Những dấu hiệu trẻ bị viêm phổi ba mẹ cần đặc biệt lưu ý?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI
Vào mùa lạnh, số lượng trẻ bị viêm phổi lại tiếp tục ra tăng. Đa số các trường hợp trẻ bị viêm phổi được đưa đến bệnh viện đã có các dấu hiệu của bệnh nặng, thậm chí có trẻ tử vong do viêm phổi. Đây là bệnh do virus gây ra và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ bị viêm phổi là việc làm rất cần thiết, giúp ba mẹ biết cách chăm sóc và có biện pháp xử trí tránh được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra với bé.

Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm phổi?

dấu hiệu trẻ bị viêm phổi
Bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể gây tử vong nếu ba mẹ không có biện pháp chăm sóc và xử trí kịp thời cho trẻ. (ảnh minh họa)

Virus: Đây là tác nhân chính gây bệnh viêm phổi ở trẻ em, các virus thường gặp là virus hợp bào hô hấp (RSV), virus cúm, á cúm, Adenovirus. Giao mùa khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh là thời điểm các virus này hoạt động mạnh mẽ và gây bệnh hô hấp cho trẻ trong đó có bệnh viêm phổi.

Vi khuẩn: có nhiều loại vi khuẩn có thể gây bệnh viêm phổi ở trẻ em, tuy nhiên con số này chiếm tỷ lệ nhỏ.

Ký sinh trùng, nấm: thường gặp là nấm Candida albicans gây tưa miệng có thể gây viêm phế quản phổi ở trẻ.

Các loại virus, vi khuẩn, nấm gây bệnh viêm phổi thường ẩn nấp điều kiện môi trường sau:

– Môi trường sống đông đúc, kém vệ sinh, ô nhiễm không khí trong nhà.

– Trong gia đình có người mắc bệnh lao, hút thuốc lá.

– Trẻ không được chăm sóc, nuôi dưỡng cẩn thận: trẻ không được bú mẹ, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, thiếu kẽm… , không được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.

– Trẻ đẻ non, cân nặng thấp khi sinh, dị tật bẩm sinh tại đường hô hấp, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải …

– Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột nhất là vào mùa lạnh.

Nhận biết sớm các dấu hiệu trẻ bị viêm phổi

Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi thường rất đa dạng và phức tạp, các dấu hiệu này thường dễ nhầm lẫn với các bệnh tai mũi họng, bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ và một số bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ. Tuy nhiên khi trẻ có các biểu hiện sau, ba mẹ cần lưu ý để có biện pháp xử trí tốt nhất cho bé là:

– Giai đoạn sớm: có thể chỉ có sốt nhẹ, ho húng hắng, chảy nước mắt và nước mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc…

– Giai đoạn sau: trẻ không được điều trị đúng và theo dõi sát có thể diễn biến nặng hơn với biểu hiện sốt cao, ho tăng lên, có đờm, khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi…

– Trẻ mệt mỏi, quấy khóc, có thể bị tiêu chảy, nôn, đau bụng.

dấu hiệu trẻ bị viêm phổi là ho, khò khè, khó thở
Trẻ bị viêm phổi thường rất đa dạng và phức tạp, các dấu hiệu này thường dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp trên. (ảnh minh họa)

Đặc biệt, khi trẻ bị viêm phổi việc nhịp thở của con nhanh hơn bình thường, nên việc theo dõi nhịp thở của trẻ là điều rất quan trọng giúp ba mẹ nhận biết sớm trẻ có bị viêm phổi hay không. Cách đếm nhịp thở của trẻ trong 1 phút và trẻ được coi là thở nhanh nếu:

  • Trẻ < 2 tháng tuổi, nhịp thở > 60 lần/phút.
  • Trẻ 2 – 11 tháng tuổi, nhịp thở > 50 lần/phút.
  • Trẻ 12 – 60 tháng tuổi, nhịp thở > 40 lần/phút.

Nếu nhịp thở của con đập nhanh và kèm theo một số dấu hiệu nêu trên, ba mẹ hãy lưu ý các biện pháp chăm sóc và điều trị trẻ bị viêm phổi sau đây.

Cách chăm sóc và điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ em

Hạ sốt cho trẻ

– Chườm ấm đặc biệt là các vị trí nách, bẹn, cho trẻ mặc quần áo mỏng và thoáng để thoát nhiệt nhanh chóng.

-Nếu trẻ sốt ≥ 38,5°C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol theo chỉ định của bác sĩ.

Vệ sinh và bổ sung dinh dưỡng cho trẻ

– Vệ sinh mũi miệng: Dùng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, dãi rồi vứt bỏ khăn ngay sau khi sử dụng. Nếu dùng khăn xô thì phải đặc biệt chú ý giữ vệ sinh khăn. Việc dùng đi dùng lại khăn xô đã nhiễm bẩn và không được giặt sạch sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn/ virus bám trên khăn quay trở lại cơ thể bé.

– Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ. Người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.

– Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt.

– Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn cha mẹ đã chuẩn bị.

Điều trị viêm phổi ở trẻ em

khám và điều trị bệnh viêm phế quản ở trẻ em
Chuyên khoa Nhi là đơn vị khám, chữa và điều trị các bệnh đường hô hấp ở trẻ em hiệu quat được nhiều bậc phụ huynh tin tưởng và lựa chọn. (ảnh minh họa)

Việc lựa chọn thuốc điều trị cho trẻ bị viêm phổi còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và do bác sĩ quyết định. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc giảm ho điều trị cho con tại nhà. Thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng trong trường hợp trẻ bị viêm phổi do virus. Ho là phản xạ tốt để tống xuất chất đờm ra khỏi đường thở, làm thông thoáng đường thở nên không cho trẻ uống thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay?

Khi trẻ ho, sổ mũi có kèm theo một trong những dấu hiệu sau đây, ba mẹ phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời và điều trị kịp thời.

– Trẻ khó thở, thở mệt, cánh mũi phập phồng, tím tái.

– Thở khò khè hay thở rít khi nằm yên.

– Không uống được, co giật hoặc li bì khó đánh thức.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital