Sử dụng Dextromethorphan trong điều trị tình trạng ho khan là một trong những phương pháp cơ bản và phổ biến được ứng dụng với nhiều trường hợp bệnh lý. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp người bệnh đều có thể sử dụng loại thuốc này trong điều trị. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây của TCI để hiểu hơn về thuốc cũng như có định hướng sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả cho bản thân mình.
Menu xem nhanh:
1. Giới thiệu về Dextromethorphan
1.1. Thông tin chung về thuốc Dextromethorphan
Tên quốc tế: Dextromethorphan.
Mã ATC: R05DA09.
Loại thuốc: Giảm ho khan.
Dextromethorphan là một trong những thuốc giảm ho không kê đơn phổ biến. Thuốc được sử dụng rộng rãi trong các chế phẩm điều trị chứng ho do cảm lạnh, viêm họng hoặc các kích ứng đường hô hấp khác. Với cơ chế tác động lên trung tâm ho ở hành não, Dextromethorphan mang lại hiệu quả giảm ho nhanh chóng mà hầu như không gây tác dụng phụ nghiêm trọng như các thuốc giảm ho có chứa codein.
1.2. Cơ chế tác dụng
Dextromethorphan tác động trực tiếp lên trung tâm ho tại hành não, làm giảm phản xạ ho. Mặc dù có cấu trúc hóa học tương tự morphin, Dextromethorphan không có tác dụng giảm đau và hầu như không gây tác dụng an thần. Điều này giúp Dextromethorphan trở thành lựa chọn an toàn hơn so với các thuốc giảm ho có chứa codein.
1.3. Đặc điểm dược lý
Dextromethorphan có hiệu quả cao trong việc điều trị ho khan, đặc biệt là ho mạn tính không có đờm. Thuốc không có tác dụng long đờm, do đó không không có tác dụng làm loãng và tống đờm ra ngoài để điều trị ho có đờm.
So với codein, Dextromethorphan có tác dụng giảm ho tương đương nhưng ít gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa hơn. Với liều điều trị thông thường, tác dụng giảm ho của thuốc kéo dài từ 5 đến 6 giờ.
1.4. Dạng bào chế
Dextromethorphan có nhiều dạng bào chế khác nhau, bao gồm:
– Viên nén: 2.5mg, 5mg, 7.5mg, 15mg
– Viên nang: 15mg, 30mg
– Viên nhai: 15mg
– Sirô: 2.5mg/5ml, 3.5mg/5ml, 5mg/5ml, 7.5mg/5ml, 10mg/5ml, 12.5mg/5ml, 15mg/5ml
– Hỗn dịch: 30mg/5ml
– Dung dịch uống: 3.5mg/ml, 7.5mg/ml, 15mg/ml
Trong nhiều chế phẩm, Dextromethorphan được kết hợp với nhiều hoạt chất khác nhằm phát huy công dụng tối ưu với số lần sử dụng thuốc giới hạn.
2. Dược động học
2.1. Hấp thu và phân bố
Dextromethorphan được cơ thể hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hóa. Thuốc bắt đầu có tác dụng trong vòng 15 đến 30 phút sau khi uống. Thời gian tác dụng kéo dài khoảng 6 đến 8 giờ đối với dạng thông thường và có thể lên đến 12 giờ đối với dạng giải phóng chậm.
2.2. Chuyển hóa và thải trừ
Thuốc được chuyển hóa chủ yếu ở gan thông qua enzyme cytochrome P450 isoenzym CYP2D6. Các sản phẩm chuyển hóa chính bao gồm dạng không đổi và các chất chuyển hóa demethyl, trong đó có dextrorphan cũng có tác dụng giảm ho nhẹ.
Dextromethorphan và các chất chuyển hóa của nó được bài tiết qua nước tiểu.
3. Chỉ định và liều dùng
3.1. Chỉ định
Dextromethorphan được chỉ định trong các trường hợp sau:
– Điều trị triệu chứng ho do kích thích họng và phế quản trong cảm lạnh thông thường
– Ho khan không có đờm, đặc biệt là ho mạn tính
– Ho do các kích thích đường hô hấp: Khói bụi, dị ứng, viêm mũi dị ứng.
3.2. Liều dùng
Liều dùng Dextromethorphan thay đổi tùy theo độ tuổi, cân nặng và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng bệnh của người bệnh. Trước khi dùng thuốc, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể về liều dùng.
– Trẻ em từ 2 đến 6 tuổi: 2,5 – 5 mg, 4 giờ một lần hoặc 7,5 mg, 6 – 8 giờ một lần. Tổng liều không quá 30 mg/24 giờ.
– Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: 5 – 10 mg, 4 giờ một lần hoặc 15 mg, 6 – 8 giờ một lần. Tổng liều không quá 60 mg/24 giờ.
– Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 10 – 20 mg, 4 giờ một lần hoặc 30 mg, 6 – 8 giờ một lần. không nên dùng quá 120 mg thuốc trong vòng 24 giờ.
Đối với dạng giải phóng chậm, liều dùng thường là:
– Trẻ em 2 – 6 tuổi: 15 mg, 12 giờ một lần
– Trẻ em 6 – 12 tuổi: 30 mg, 12 giờ một lần
– Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 60 mg, 12 giờ một lần
Lưu ý: Không nên sử dụng thuốc quá 7 ngày liên tục, đặc biệt đối với những người có nguy cơ suy hô hấp hoặc ho có đờm.
4. Chống chỉ định và thận trọng
4.1. Chống chỉ định
Dextromethorphan chống chỉ định với một số trường hợp như:
– Cơ thể có phản ứng phụ nghiêm trọng khi sử dụng Dextromethorphan hoặc thành phần khác của thuốc
– Người bệnh đang điều trị bằng các thuốc ức chế monoamin oxidase (IMAO)
– Trẻ em dưới 2 tuổi
4.2. Thận trọng
Cần thận trọng khi sử dụng Dextromethorphan trong các trường hợp:
– Ho có nhiều đờm hoặc ho mạn tính ở người hút thuốc lá
– Người bệnh bị hen suyễn hoặc giãn phế nang
– Người có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng suy giảm hô hấp
– Trẻ em bị dị ứng (do thuốc có liên quan đến giải phóng histamin)
– Sử dụng kéo dài với liều cao (có nguy cơ lạm dụng và phụ thuộc thuốc)
5. Lưu ý về việc sử dụng thuốc
5.1. Tác dụng không mong muốn
Mặc dù Dextromethorphan được coi là thuốc giảm ho an toàn, nhưng vẫn có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn:
– Mệt mỏi, chóng mặt
– Nhịp tim nhanh
– Buồn nôn
– Đỏ bừng mặt
– Nổi mày đay
– Buồn ngủ nhẹ
Trong trường hợp xảy ra các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng như suy hô hấp hoặc ức chế hệ thần kinh trung ương, có thể sử dụng naloxon liều 2 – 10 mg tiêm tĩnh mạch để hồi phục.
5.2. Tương tác thuốc
Dextromethorphan có thể tương tác với một số loại thuốc, do đó cần thận trọng khi sử dụng đồng thời:
– Thuốc ức chế enzyme CYP2D6 như amiodarone, haloperidol, propafenon, thioridazin, quinidin: có thể làm tăng nồng độ Dextromethorphan trong máu, dẫn đến tăng tác dụng phụ.
– Thuốc ức chế MAO: có thể gây ra các phản ứng nghiêm trọng như sốt cao, tăng huyết áp, co giật.
– Các thuốc ức chế thần kinh trung ương: có thể làm tăng tác dụng ức chế của cả hai loại thuốc.
– Linezolid: có thể gây ra hội chứng giống hội chứng serotonin.
– Memantin: có thể làm tăng tần suất và mức độ tác dụng không mong muốn của cả hai thuốc.
5.3. Sử dụng với mẹ bầu hoặc cho con bú
5.3.1. Thời kỳ mang thai
Dextromethorphan được coi là tương đối an toàn khi sử dụng trong thai kỳ. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng các chế phẩm phối hợp có chứa ethanol. Một số chuyên gia khuyến cáo nên tránh sử dụng Dextromethorphan trong thời kỳ mang thai nếu không thực sự cần thiết.
5.3.2. Thời kỳ cho con bú
Nên tránh sử dụng các chế phẩm phối hợp Dextromethorphan với ethanol cho phụ nữ đang cho con bú. Đối với các dạng đơn thuần, cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng.
5.4. Lưu ý khi sử dụng
– Không nên sử dụng Dextromethorphan quá 7 ngày liên tục nếu không có chỉ định của bác sĩ.
– Tránh sử dụng đồng thời với rượu và các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác.
– Nên uống thuốc sau bữa ăn để giảm tác dụng phụ trên đường tiêu hóa.
– Nếu ho kéo dài trên 1 tuần hoặc kèm theo sốt, phát ban hoặc đau đầu dai dẳng, cần đi khám bác sĩ.
– Cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ về tất cả các loại thuốc đang sử dụng để tránh tương tác thuốc.
Nhìn chung, Dextromethorphan là một thuốc giảm ho hiệu quả và tương đối an toàn, được sử dụng rộng rãi trong điều trị ho khan và ho kích ứng. Với cơ chế tác động trực tiếp lên trung tâm ho ở hành não, thuốc mang lại hiệu quả nhanh chóng mà không gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như các thuốc giảm ho có chứa codein. Tuy nhiên, người sử dụng cần tuân thủ đúng liều lượng và cách dùng, đồng thời lưu ý các tương tác thuốc và chống chỉ định để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị.