Mất ngủ diễn ra thường xuyên, kéo dài phản ánh tình trạng sức khỏe đang gặp vấn đề. Mất ngủ nhiều khiến cơ thể mệt mỏi, không đủ năng lượng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Cùng nhận diện dấu hiệu mất ngủ để điều trị đúng hướng qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Mất ngủ là bệnh gì, có mấy loại?
Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ nhiều hình thức và triệu chứng khác nhau. Người bị mất ngủ cảm thấy uể oải, mệt mỏi, thiếu sảng khoái khi thức dậy. Giấc ngủ không đảm bảo chất lượng trong một thời gian dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, cuộc sống.
Tình trạng mất ngủ có thể chia theo 2 dạng như sau:
– Mất ngủ cấp tính – chỉ tình trạng mất ngủ không thường xuyên và không kéo dài quá 1 tháng.
– Mất ngủ mạn tính – là tình trạng mất ngủ lặp đi lặp lại nhiều lần, kéo dài từ 1 tháng trở lên.
2. Dấu hiệu mất ngủ ai cũng nên biết
Khi bị mất ngủ thường có những triệu chứng sau:
2.1 Khó vào giấc, trằn trọc – Dấu hiệu mất ngủ thường gặp
Không có dấu hiệu buồn ngủ, khó ngủ, trằn trọc thao thức mãi nhưng không thể ngủ được, đầu óc căng … là những dấu hiệu phổ biến của chứng mất ngủ. Tình trạng này có thể xuất phát từ việc ăn quá no trước khi ngủ, sử dụng thiết bị điện tử, do uống cà phê hoặc ảnh hưởng từ một số bệnh lý.
2.2 Thời gian ngủ ít, không đảm bảo cũng là dấu hiệu mất ngủ
Trung bình, giấc ngủ đủ 6-8 tiếng được coi là đảm bảo chất lượng với người trưởng thành. Đối với trẻ em cần 10-12 tiếng mỗi ngày để ngủ. Với người bị mất ngủ, người bệnh chỉ ngủ được 3-4 tiếng, nặng hơn có thể thức trắng đêm và chỉ chợp mắt được một lúc. Dấu hiệu mất ngủ này khiến người bệnh yếu sức, uể oải và dễ cáu gắt vào ngày hôm sau.
2.3 Chất lượng giấc ngủ kém
Chất lượng giấc ngủ kém thể hiện ở thời gian ngủ ít và có một số biểu hiện như:
– Ngủ không sâu giấc, rất dễ tỉnh giữa chừng
– Giấc ngủ chập chờn, lúc tỉnh lúc mê, hay ngủ mơ
– Người bệnh tỉnh dậy nhiều lần và mất nhiều thời gian để ngủ lại
2.4 Thức dậy sớm và không thể ngủ lại
Một dấu hiệu mất ngủ khá phổ biến là dậy từ sớm và không thể ngủ lại dù đã cố gắng. Có những người 3-4 giờ sáng đã dậy và ban ngày thì buồn ngủ, ngủ gật. Biểu hiện này phổ biến ở người trung niên và cao tuổi.
2.5 Mệt mỏi, uể oải sau khi thức dậy
Không đảm bảo thời gian và chất lượng giấc ngủ khiến người bệnh thấy mệt mỏi, không có sức sống và không thấy khỏe khoắn khi thức dậy. Do ngủ ít nên có cảm giác như chưa được ngủ, ban ngày dễ ngủ gật. Điều này ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt và sự an toàn của người bệnh.
3. Mất ngủ là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý gì?
Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài thì có thể là tác động của một số bệnh lý như sau:
– Bệnh viêm khớp: viêm khớp gây đau nhức, khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ của bệnh nhân.
– Bệnh tim mạch: các bệnh liên quan đến tim ảnh hưởng đến nhịp đập của tim. Đây cũng là nguyên nhân khiến giấc ngủ người bệnh không thể liền mạch.
– Các bệnh về tuyến giáp: tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc quá kém ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của cơ thể. Bệnh nhân có thể cảm thấy bồn chồn và cơ thể không thể thư giãn để chìm vào giấc ngủ.
– Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: bệnh trào ngược gây ợ nóng, vùng bụng khó chịu. Chính những triệu chứng này cản trở người bệnh có giấc ngủ ngon.
– Thay đổi nội tiết tố: khi phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, cơ thể có nhiều sự thay đổi nên dễ bị mất ngủ.
– Ngoài ra mất ngủ còn có thể liên quan đến một số bệnh lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, stress, sa sút trí tuệ…
– Chứng ngưng thở khi ngủ, ác mộng, mộng du, chứng hoảng sợ khi ngủ… cũng là nguyên nhân tác động tiêu cực đến giấc ngủ.
4. Chữa bệnh mất ngủ như thế nào?
Để chữa mất ngủ, người bệnh có thể uống thuốc theo đơn của bác sĩ hoặc sử dụng các thuốc Đông hoặc Tây y.
Bên cạnh đó có thể áp dụng một số biện pháp chữa mất ngủ không dùng thuốc bao gồm:
– Nghe nhạc nhẹ không lời, đọc sách, vẽ tranh… trước khi ngủ để não bộ được thư giãn, dễ ngủ hơn.
– Tập yoga, đi bộ nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày cũng là cách để dễ ngủ.
– Tạo không gian ngủ thoải mái, sạch sẽ, nhiệt độ và ánh sáng phù hợp, không gian yên tĩnh.
– Massage, ngâm chân bằng nước ấm trước khi ngủ.
– Tắt thiết bị điện tử, để điện thoại xa chỗ ngủ.
– Uống các loại trà thảo mộc như trà đậu biếc, trà hoa cúc, trà sen trước khi ngủ.
Nếu đã cố gắng mà tình trạng mất ngủ không cải thiện, bạn nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác tình trạng và tìm ra nguyên nhân. Không nên tự ý sử dụng thuốc ngủ, thuốc an thần tại nhà mà không theo chỉ dẫn của bác sĩ. Những loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nguy hại, khiến bệnh khó điều trị hơn.
5. Phòng ngừa mất ngủ hiệu quả
Để phòng ngừa mất ngủ, bạn có thể thực hiện một số thói quen tốt trong ăn uống và sinh hoạt như sau:
– Duy trì giờ ngủ, giờ thức đều đặn mỗi ngày, duy trì kể cả cuối tuần.
– Vận động thường xuyên để ngủ ngon và có sức khỏe tốt hơn.
– Kiểm tra các loại thuốc đang sử dụng xem chúng có gây ra chứng mất ngủ không. Trước khi sử dụng thuốc gì cũng cần xin ý kiến từ bác sĩ để đảm bảo sức khỏe.
– Không ngủ trưa quá lâu vì sẽ ảnh hưởng giấc ngủ buổi tối. Nên ngủ trưa từ 20-40 phút là lý tưởng.
– Tránh các thức uống chứa nhiều caffein, hạn chế bia rượu và chất kích thích khác.
– Không ăn quá no trước khi đi ngủ và hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ vào bữa tối.
– Nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả và lựa chọn các món giúp dễ ngủ, ngủ ngon.
– Hạn chế sử dụng TV, điện thoại, máy tính, ipad trước khi đi ngủ.
Việc chăm sóc và đầu tư cho giấc ngủ cần thực hiện đều đặn mỗi ngày để có một giấc ngủ ngon hơn, sâu hơn. Mất ngủ kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần, lâu dài sẽ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm. Do đó nên thăm khám và điều trị tại khoa Nội thần kinh khi các dấu hiệu mất ngủ ngày càng nghiêm trọng.