Đau nửa đầu vai gáy bên trái cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Đau nửa đầu vai gáy bên trái khiến người bệnh cảm thấy khó chịu. Cơn đau lúc âm ỉ, lúc dữ dội, vùng cổ và sau gáy nóng, nhức mỏi, có cảm giác như bị điện giật. Đau có thể lan lên đỉnh đầu, vai, cánh tay, gây đau, nhức mỏi vai gáy và tê bì tay. Những người ít vận động, thường xuyên ngồi một chỗ hay làm việc sai tư thế có nguy cơ bị đau nửa đầu vai gáy cao hơn. Đây có thể là “tín hiệu” cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm mà bạn không nên chủ quan.

1. Biểu hiện cơn đau nửa đầu vai gáy bên trái

Đau nửa đầu sau gáy là đau phía sau đầu, bao gồm cả vùng cổ, vai, gáy. Cơn đau gây nhức mỏi toàn bộ vùng cổ gáy, lan lên vùng chẩm, đỉnh đầu rồi lan tỏa xuống hai bên thái dương. Đau đầu sau gáy có thể xảy ra ở một bên đầu trái (được gọi là đau nửa nửa đầu vai gáy bên trái hay đau nửa đầu vai gáy bên trái) hoặc bên đầu phải (được gọi là đau nửa đầu sau gáy bên phải).

Đau có thể kéo dài âm ỉ hoặc đau dữ dội có cảm giác như bị điện giật. Vùng cổ vai gáy bị đau có cảm giác nóng, nhức mỏi khiến người bệnh luôn muốn xoay cổ hoặc cử động để đỡ mọi. Cơn đau có thể lan tỏa lên đầu và xuống cánh tay khiến tay có cảm giác đau nhức, tê bì. Mức độ đau có thể tùy thuộc vào mỗi người, có người đau nhẹ và giảm đau sau vài giờ, có người đau dữ dội, không dứt có thể kéo dài đến vài ngày. 

Cơn đau thường sẽ giảm khi người bệnh được nghỉ ngơi, thư giãn. Đau hơn khi người bệnh phải làm việc và suy nghĩ căng thẳng. 

Đau nửa đầu vai gáy ở bên trái thường xảy ra ở dân văn phòng, những người ít vận động, căng thẳng đầu óc, ngồi sai tư thế,...

Đau nửa đầu vai gáy ở bên trái thường xảy ra ở dân văn phòng, những người ít vận động, căng thẳng đầu óc, ngồi sai tư thế,…

2. Nguyên nhân gây đau nửa đầu vai gáy

2.1 Căng thẳng đầu óc gây đau nửa đầu vai gáy bên trái

Những người làm công việc căng thẳng đầu óc thường gặp như dân văn phòng hoặc tài xế lái xe đường dài não bộ luôn phải tập trung suy nghĩ khiến đầu óc căng thẳng dẫn tới những cơn đau nửa đầu vai gáy phía bên trái.

2.2 Ít vận động, sai tư thế

Dân văn phòng, những người ít vận động hoặc phải đứng, ngồi ở một tư thế quá lâu, hay để quạt hoặc điều hòa thổi vào đầu, sau gáy rất dễ gây đau đầu. Những người nằm gối đầu quá cao, ngồi, nằm, hoạt động sai tư thế đều có nguy cơ đau nửa đầu vai gáy. 

2.3 Bệnh Migraine – bệnh đau nửa đầu

Đây là một hội chứng đau nửa đầu kèm theo đau vai gáy. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể bạn mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ hoặc thời tiết thay đổi. Phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt cũng có thể làm tăng chứng đau nửa đầu nếu mắc bệnh Migraine. 

Khi mắc bệnh đau nửa đầu Migraine, có thể đau bên trái hoặc phải. Cơn đau có thể dữ dội giật thành từng cơn kèm triệu chứng chóng mặt, mờ mắt, buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng – âm thanh, mất ngủ.

2.4 Một số bệnh lý nguy hiểm gây đau nửa đầu vai gáy bên trái

Đau nửa đầu vùng vai gáy bên trái còn có thể là “tín hiệu” cảnh báo nhiều bệnh lý như thoái hóa cột sống cổ, viêm màng não, gai cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm,…

Thoái hóa cột sống cổ

Tình trạng tổn thương (thoái hóa) sụn khớp hoặc đĩa đệm ở cột sống cổ, đặc biệt là các đốt cột sống cổ C5-C6-C7 thường hay gặp nhiều nhất, gây đau đầu, đau vai, gáy bên phải, bên trái hoặc cả hai bên. Khiến người bệnh cử động bị hạn chế, nặng có thể gây teo cơ, thậm chí là tê liệt suốt đời. 

Viêm màng não

Viêm màng não có nhiều loại, có thể do Enterovirus (virus đường ruột ),  Haemophilus influenzae túyp B (HiB), Viêm màng não do não mô cầu (N. meningitidis), Viêm màng não do phế cầu (S. pneumoniae), Viêm não do virut Herpes (virus Herpes simplex (HSV))…

Thường gặp nhất ở trẻ em. Đây là loại bệnh nguy hiểm, có thể dẫn tới những hậu quả nặng nề, thậm chí là tử vong.

Khi bị viêm màng não người bệnh thường có các biểu hiện sốt, nhức đầu, có thể nhức đầu kèm đau mỏi vai gáy, nôn, cổ cứng, lú lẫn, lơ mơ, co giật, hôn mê. Cần phải đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời. 

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây chèn ép vào rễ thần kinh, làm hạn chế lưu thông máu lên não, gây chứng đau nửa đầu, vai, gáy. Người bệnh ngoài đau đầu có thể kèm theo chóng mặt, tê bì cánh tay.

Gai đốt sống cổ

Gai đốt sống cổ cũng gây chèn ép và tổn thương các dây thần kinh đốt sống cổ, làm kích thích các thụ cảm truyền tín hiệu tới não bộ thông báo cơ thể biết cảm giác đau nhức. 

Viêm dây thần kinh sau gáy

Do một số nguyên nhân nào đó, khiến dây thần kinh tại vị trí vùng cổ, sau gáy bị tổn thương (viêm) gây đau nhức dai dẳng ở vùng cổ vai gáy. Cơn đau thường tăng lên khi thời tiết thay đổi.

Thoái hóa đốt sống cổ chèn ép dây thần kinh gây đau đầu vai gáy.

Thoái hóa đốt sống cổ chèn ép dây thần kinh gây đau đầu vai gáy.

3. Hiểu thêm về đau nửa đầu vai gáy bên phải

Ngoài ra, bạn cũng nên biết đau đầu sau gáy (đau nửa đầu vai gáy) bên phải có thể cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm về hệ thần kinh như: 

– Viêm dây thần kinh chẩm: Cơn đau thường bắt đầu từ hộp sọ, sau đó lan rộng ra sau gáy, đau dọc vùng đầu bên phải, đau sau hốc mắt và người bệnh thường nhạy cảm với ánh sáng.

– Viêm động mạch thái dương, động mạch vùng đầu và cổ: Cơn đau đầu dữ dội phía bên phải, đau hàm, nhức thái dương.

– Dây thần kinh sinh ba gặp vấn đề: Dây thần kinh sinh ba nằm ở dưới đáy não bị gián đoạn tín hiệu, điều này gây tình trạng đau dữ dội vùng đầu và mặt.

Thiếu máu não: cơn đau đầu thường âm ỉ, kèm theo một số biểu hiện như chóng mặt, choáng vàng, ù tai, nhức mỏi vùng vai gáy, suy giảm trí nhớ và tê giật đầu ngón tay.

– U não: Khối u ở não gây chèn ép dây thần kinh, gây đau nửa đầu bên phải.

Đột quỵ: Cơn đau đột ngột, dữ dội, hoa mắt chóng mặt gây mất ý thức, mất cảm giác.

4. Xử trí đau nửa đầu vai gáy như thế nào?

4.1 Có nên lạm dụng thuốc giảm đau?

Nhiều người chọn uống thuốc giảm đau để xoa dịu cơn đau, đây là một giải pháp tạm thời nhưng cơn đau có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu bạn chưa tìm được nguyên nhân và “tiêu diệt” . Hơn thế, nếu lạm dụng thuốc giảm đau quá nhiều còn có thể ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của bạn, đặc là các cơ quan như gan, thận. Khi sử dụng các loại thuốc này, bạn nên đi khám để được kê đơn bởi bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ. 

Đặc biệt không lạm dụng thuốc giảm đau, đắp lá,… khi chưa có sự tư vấn hoặc chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa thần kinh. 

Đau đầu vai gáy bên phải cảnh báo nhiều bệnh thần kinh nguy hiểm, cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Đau đầu vai gáy bên phải cảnh báo nhiều bệnh thần kinh nguy hiểm, cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm.

4.2 Cần xử trí thế nào khi bị đau nửa đầu vai gáy?

Massage, châm cứu bấm huyệt là một trong những biện pháp giúp giảm nhẹ và đẩy lùi cơn đau. Tuy nhiên nếu do các bệnh lý về thần kinh, cơ xương khớp, bạn cần thăm khám với bác sĩ về thần kinh, cơ xương khớp để tìm ra nguyên nhân mới có thể “dứt điểm” được bệnh. 

Với những người làm các công việc văn phòng, công việc ít vận động thường phải ngồi yên một chỗ cần dành thời gian đứng lên đi lại, vận động, hạn chế không ngồi ở một tư thế quá lâu.

Với những người đau cổ vai gáy do nằm gối cao, bạn cần cân nhắc nên nằm gối vừa phải để máu lưu thông lên não dễ dàng hơn, khi ngủ không nên nằm nghiêng người ở một tư thế quá lâu. 

Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, ngủ nghỉ khoa học, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên với những bài tập vừa sức. 

Thăm khám với bác sĩ khi có biểu hiện đau đầu vai gáy dữ dội và đột ngột không thuyên giảm, đau âm ỉ kéo dài trên 3 ngày không đỡ

Đau nửa đầu vai gáy bên trái là một căn bệnh thường gặp và không quá nguy hiểm. Nhưng nếu cơn đau đầu kèm theo nôn, buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sốt cao, cử động khó khăn, có tiền sử tăng huyết áp,… hoặc kéo dài quá lâu thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital