Phụ nữ có thai thường gặp phải các triệu chứng nôn, buồn nôn trong giai đoạn đầu của thai kỳ, đặc biệt trong khoảng tuần 6 đến tuần 12. Trước đây các triệu chứng này được gọi với cái tên là “ốm sáng”, nhưng hiện nay cho thấy nôn và buồn nôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày. Nguyên nhân gây ra các chứng này còn chưa rõ, tuy nhiên có thể liên quan đến thay đổi nội tiết tố, cụ thể là tăng nồng độ hormone beta-HCG. Đa số thai phụ cố gắng hạn chế các triệu chứng này bằng việc tránh các thức ăn có thể gây buồn nôn hoặc ăn lúc triệu chứng nhẹ.
Nôn nghén nặng có thể xảy ra ở số ít phụ nữ có thai và có thể gây ra mất nước, toan chuyển hóa, sụt cân và cần nhập viện. Nếu buồn nôn và nôn trở nên nặng, có thể cân nhắc sử dụng thuốc.
Menu xem nhanh:
1. Biện pháp không dùng thuốc
1.1. Bổ sung vitamin
Sử dụng các chế phẩm bổ sung vitamin trước và trong thai kỳ giúp làm giảm nguy cơ gặp triệu chứng nôn và buồn nôn nặng
1.2. Thay đổi chế độ ăn
– Chia thành nhiều bữa nhỏ (5 hoặc 6 bữa) để đảm bảo dạ dày không bị rỗng
– Tăng cường ăn các thực phẩm chứa nhiều carbohydrat, hạt quả, trái cây, bánh quy
– Hạn chế chất béo
– Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Tránh uống lượng dịch lớn cùng 1 lúc, thay vào đó hãy uống nhiều lần
– Gừng giúp ổn định dạ dày. Có thể sử dụng trà gừng, kẹo gừng để giảm cảm giác buồn nôn
1.3. Thay đổi lối sống
– Thức giấc từ từ, tránh vội vã
– Không đánh răng ngay sau khi ăn
– Nghỉ ngơi khi thấy mệt
2. Dùng các loại thuốc
Lưu ý nên khám bác sĩ sản phụ khoa để xác định các triệu chứng nôn và buồn nôn trong thai kỳ không do các nguyên nhân nào khác, không nên sử dụng thuốc tùy tiện.
- Vitamin B6 (pyridoxine) là thuốc lựa chọn đầu tay
- Doxylamine có thể được sử dụng cùng vitamin B6 nếu triệu chứng không giảm
- Một số thuốc chống nôn đã được chứng minh độ an toàn được liệt kê ở bảng dưới đây:
Bảng 1: Các thuốc chống nôn và độ an toàn trên thai kỳ
Thuốc | Kỳ đầu | Kỳ giữa | Kỳ cuối |
Cyclizine | 1 | 1 | 1 |
Promethazine | 1 | 1 | 1 |
Metoclopramide | 1 | 1 | 1 |
Domperidone | 1 | 1 | 1 |
Prochloperazine | 1 | 1 | 1 |
Hyoscine | 2 | 2 | 2 |
Sử dụng thuốc với liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn 1: Thuốc an toàn trong thai kỳ 2: Dữ liệu độ an toàn còn hạn chế 3: Không an toàn hoặc ít có kinh nghiệm về thuốc |
3. Tài liệu tham khảo
1. Peter Rubin, Margaret Ramsay (2008), Prescribing in Pregnancy 4th edition, BMJ book, page 17 – 20.
2. Tricia Taylor (2014), Treatment of nausea and vomiting in pregnancy, Australian Prescriber. Volume 37: number 2.
3. AOCG, Morning sickness: Nausea and Vomiting of Pregnancy. Truy cập ngày 26/08/2020.