguy hiểm không?

Tương tự như viêm tụy cấp nói chung, viêm tụy cấp tăng triglyceride cực kỳ nguy hiểm. Nếu không được xử lý tốt kịp thời, bệnh nhân có thể gặp những biến chứng khó lường sau đây:

– Hạ huyết áp, sốc: Nguyên nhân là do viêm tụy gây nhiễm khuẩn nặng trong tụy và có thể có xuất huyết.

– Suy dinh dưỡng: Viêm tụy cấp ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn khiến người bệnh bị tiêu chảy kéo dài, chán ăn, giảm cân nhanh.

– Xuất huyết: Người bệnh có thể gặp xuất huyết ngay trong tuyến tụy hoặc xuất huyết xoang bụng, ống tiêu hóa, nghiêm trọng hơn là tổn thương tới các mạch máu.

– Nhiễm trùng tuyến tụy, nhiễm trùng huyết: Đây là biến chứng nguy hiểm gặp ở các trường hợp viêm tụy tiên lượng nặng. Biến chứng này dẫn tới hình thành các ổ áp xe gây viêm phúc mạc toàn thể và hoại tử mô.

– Nang giả tụy: Viêm tụy cấp làm tích tụ nhiều các chất lỏng và mảnh tổn thương trong các túi giống như những nang tụy. Khi một nang giả lớn bị vỡ ra có thể gây chảy máu và nhiễm trùng nặng.

– Suy đa tạng: suy hô hấp ở phổi, suy thận, suy tim,… Trong trường hợp gặp biến chứng suy đa tạng, tỷ lệ tử vong là cực cao.

4. Điều trị viêm tụy cấp do tăng nồng độ mỡ máu triglyceride

Nguyên tắc trong điều trị viêm tụy cấp do tăng triglyceride bao gồm thực hiện điều trị ổn định tình trạng viêm tụy cấp và giảm chỉ số triglyceride huyết thanh với mục tiêu nhằm dự phòng hoại tử tụy và ngăn chặn biến chứng suy đa tạng. Các biện pháp điều trị chính được thực hiện gồm có:

Điều trị viêm tụy cấp tăng triglyceride

Người bệnh viêm tụy cấp tiến hành thăm khám và thực hiện điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.

4.1. Thay huyết tương điều trị viêm tụy cấp do nồng độ triglyceride tăng

Thay huyết tương là kỹ thuật tách huyết tương bằng việc sử dụng máy siêu lọc và màng lọc tách máu thông qua vòng tuần hoàn ngoài cơ thể. Thay huyết tương sẽ giúp loại bỏ phần huyết tương có chứa lượng lớn nồng độ triglyceride gây ra viêm tụy cấp. Thay huyết tương có hiệu quả làm hạ nhanh nồng độ triglyceride nhưng đây là biện pháp xâm lấn và có chi phí khá cao. Phương pháp này thường chỉ được áp dụng với những bệnh nhân không đáp ứng được chế độ ăn hạn chế chất béo, điều trị bằng truyền insulin hoặc dùng các thuốc hạ lipid máu như axit béo omega-3, fibrate.

Thay huyết tương được chỉ định trong trường hợp nồng độ triglyceride > 1000 mg/dl (>11,3 mmol/L).

4.2. Sử dụng insulin

Insulin là một biện pháp hiệu quả giúp hạ triglycerid huyết thanh. Phương pháp này được sử dụng ở cả các bệnh nhân không bị bệnh đái tháo đường. Liều dùng insulin cụ thể với người bệnh viêm tụy cấp sẽ được bác sĩ chỉ định. Khi nồng độ triglyceride máu về ngưỡng < 500mg/dl sẽ ngừng truyền và tiến hành các bước điều trị phục hồi tiếp theo.

4.3. Điều trị viêm tụy cấp tăng triglyceride bằng thuốc

Dựa theo tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các thuốc hạ lipid máu phù hợp. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh cần kết hợp điều chỉnh chế độ ăn phù hợp để giảm lượng lipid máu và giảm các acid béo bão hòa so với nhu cầu cơ bản. Duy trì khẩu phần ăn tránh sử dụng các thực phẩm chứa mỡ động vật, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, sữa nguyên chất nguyên kem, các loại pho mát, ăn giảm đường, giảm muối và đặc biệt cần hạn chế uống rượu, bia và đồ uống chứa chất kích thích.

Việc điều trị viêm tụy cấp tăng triglyceride nên được thực hiện càng sớm càng tốt để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy tới. Các trường hợp người bệnh dù đã được điều trị khỏi cũng nên duy trì một chế độ ăn khoa học, kiểm soát tốt chỉ số mỡ máu và thực hiện thăm khám định kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ để phòng chống bệnh hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital