Xin chào bác sĩ!
Hiện em mang thai 8 tháng. Khi mang thai 4 tháng thì em bị đau khớp háng, xương mu nhưng cứ nghĩ là bình thường. Đến nay tình trạng này cũng không đỡ mà còn ngày một nặng hơn. Đặc biệt khi cử động, đứng lên, ngồi xuống là đau. Công việc của em là tiếp thị phải đi lại nhiều nên rất đau. Xin bác sĩ cho em biết, đau xương mu khớp háng là do đâu? Em xin cảm ơn! (Thanh Loan – Hà Nội)
Bạn Thanh Loan thân mến!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về chuyên mục tư vấn của Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc. Vấn đề bạn băn khoăn về đau xương mu, đau khớp háng do đâu chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Menu xem nhanh:
1. Đau xương mu khớp háng do đâu?
Hiện tượng đau xương mu, đau khớp háng khá phổ biến ở mẹ bầu. Hai bên xương chậu được kết nối bằng xương phía trước, khớp lại co dãn nhờ hệ thống dây chằng, khiến vùng xương mu bị kéo căng. Khi thai lớn dần, sức ép của thai lên xương mu lại càng lớn.
Thường là vào tuần cuối thai kỳ, đầu thai nhi xuống thấp phía dưới, xương chậu cũng dãn nở, xương mu chịu sức ép lớn hơn, cơn đau vì thế mà tăng lên nhiều lần. Mẹ bầu thấy khớp háng, xương chậu, xương mu đau ê ẩm. Sau khi sinh con xong, triệu chứng này sẽ giảm và biến mất mà không cần quá lo lắng.
Tuy nhiên, những mẹ bầu có những tổn thương ở vùng xương mu từ trước, có tiền sử thoái hóa khớp thoát vị đĩa đệm thì hay mắc phải hiện tượng này hơn. Lúc này, nên đi khám bác sĩ để được tư vấn tùy tình trạng mức độ mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp xử trí thích hợp nhất.
Với tình trạng của bạn, cơn đau ngày một nặng, khó chịu thì bạn nên đi khám kiểm tra sức khỏe để được bác sĩ tìm nguyên nhân và có chỉ định, tư vấn điều trị.
2. Lưu ý khi bị đau xương mu, đau khớp háng
Trong sinh hoạt bạn cần chú ý:
– Không nên vận động quá nhiều, đi lại ít hơn để cơ thể được nghỉ ngơi cũng như không tác động quá nhiều tới phần xương mu, khớp háng.
– Khi đứng, ngồi nên giữ lưng thẳng. Khi ngồi nên kê một chiếc gối mềm phía sau lưng.
– Nên chọn giày dép đế bằng không nên đi giày dép cao gót.
– Không nên đứng một vị trí trong thời gian quá lâu. Khi ngủ nên nằm nghiêng sang trái, giữ chân và hông hơi cong, nên sử dụng gối ôm khi ngủ cho cơ thể thoải mái nhất.
– Tăng cường bổ sung canxi bằng thuốc bổ và các thực phẩm như trứng, rau xanh…
– Không sử dụng thuốc giảm đau ảnh hưởng đến mẹ và sức khỏe của thai nhi.
– Tập luyện các bài tập cho vùng bụng, hông chậu, tập những động tác yoga nhẹ nhàng.
– Đi bộ hàng ngày tăng độ linh hoạt dẻo dai cho xương khớp.
Đau xương mu, đau khớp háng do đâu? Qua thông tin mà chúng tôi cung cấp, bạn Thanh Loan chắc rằng đã có được câu trả lời hữu ích.