Đau nửa đầu giật từng cơn: Nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Đau nửa đầu giật từng cơn là một trong những loại đau đầu khó chịu nhất mà người bệnh gặp phải. Không chỉ vậy, hiện tượng này còn có thể là một dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể. Cùng theo dõi bài viết sau để tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu này và cách điều trị cải thiện nhé.

1. Đau nửa đầu giật từng cơn là gì?

Đau nửa đầu giật từng cơn hay còn gọi là đau nửa đầu cụm, thường xảy ra theo chu kỳ. Đây là một trong các loại đau đầu gây khó chịu nhất. Đau đầu cụm thường đánh thức người bệnh vào giữa đêm với cơn đau dữ dội hoặc đau ở một bên mắt. Đau đầu giật từng cơn có thể kéo dài từ vài tuần cho tới vài tháng.

đau nửa đầu giật từng cơn là gì?

Hiện tượng đau giật từng cơn môt nửa đầu có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn

2. Triệu chứng đau nửa đầu cụm giật từng cơn

Đau nửa đầu cụm là loại đau đầu xuất hiện đột ngột, thường không có cảnh báo. Một số trường hợp có thể xuất hiện dấu hiệu báo trước bao gồm buồn nôn và nhìn thấy vầng hào quang giống như đau nửa đầu. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khi bị đau nửa đầu bao gồm:

– Đau dữ dội phía sau đầu hoặc vùng xung quanh mắt, có thể lan tỏa ra các khu vực khác như cổ, đầu

– Đau một bên của cơ thể

– Bồn chồn

– Mắt bên bị đau sẽ bị đỏ

– Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi bên bị ảnh hưởng

– Đổ mồ hôi, da tái xanh hoặc đỏ ửng

– Sưng quanh mắt vùng bị ảnh hưởng

Sụp mí ở bên bị ảnh hưởng

Ngoài ra, người bệnh cũng xuất hiện một số triệu chứng như nhạy cảm với âm thanh hoặc ánh sáng tương tự như đau nửa đầu.

3. Nguyên nhân gây đau đầu giật từng cơn

Đau giật từng cơn ở một nửa đầu là biểu hiện điển hình của bệnh đau đầu vận mạch (Migraine). Đau nửa đầu Migraine là tình trạng đau đầu một bên dữ dội, đột ngột, có thể đi kèm các triệu chứng như buồn nôn, nôn, nhạy cảm với tiếng ồn và ánh sáng. Các cơn đau nửa đầu có thể kéo dài đến vài giờ, thậm chí trong nhiều trường hợp sẽ kéo dài đến vài ngày.

Đau nửa đầu được chia thành 2 loại chính là: đau nửa đầu tiền triệu và không tiền triệu.

3.1 Đau nửa đầu tiền triệu

Đau nửa đầu tiền triệu chiếm khoảng 10% các trường hợp. Bệnh nhân có thể sẽ xuất hiện các dấu hiệu báo trước của một cơn đau nửa đầu từ khoảng trước 30 phút với dấu hiệu: chói sáng ở mắt, thay đổi góc nhìn. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp phải một số triệu chứng ít gặp hơn: tê một bên tay hay bên mặt, mất ngôn ngữ thoáng qua… Khi các triệu chứng này biến mất thì cơn đau đầu sẽ xuất hiện.

Cơn đau nửa đầu thường khởi phát từ một bên đầu, sau đó có thể lan dần sang hai bên. Cường độ đau có thể tăng dần và trở nên dữ dội hơn, kéo dài từ khoảng 4 – 72 tiếng đồng hồ. Ngoài cơn đau đầu, người bệnh có thể đi kèm với các triệu chứng như: nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn, mùi hương, chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa. Các triệu chứng có thể thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh và ít ánh sáng.

3.2 Đau nửa đầu không tiền triệu

Ở cơn đau nửa đầu không tiền triệu, các cơn đau cũng có đặc tính giống như đau nửa đầu tiền triệu, nhưng cường độ đau có thể ít hơn. Trong cơn đau, người bệnh thường có hiện tượng căng vùng da đầu. Trên cùng một người bệnh có thể có cả hai loại đau nửa đầu có tiền triệu và không có tiền triệu này.

Ngoài ra, đau nửa đầu với triệu chứng giật từng cơn đôi khi còn là biểu hiện của một số bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như khối u não, vỡ mạch máu não… Do vậy, người bệnh cần thăm khám từ sớm ngay khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên để được chẩn đoán nguyên nhân rõ ràng, từ đó có hướng điều trị phù hợp với bản thân, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

4. Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ gây đau nửa đầu giật từng cơn có thể kể đến bao gồm:

– Giới tính: Đa phần đàn ông có khả năng bị đau nửa đầu cụm nhiều hơn so với phụ nữ.

– Tuổi tác: Hầu hết những người bị đau nửa đầu từng cơn đều nằm trong độ tuổi từ 20 – 50 tuổi, tuy nhiên, bệnh cũng có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào khác.

– Hút thuốc: Hút thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mà nó cũng đã được chứng minh là một trong những yếu tố gây ra cơn đau đầu cụm.

– Sử dụng rượu: Uống nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ đau đầu cụm và thúc đẩy quá trình đau trở nên nặng nề hơn, kéo dài hơn.

– Tiền sử gia đình: Người có người thân trong gia đình như anh chị em hoặc cha mẹ bị đau đầu cụm sẽ có nguy cơ bị đau đầu cụm cao hơn so với người khác.

Các yếu tố nguy cơ gây đau đầu từng cơn

Lạm dụng rượu bia sẽ làm khiến cơn đau nửa đầu tăng nặng hơn và tần suất xuất hiện nhiều hơn

5. Khi nào nên đi khám bác sĩ ?

Đau đầu cụm có thể không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý tiềm ẩn. Do vậy, người bệnh cần chủ động thăm khám sớm ngay khi mới bắt đầu bị đau để loại trừ các bệnh lý khác và có hướng điều trị hiệu quả, nhất là khi đau đầu đi kèm với các triệu chứng như:

– Cơn đau đầu trở nên dữ dội, đau đến không thể làm được gì

– Nhức đầu đi kèm sốt, buồn nôn, nôn mửa, co giật, tê hoặc khó nói, đây có thể là những dấu hiệu của tình trạng đột quỵ, viêm màng não, viêm não hoặc u não

– Đau đầu sau chấn thương, ngay cả khi chỉ là ngã hoặc va chạm nhẹ, đặc biệt là khi cơn đau đầu ngày càng nặng hơn

– Cơn đau đầu trở nên tồi tệ hơn sau nhiều ngày và thay đổi tính chất, chu kỳ đau

6. Điều trị đau đầu giật từng cơn bằng cách nào?

6.1 Mục tiêu điều trị đau nửa đầu giật từng cơn

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp để điều trị dứt điểm cơn đau đầu cụm. Mục tiêu của việc điều trị chủ yếu là để giảm mức độ nghiêm trọng của các cơn đau đầu theo đợt, rút ngắn thời gian đau đầu và ngăn chặn các cơn đau đầu tiếp theo. Do cơn đau này có thể xuất hiện đột ngột và giảm đi trong một khoảng thời gian ngắn, nên rất khó có thể đánh giá và điều trị chính xác.

6.2 Các phương pháp điều trị đau nửa đầu giật từng cơn

Đa phần cơn đau đầu dạng này có thể giảm khi sử dụng một số loại thuốc có tác dụng nhanh. Một số loại thuốc cấp tính cũng có thể giúp giảm đau nhanh chóng. Lưu ý, các loại thuốc này phải được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa, sau khi thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ bệnh. Bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý sử dụng khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.

Ngoài ra, thực hiện một số phương pháp thay đổi lối sống cũng giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tình trạng đau nửa đầu cụm tái phát như:

– Hạn chế sử dụng rượu bia, hút thuốc lá, các thức uống chứa chất kích thích

– Thường xuyên tập luyện các môn thể thao phù hợp với sức khỏe, ít nhất 30 phút mỗi ngày

– Giữ lịch ngủ ngày đêm đều đặn để tránh rối loạn giấc ngủ

– Chế độ dinh dưỡng khoa học, hạn chế đồ mặn, đồ dầu mỡ chiên xào, tăng cường ăn rau xanh và các loại hoa quả giàu vitamin

Điều trị đau đầu giật từng cơn

Lối sống lành mạnh là yếu tố quan trọng giúp người bệnh giảm các cơn đau đầu hiệu quả

Một số thông tin tham khảo trên hi vọng đã giúp bạn có thêm kiến thức về chứng đau nửa đầu từng cơn. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng loại đau đầu này cũng có thể gây ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt của người bệnh trong thời gian đau đầu. Vì vậy, bạn nên chủ động thăm khám từ sớm với chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán, loại bỏ các bệnh lý tiềm ẩn và có hướng điều trị phù hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital