Tật khúc xạ mắt là vấn đề rất nhiều người gặp phải, trải đều trong mọi độ tuổi từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi. Với công nghệ phát triển vượt bậc, việc điều trị tật khúc xạ mắt, cải thiện thị lực hoàn toàn là điều khả thi. Các phương pháp điều trị tật khúc xạ hiện nay rất đa dạng với các mục tiêu khác nhau như khắc phục tạm thời hoặc điều trị vĩnh viễn. Mặc dù các phương pháp này đem lại hiệu quả cao nhưng trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ một số lưu ý để đạt được kết quả điều trị tối ưu.
Menu xem nhanh:
1. Tật khúc xạ
Mắt mắc tật khúc xạ là tình trạng tia sáng chiếu vào mắt hội tụ tại 1 điểm (tiêu điểm) không nằm đúng trên võng mạc mà nằm phía trước hoặc sau võng mạc, đôi khi các tia sáng có thể hội tụ tại nhiều điểm, gây nên tình trạng mắt nhìn kém, mờ, nhòe, nhìn đôi,…
Tật khúc xạ đươc chia thành các loại tùy thuộc vào vị trí của tiêu điểm:
– Cận thị: tình trạng nhìn gần rõ, nhìn xa mờ, xảy ra khi tiêu điểm nằm trước võng mạc mắt
– Viễn thị: tình trạng nhìn xa rõ, nhìn gần mờ, xảy ra khi tiêu điểm nằm sau võng mạc.
– Loạn thị: tình trạng nhìn mờ ở mọi khoảng cách, đôi khi nhìn thấy 2 ảnh, 3 ảnh, có bóng mờ, xảy ra khi ánh sáng hội tụ tại nhiều điểm trên võng mạc.
– Lão thị: tình trạng nhìn mờ dần theo thời gian do thủy tinh thể bị lão hóa, mất đi tự điều tiết tự nhiên.
Nguyên nhân gây nên tật khúc xạ có thể do yếu tố di truyền hoặc có thể do thói quen xấu khi mắt hoạt động như để mắt làm việc với cường độ cao, thời gian lâu, không cho mắt nghỉ ngơi đúng cách, nhìn gần màn hình các thiết bị điện tử trong thời gian dài, mắt phải hoạt động ở nơi thiếu ánh sáng,…
2. Các phương pháp điều trị tật khúc xạ phổ biến
2.1 Đeo mắt kính để điều trị tật khúc xạ mắt tạm thời
Đeo kính có gọng với mắt kính phù hợp là cách đơn giản và phổ biến nhất khi muốn cải thiện thị lực do mắc tật khúc xạ.
Ở giải pháp này, thị lực của mắt sẽ được cải thiện tạm thời ngay trong khi đeo kính, tuy nhiên khi bỏ kính ra thị lực sẽ trở lại tình trạng mờ nhòe như ban đầu và không có tác dụng cải thiện dần dần. Mặc du vậy đây là giải pháp có chi phí khá hợp lý, phù hợp với mọi đối tượng vì không cần cầu kì trong các công đoạn sử dụng và vệ sinh kính.
Các thấu kính được sử dụng trong kính mắt cần được đo lường bởi bác sĩ để có độ điều chỉnh phù hợp nhất với tình trạng từng người.
2.2 Sử dụng kính áp tròng
Kính áp tròng là loại kính cải tiến hơn, không sử dụng gọng mà chỉ là một thấu kính mỏng, kích thước tương tự như tròng mắt và được đặt sát vào tròng mắt khi sử dụng. Phương pháp này có ưu điểm là đảm bảo thẩm mỹ và tiện lợi hơn cho người bệnh nhưng cần lưu ý rất kĩ trong cách sử dụng và vệ sinh thấu kính nhằm đảm bảo an toàn cho mắt khi sử dụng.
Có 2 loại kính áp tròng tương ứng với 2 mục đích khác nhau được dùng trong điều trị tật khúc xạ:
– Kính áp tròng thông thường có mục đích khắc phục tật khúc xạ mắt tạm thời, giúp người bệnh nhìn rõ nét hơn khi đeo và không có tác dụng điều trị. Kính chỉ sử dụng trong vòng 6 – 8 tiếng ban ngày.
– Kính áp tròng Ortho-K có mục đích điều trị cận thị dần dần bằng cách điều chỉnh độ cong của thủy tinh thể từng chút một trong quá trình sử dụng. Loại kính này chỉ đeo khi đi ngủ và tháo ra vào ban ngày, dùng lâu dài theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp cải thiện cốt lõi vấn đề gây nên tật khúc xạ.
2.3 Phẫu thuật điều trị tật khúc xạ mắt vĩnh viễn
Phẫu thuật xâm lấn để điều trị tật khúc xạ hiện đang ngày càng trở nên phổ biến vì khả năng điều trị tật khúc xạ vĩnh viễn một cách nhanh chóng. Có nhiều phương pháp phẫu thuật điều chỉnh với phương thức khác nhau tùy thuộc vào thể trạng của mắt và mức chi phí mà bệnh nhân muốn bỏ ra.
Phương pháp phẫu thuật thường có chi phí cao hơn so với việc đeo kính, tuy nhiên kết quả gần như là vĩnh viễn nếu như người bệnh tuân thủ tốt các hướng dẫn chăm sóc mắt hàng ngày của bác sĩ và bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho mắt mỗi ngày.
Vì đây là loại phẫu thuật đòi hỏi sự chính xác và an toàn cao để tránh rủi ro nên bệnh nhân cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín, trang bị máy móc chất lượng cao, cùng bác sĩ tay nghề vững, giỏi chuyên môn để có được kết quả tốt nhất.
3. Lưu ý khi điều trị tật khúc xạ mắt
– Theo dõi mắt thường xuyên trong quá trình điều trị bằng Ortho-K hoặc sau quá trình thực hiện phẫu thuật để phát hiện sớm những bất thường ở mắt và đi thăm khám, điều trị kịp thời.
– Kiểm soát các bệnh toàn thân mạn tính: Bệnh tiểu đường và huyết áp cao là 2 loại bệnh thường có biến chứng gây ảnh hưởng đến thị lực nếu để bệnh kéo dài và diễn biến nặng.
– Bảo vệ mắt khỏi tổn thương gây ra do tia UV có trong ánh nắng mặt trời.
– Ngăn ngừa thương tích mắt ngay cả trong những hoạt động hàng ngày bằng cách đeo kính bảo hộ.
– Bổ sung vitamin và các dưỡng chất cần thiết giúp mắt khỏe mạnh và hồi phục nhanh sau phẫu thuật.
– Ngủ đủ giấc khi điều trị cận thị bằng kính áp tròng Ortho-K để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
– Mắt bị nhược thị cần phải điều trị bài bản, đúng cách và đều đặn mới đem lại được kết quả như mong đợi.
– Cần tái khám đúng hẹn theo lịch chỉ định của bác sĩ hoặc ngay khi phát hiện bất thường tại mắt.
Tóm lại, điều trị tật khúc xạ mắt có rất nhiều phương pháp khác nhau với các mục đích và nhu cầu khác nhau. Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý rằng, đù có sử dụng phương pháp nào thì cũng cần thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh những thói quen có hại cho mắt và cần theo dõi sát sao tình trạng mắt để phát hiện sớm những bất thường để có biện pháp khắc phục kịp thời, đem lại kết quả điều trị tối ưu.