Dịch cúm A H5N1 từng là một đại dịch kinh hoàng với thế giới trong quá khứ. Tại thời điểm đó, khi một người bị mắc H5N1 thì tỷ lệ tử vong rất cao, gần như không thể cứu chữa. Với sự phát triển của y học hiện nay, cúm H5N1 có thể chữa trị. Tuy nhiên chúng ta vẫn không thể chủ quan với căn bệnh này và luôn sẵn sàng với sự chuyển biến không ngờ tới của các loại virus hiện nay, bao gồm cả virus H5N1.
Menu xem nhanh:
1. Dịch cúm A H5N1 nguy hiểm như thế nào?
1.1. Định nghĩa cúm A H5N1
H5N1 là một loại virus cúm A, loại virus này được phát hiện là gia cầm và có nguy cơ truyền nhiễm rất cao, chính vì vậy mà H5N1 còn có tên gọi khác là cúm gia cầm. Điều nguy hiểm là virus H5N1 có thể lây từ gia cầm sang người. Chính điều này đã tạo nên dịch cúm A H5N1 trong quá khứ, một khi bị nhiễm bệnh thì tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%.
Đặc điểm của virus H5N1 bao gồm:
– Là loại virus có tính biến dị nhanh, khả năng sinh bệnh rất cao, gây ra tình trạng bệnh nặng ở người.
– H5N1 có chứa các gen của nhiều loại virus lây nhiễm từ các loài động vật khác nhau.
– Có khả năng bị lây nhiễm từ gia cầm sang cho con người.
– Khả năng tồn tại ở 37 độ là 6 ngày, 4 độ là 35 ngày và có thể sống trong nhiều năm ở môi trường đóng băng.
1.2. Triệu chứng của bệnh
Người bị nhiễm H5N1 có thể có những biểu hiện đáng chú ý sau:
– Cơ thể sốt cao hơn 38 độ C.
– Ho, đau rát cổ họng, đau cơ,…
– Một số trường hợp có thể xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, đau ngực, nôn ói hoặc tiêu chảy.
– Gặp các rối loạn hô hấp cấp tính như khó thở, thở gấp hoặc viêm phổi.
– Những tác động thần kinh: Co giật và xuất hiện những trạng thái tâm thần bất thường.
2. Giải đáp câu hỏi về việc điều trị cúm A H5N1
2.1. Lưu ý khi điều trị bệnh nếu mắc dịch cúm A H5N1
Các bác sĩ khuyến cáo, bạn nên đến các cơ sở y tế khi nhiễm virus H5N1 để có thể theo dõi sức khỏe nhằm xử lý kịp thời trong trường hợp bệnh trở nặng.
Trong quá trình điều trị, chúng ta cần nhớ những lưu ý sau:
– Nên nghỉ ngơi tới khi cơ thể đã hạ sốt, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thoáng khí. Nên tránh những nơi có nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh và không nên nằm trong phòng điều hòa.
– Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nên ăn những thức ăn dễ tiêu, thực phẩm lỏng, đã qua nấu chín và cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể. Tránh những đồ lạnh có thể ảnh hưởng đến cổ họng và lâu khỏi bệnh.
– Nên sử dụng nước muối sinh lý hoặc muối trắng được pha loãng có tính sát khuẩn cao nhằm vệ sinh họng từ 2 – 3 lần/ngày. Điều này giúp giảm nhanh những triệu chứng đau rát họng và viêm họng.
– Vệ sinh mũi bằng thuốc mỗi ngày, tránh bị viêm nhiễm nặng hơn.
2.2. Thuốc điều trị giúp ngăn chặn dịch cúm A H5N1
Hiện nay, những người mắc cúm A H5N1 được khuyến cáo sử dụng loại thuốc kháng virus Oseltamivir (Tamiflu) để điều trị bệnh. Tuy nhiên, cần phải sử dụng thuốc điều trị trong vòng 48 giờ kể từ khi có những triệu chứng đầu tiên, nếu không thì rất khó để hết bệnh.
Trong trường hợp thuốc Oseltamivir không có tác dụng, người bệnh cần chuyển sang loại thuốc Zanamivir (Relenza) nhằm giảm các triệu chứng của cúm A H5N1 và những biến chứng nghiêm trọng từ căn bệnh này.
Với các trường hợp sốt cao trên 38 độ, tình trạng sốt kéo dài liên tục thì nên uống loại thuốc Paracetamol. Ngoài ra, những người mắc bệnh có các triệu chứng như ho khan, ho có đờm và đau cơ khớp,… thì nên sử dụng thuốc Codein để điều trị.
Những ca nhiễm có triệu chứng bệnh nặng hoặc có dấu hiệu sốc nhiễm khuẩn sẽ được chỉ định dùng corticosteroid.
Lưu ý: Tất cả các loại thuốc kể trên đều cần được thăm khám và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để tránh trường hợp dị ứng nặng hoặc mẫn cảm với các thành phần của thuốc. Tuyệt đối không được dùng loại thuốc nhóm Salicylate để điều trị cúm A H5N1 vì có nguy cơ gây nên hội chứng Reye (một dạng hội chứng hiếm gặp của bệnh não cấp tính và gan nhiễm mỡ), đặc biệt là ở trẻ em.
3. Làm thế nào để phòng ngừa mắc bệnh cúm A H5N1?
Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có vắc xin phòng chống và thuốc điều trị đặc hiệu dành riêng cho cúm A H5N1. Do đó, để ngăn ngừa việc lây nhiễm cũng như tránh việc dịch cúm A H5N1 xuất hiện lần nữa, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân cần thực hiện các phương pháp sau:
– Không sử dụng các sản phẩm gia cầm bị ốm, đã chết và không rõ nguồn gốc.
– Đảm bảo ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn.
– Không thực hiện giết mổ, vận chuyển, mua bán những thực phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
– Nếu phát hiện có gia cầm ốm, chết mà không biết lý do, tuyệt đối không giết mổ và sử dụng thịt gia cầm đó mà phải báo với chính quyền và trung tâm y tế của địa phương ngay để được giải quyết.
– Nếu xuất hiện một số biểu hiện ho, cúm, sốt liên quan đến việc tiếp xúc với gia cầm thì cần đến cơ sở y tế uy tín để được thực hiện thăm khám ngay lập tức.
Như đã nói ở trên, cúm A H5N1 vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiêm phòng đầy đủ vắc xin cúm thông thường cũng là một biện pháp giúp phòng ngừa cúm A H5N1. Mặc dù không thể phòng chống hoàn toàn nhưng điều này có thể giúp giảm tình trạng nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh có cúm A H5N1 gây ra.
Tóm lại, cúm A H5N1 hiện vẫn đang là một căn bệnh nguy hiểm đối với con người. Do đó, nhằm ngăn ngừa dịch cúm A H5N1 quay lại, chúng ta cần thực hiện đầy đủ những biện pháp phòng tránh, tiêm vắc xin đầy đủ,… nhằm bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập bởi các căn bệnh nguy hiểm.