Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng biến chứng của nó lại có thể nguy hiểm đến tính mạng. Khi điều trị cho trẻ, bố mẹ cần hết sức cảnh giác với các dấu hiệu thủy đậu biến chứng. Theo dõi nội dung sau để nhận biết từng loại biến chứng do thủy đậu theo biểu hiện riêng của nó.
Menu xem nhanh:
1. Những trường hợp trẻ dễ bị biến chứng thủy đậu
Bệnh thủy đậu thường xuất hiện và biến chứng ở trẻ nhiều hơn người lớn. Trong đó, trẻ sơ sinh, thiếu niên, những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc mắc bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ cao.
– Biến chứng thủy đậu ở trẻ sơ sinh cực kỳ nguy hiểm. Virus Varicella Zoster virus (VZV) gây bệnh có khả năng làm tổn thương nhiều cơ quan, khiến trẻ tử vong. Bố mẹ cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu thủy đậu biến chứng, ngăn chặn nguy cơ suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, viêm màng não, suy thượng thận, tổn thương mắt…
– Phụ nữ mang thai cũng cần chú ý ngừa biến chứng thủy đậu bởi bệnh này có thể lây từ mẹ sang thai nhi và lây nhiễm trong quá trình chuyển dạ. Nếu thai phụ bị thủy đậu khi mang bầu 20 tuần đầu, trẻ sinh ra dễ mắc một loạt các dị tật như khiếm khuyết cơ, xương, bại liệt hoặc biến dạng chân, tay, bì mù lòa, trí não kém phát triển…
– Ở thanh thiếu niên bị thủy đậu, nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A nghiêm trọng tăng gấp 40 – 60 lần. Liên cầu khuẩn nhóm A là tác nhân dẫn đến các biến chứng ở hệ thần kinh, phổi rất nguy hiểm.
Ngoài ra, những trẻ có bệnh lý bẩm sinh, sức đề kháng yếu cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn VZV nặng, dễ bị bội nhiễm, tái nhiễm, biến chứng.
2. Các biến chứng và dấu hiệu nhận biết
2.1. Dấu hiệu thủy đậu biến chứng nhiễm trùng da
Biến chứng này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào nốt mụn nước thủy đậu bị vỡ. Nó là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ phải nhập viện điều trị. Bố mẹ có thể nhận biết sớm dấu tình trạng này thông qua các biểu hiện sau:
– Ở giai đoạn toàn phát, trẻ thường xuyên đưa tay gãi, làm trầy vết mụn.
– Kèm theo đó là tình trạng sốt dai dẳng trên 38.5 độ trong vòng 3 ngày trở lên (tính từ khi bắt đầu có nốt mụn).
– Nốt mụn phát triển nhiều bất thường trên vùng da rộng, có triệu chứng tróc da, sưng tấy và mưng mủ.
– Trường hợp không xử lý kịp thời, biến chứng nhiễm trùng da sẽ để lại sẹo lõm rất mất thẩm mỹ.
– Nếu nốt mụn mọc trong họng, và nhiễm trùng sẽ gây viêm họng, viêm thanh quản, ảnh hưởng đến giọng nói của trẻ. Mụn thủy đậu ở tai bị nhiễm trùng dẫn đến viêm tai ngoài hoặc tai giữa.
2.2. Dấu hiệu thủy đậu biến chứng sang viêm não
Đây là một biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, hay gặp ở người lớn nhưng không loại trừ trẻ em. Dấu hiệu thủy đậu biến chứng sang viêm não thường xuất hiện khi mụn nước nổi lên 1 tuần.
– Trẻ sốt cao, hôn mê
– Rối loạn tri giác
– Rung giật nhãn cầu.
Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do biến chứng này là 5 – 20%. Có những trường hợp viêm não do thủy đậu không tử vong nhưng phải sống đời sống thực vật.
2.3. Viêm phổi
Biến chứng này cũng gặp nhiều hơn ở người lớn với tỉ lệ gấp 25 lần so với trẻ em. Trong đó, phụ nữ mang thai có tiền sử bị bệnh về phổi rất dễ bị. Nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ sau sinh là rất cao. Khi bị biến chứng viêm phổi, người bệnh có dấu hiệu:
– Khó thở, đau ngực, sốt.
– Ho, có thể ho ra máu.
– Trường hợp nặng, bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp, dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh nhân bị biến chứng này sau khi khởi phát dấu hiệu thủy đậu 1 tuần. Biểu hiện diễn tiến nhanh, trẻ cần được theo dõi, chẩn đoán và điều trị bằng thuốc kháng virus.
2.4. Xuất huyết
Biến chứng này ít gặp nhưng nếu xảy ra lại gây tổn thương nghiêm trọng cho trẻ. Đa phần các bé bị xuất huyết sau thủy đậu do hệ miễn dịch suy yếu. Dấu hiệu thủy đậu gây xuất huyết dễ nhận thấy là:
– Mụn nước xuất huyết thành vùng trên da, gây bầm tím.
– Tình trạng này còn xuất hiện ở hệ tiêu hóa, phổi với biểu hiện xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết phổi một cách ồ ạt.
– Khi mất máu nhiều hoặc suy hô hấp do xuất huyết, tính mạng trẻ sẽ bị đe dọa.
– Ở mức độ nghiêm trọng, virus xâm nhập vào máu, gây xuất huyết trong cực nguy hiểm.
2.5. Biến chứng viêm gan
Nhiều nghiên cứu cho biết virus gây bệnh có khả năng kích hoạt quá trình tự làm tổn thương gan ở bệnh nhân viêm gan tự miễn. Đối với biến chứng này, biểu hiện rõ nhất là sự biến đổi chỉ số men gan liên tục.
Ngoài ra, có một số trường hợp sau khi mắc thủy đậu trẻ bị rối loạn chức năng gan.
2.6. Triệu chứng thủy đậu chuyển sang Zona thần kinh
Biến chứng này hay gặp khi trẻ đã lớn và trong giai đoạn bị suy giảm sức đề kháng. Tỷ lệ bệnh nhân bị biến chứng Zona là khoảng 10 – 18% (theo CDC Hoa Kỳ).
VZV không được đào thải hoàn toàn khỏi cơ thể mà ẩn trú trong các hạch thần kinh. Khi cơ thể suy nhược, nó phát tác gây ra các nốt mụn nước lan dọc theo dây thần kinh. Người bệnh đau dữ dội từng cơn, đau ngay cả khi mụn nước đã hết.
Zona thần kinh gây viêm ở dây thần kinh vận động, làm suy yếu cơ quanh khu vực phát ban. Nếu ảnh hưởng đến dây thần kinh vùng đầu, bệnh nhân còn có biểu hiện khô mắt, ù tai, liệt một bên mặt, loét giác mạc, thậm chí gây mù lòa.
2.7. Nhiễm trùng máu
Trẻ em và người lớn đều có nguy cơ bị biến chứng nguy hiểm này. Liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn xâm nhập vào nốt thủy đậu và đi vào máu, nó làm tổn thương mô, suy nội tạng, gây tử vong nhanh chóng.
Trẻ bị viêm phổi hoặc có hệ miễn dịch suy yếu dễ bị biến chứng này. Biểu hiện nổi bật là trẻ sốt cao (lên đến 40 độ C), toàn thân nổi mụn, rét run, quấy khóc nhiều.
2.8. Hội chứng Reye
Những người dưới 18 tuổi có nguy cơ bị biến chứng này. Đây là một biến chứng dẫn đến gan nhiễm mỡ và bệnh ở não cấp tính.
Sau khi bị thủy đậu (hoặc cúm A, B), trẻ có biểu hiện sưng tấy trong gan, não. Kèm theo đó là dấu hiệu co giật, mất ý thức. Bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được can thiệp khẩn cấp. Nếu trẻ bị hội chứng Reye, bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc đặc hiệu. Lúc này người bệnh không nên sử dụng Aspirin.
Dấu hiệu thủy đậu ở từng dạng biến chứng là khác nhau. Việc nhận biết rõ triệu chứng sẽ giúp bố mẹ tìm được cách xử lý phù hợp. Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị bệnh, ngừa biến chứng thủy đậu nguy hiểm đe dọa tính mạng của trẻ.