“Thưa bác sĩ, gần đây vùng lợi trong cùng cạnh răng hàm của e có dấu hiệu sưng, đau, nứt lợi gây khó khăn trong ăn uống, nói chuyện. Bác sĩ cho em hỏi đây có phải là triệu chứng của mọc răng khôn không? và làm sao để khắc phục tình trạng này”
Khánh Hòa (Hà Nội)
Cảm ơn bạn Hòa đã gửi câu hỏi đến Hệ thống y tế của chúng tôi, chúng tôi xin được giải đáp những thắc mắc của bạn như sau:
Menu xem nhanh:
Bạn hiểu thế nào về răng khôn?
Răng khôn thường mọc tại vị trí cuối cùng của hàm răng, hay còn gọi là răng số 8 (răng cối thứ 3), sở dĩ gọi là răng khôn bởi vì răng này đặc biệt chỉ mọc khi con người bước vào độ tuổi trưởng thành, khoảng từ 18 tuổi trở đi.
Sở dĩ răng khôn mọc từ khoảng 18 tuổi trở đi và thường không có giới hạn về độ tuổi kết thúc, bởi vì nếu răng khôn mọc ngầm, mọc lệch, kẹt, nghiêng… thì răng này mọc lên rất chậm, thậm chí là không mọc lên được. Có người 60 tuổi hoặc hơn nữa vẫn có hiện tượng mọc răng khôn.
Dấu hiệu của mọc răng khôn
Răng khôn là răng khó mọc, mọc nghiêng thậm chí không mọc lên được bởi vì răng khôn mọc ở thời điểm mà hàm răng đã hoàn thiện, cung hàm đã đủ chỗ, không còn chỗ cho răng khôn mọc lên nữa. Các dấu hiệu mọc răng khôn thường gặp là:
Đau nhức bên trong răng
Những cơn đau nhức từ bên trong răng thường là dấu hiệu của mọc răng khôn, cơn đau sẽ ngày càng dữ dội và kéo dài khi răng phát triển. Trong quá trình mọc răng khôn việc nướu (lợi) bị bóc tách, nứt ra gây cảm giác đau nhức cho người mọc răng.
Thời gian mọc răng khôn thường kéo dài và có thể vài năm răng khôn mới có thể mọc hoàn chỉnh. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị tinh thần vì những cơn đau này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần.
Nướu sưng đỏ
Khi răng khôn bị mọc kẹt, không trồi lên hết được sẽ làm phần lợi phía trên và xung quanh răng bị sưng phồng lên. Đến khi răng mọc ổn định thì nướu răng sẽ trở lại bình thường.
Khó há miệng và có thể kèm theo sốt và tiêu chảy
Có những trường hợp sưng cả má, đau vùng góc hàm đến mức há miệng khó hoặc thậm chí là không há miệng ra được.
Trong thời kỳ mọc răng khôn, sinh lý toàn thân trong giai đoạn này cũng có những phản ứng với việc mọc răng như: sưng hạch tại vùng góc hàm, sốt nhẹ kèm theo rối loạn tiêu hóa…
Những lưu ý khi mọc răng khôn
Mọc răng khôn rất dễ gây sâu răng do răng khôn mọc chen chúc khiến cho thức ăn dễ bám đọng vào kẽ răng, dẫn đến việc đánh răng hàng ngày trở nên khó khăn hơn. Để hạn chế đau răng và sâu răng do mọc răng khôn cần lưu ý một số điều sau:
Đi khám nha khoa
Trong trường hợp bị sốt cao, đau nhức kéo dài hoặc răng mọc xiên, lệch cần đến bác sĩ nha khoa để được tư vấn về cách xử lý hợp lý.
Vệ sinh khoang miệng
Dùng chỉ nha khoa sau khi ăn, thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý (natri clorid 0,9%) đặc biệt là sau khi ăn vì khi mọc răng khôn, lợi sẽ bị đỏ và sưng rất dễ bị nhiễm trùng.
Đi khám nha khoa định kỳ
Đi khám nha khoa định kỳ để phát hiện sớm những bệnh lý về răng miệng và có biện pháp điều trị phù hợp.
Những triệu chứng bạn Hòa cung cấp cho thấy rất có thể do bạn mọc răng không. Tuy nhiên để xác định chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp bạn nên đến đến khám tại các cơ sở y tế.