Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đi tiểu nhiều
Một người được cho là đi tiểu nhiều nếu số lượng nước tiểu trên 2,5 lít trong 24 giờ hoặc đi tiểu trên 8 lần/ngày hay phải thức giấc để đi tiểu hơn 1 lần trong đêm.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đi tiểu nhiều lần trong 1 ngày chủ yếu do một số nguyên nhân sau:
1.1. Do các bệnh lý về bàng quang
Bàng quang tăng hoạt: Do các cơ bàng quang hoạt động quá mức, gây nên tình trạng đi tiểu thường xuyên, nhiều lần trong ngày, mà không có cảm giác đau rát. Bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi do lão hóa, phụ nữ sinh con nhiều lần bị yếu cơ sàn chậu, phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh do thay đổi nội tiết tố hay những người trẻ thường xuyên bị căng thẳng, stress, sử dụng caffein, nicotin, các chất làm ngọt nhân tạo và rượu, bia, thuốc lá… gây kích thích thành bàng quang.
Viêm kẽ bàng quang, hội chứng kích thích bàng quang,… gây rối loạn chức năng của bàng quang hoặc bàng quang bị co thắt nhiều dẫn đến tiểu nhiều, tiểu đột ngột…
1.2. Do nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường tiểu
Khi vi khuẩn xâm nhập bàng quang qua niệu đạo gây ra mất kiểm soát bàng quang, tiểu đau, rát, đau bụng dưới, trong nước tiểu có thể có máu, sốt, lạnh…
1.3. Do mắc bệnh đái tháo đường
Dấu hiệu sớm của đái tháo đường loại 1 và loại 2 là đi tiểu nhiều, tiểu nhiều cũng xảy ra khi bệnh đái tháo đường đã biến chứng trên thần kinh kiểm soát bàng quang.
1.4. Do dùng thuốc lợi tiểu
Do dùng thuốc lợi tiểu để chữa bệnh hoặc do thói quen uống nhiều nước cũng là nguyên nhân gây ra tiểu nhiều.
1.5. Do bệnh lý tiền liệt tuyến
Tuyến tiền liệt to ra khi bị u xơ gây ức chế dòng nước tiểu và kích thích bàng quang.
1.6. Phụ nữ có thai
Các nội tiết tố do nhau thai tiết ra và do tử cung to chèn ép lên bàng quang gây ra tình trạng đi tiểu nhiều, chấn thương do sinh nở gây tổn thương niệu đạo cũng là nguyên nhân gây tiểu nhiều.
2. Làm gì để cải thiện tình trạng đi tiểu nhiều?
– Để cải thiện chứng đi tiểu nhiều, điều quan trọng nhất là xác định, điều trị sớm và đúng nguyên nhân gây bệnh. Cần khám bệnh càng sớm càng tốt, nếu để bệnh thành mạn tính sẽ gây ra những hậu quả xấu cho sức khỏe.
– Có chế độ ăn uống thích hợp, khoa học: Tránh các thức ăn có tính kích thích bàng quang hoặc có tác dụng như thuốc lợi tiểu như cà phê, bia, nước ngọt, thực phẩm có tính axit như cam, chanh, cà chua,… Ăn nhiều chất xơ như rau, trái cây… Uống đủ lượng nước cần thiết để phòng ngừa táo bón, phòng ngừa sỏi đường tiết niệu… Nên chia lượng nước phù hợp: uống nhiều vào ban ngày và ít dần về chiều tối để tránh bị tiểu đêm.
– Giữ gìn vệ sinh cá nhân: Vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài sạch sẽ hằng ngày để tránh nhiễm khuẩn đường tiểu.