Gãy xương cẳng tay rất thường gặp trong ngoại khoa và chủ yếu nguyên nhân là do chấn thương tai nạn giao thông, tai nạn lao động hay trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu sơ cứu ban đầu kịp thời và đúng cách có thể giảm được 70% biến chứng do gãy xương cẳng tay gây ra. Nếu chậm trễ hay sai cách dễ để lại di chứng tàn phế suốt đời, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Các dạng gãy xương cẳng tay có thể xảy ra
Gãy xương được chia thành 3 dạng đó là: gãy xương kín, gãy xương hở và gãy xương lún.
– Gãy xương kín là xương bị gãy nhưng phần da bên ngoài nơi gãy không bị tổn thương.
– Gãy xương hở là xương gãy và phần da bên ngoài cũng bị tổn thương do đầu xương gãy đâm ra. Thường xảy ra ở tay, chân.
– Gãy xương lún được hiểu là khi hai xương va vào nhau làm xương gãy bị ép ngắn lại. Thường xảy ra ở cột sống.gãy xương cẳng tay
Gãy xương cẳng tay thường gặp hai dạng là gãy xương kín và gãy xương hở.
– Gãy xương kín: xương bị gãy mà ổ gãy không thông với bên ngoài.
– Gãy xương hở: xương bị gãy mà ổ gãy thông với bên ngoài. Trong đó, gãy xương hở nguy hiểm hơn gãy xương kín vì nguy cơ nhiễm trùng cao.
2. Dấu hiệu nhận biết gãy xương cẳng tay
Tại vị trí bị gãy sẽ xuất hiện cảm giác sưng, đau, bầm tím, biến dạng, có thể mất chức năng vùng bị thương, xương nhô ra ngoài,… Khi thấy có dấu hiệu này, người bệnh cần được đưa ra khỏi vùng nguy hiểm, tiến hành sơ cứu và đưa đến cơ sở y tế để được hỗ trợ.
3. Sơ cứu tạm thời khi bị gãy
3.1 Nguyên tắc cố định tạm thời khi bị gãy xương cẳng tay
Phải cố định được cả khớp trên và khớp dưới ổ gãy
Không được đặt nẹp cứng sát vào chi gãy
Không được co kéo nắn chỉnh ổ gãy
Phải cố định nẹp vào chi tương đối chắc
3.2 Hướng dẫn kỹ thuật cố định tạm thời khi bị gãy xương cẳng tay
Các loại nẹp thường dùng để cố định tạm thời xương gãy đó là: nẹp tre, nẹp gỗ, nẹp crame, băng cuộn (dây to bản). Bông sử dụng đó là loại bông không thấm nước.
Đối với trường hợp gãy xương hở, điều đầu tiên là cần cầm máu cho vết thương, sau đó băng kín vết thương, rồi mới nẹp cố định xương gãy.
Đầu tiên bạn dùng 2 nẹp tre hoặc nẹp Crame. Đặt 1 nẹp (nẹp ngắn) ở phía trước cẳng tay (phía lòng bàn tay) từ bàn tay đến nếp khuỷu. Đặt nẹp còn lại ở phía sau cẳng tay (phía mu bàn tay) từ khớp ngón tay đến mỏm khuỷu. Sau đó, dùng băng cuộn buộc một đoạn ở cổ tay và bàn tay, một đoạn ở trên và dưới nếp khuỷu tay để cố định cẳng tay, bàn tay vào nẹp. Tiếp đến dùng khăn tam giác hoặc cuộn băng treo cẳng tay ở tư thế gấp 90 độ treo ngay trước ngực.
Cần lưu ý rằng các thao tác trên phải được thực hiện đúng kỹ thuật. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm hoặc không chắc chắn thì cần liên hệ cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Hoặc nên chủ động đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán đúng, sơ cấp cứu và điều trị kịp thời.
4. Những điều cần lưu ý sau khi sơ cứu gãy xương
Động viên an ủi người bệnh trong qua trình tiến hành.
Cho người bệnh nằm hoặc ngồi.
Vận chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng, theo dõi thường xuyên tình trạng và tuần hoàn chi gãy và ủ ấm khi trời lạnh, phòng tránh sốc.
Chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất (nếu nạn nhân ở nơi không có nhân viên y tế sơ cứu).
5. Chẩn đoán và điều trị
Để chẩn đoán gãy xương cẳng tay tương tự như chẩn đoán gãy xương nói chung, ngoài thăm khám lâm sàng thì cận lâm sàng cần chụp X quang, cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ để xác định vị trí và mức độ gãy.
Phương pháp xử trí (điều trị) đó là bó bột hoặc nẹp cố định, phẫu thuật nếu cần và phục hồi chức năng sau điều trị.
6. Mối liên hệ giữa mật độ xương và nguy cơ gãy xương
Mật độ xương phản ánh tình trạng xương cũng như mức độ loãng xương. Nếu một người nào đó có mật độ xương càng cao thì nguy cơ loãng xương càng thấp (xương càng chắc khỏe) và nguy cơ gãy xương càng thấp.
Ngược lại, nếu mật độ xương thấp hơn bình thường so với độ tuổi thì nguy cơ loãng xương tăng lên và xương dễ gãy hơn.
Để đo mật độ xương các chuyên gia thường áp dụng phương pháp DXA. Dựa trên 2 chỉ số là điểm T và điểm Z, bác sĩ sẽ đánh giá được mật độ xương và chẩn đoán sớm được tình trạng loãng xương (nguy cơ gãy xương) ở người bệnh. Hiện nay, tình trạng loãng xương rất phổ biến do chế độ ăn uống chưa khoa học, ít vận động, độ tuổi và bệnh lý nên các chuyên gia khuyến nghị người dân nên đo khối lượng xương (đo mật độ xương) trong những buổi khám sức khỏe. Can thiệp sớm khi phát hiện loãng xương sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ gãy xương, đặc biệt là khi bạn đang ở độ tuổi trung niên hoặc cao tuổi.
7. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình liền xương
Các yếu tố tại chỗ: như mức độ chấn thương tại chỗ: các tổ chức phần mềm quanh xương bị tổn thương nhiều thì liền xương chậm; mức độ mất xương: mất chất xương quá nhiều, xương bị chậm liền; mức độ bất động: nắn nhiều lần, bất động kém sẽ chậm liền, tạo thành khớp giả; sự nhiễm khuẩn; tình trạng ác tính tại chỗ; các bệnh 4 lý tại chỗ khác: Paget, bệnh loạn sản xơ; hoại tử xương do chiếu tia xạ; có tình trạng vô mạch; gãy nội khớp khó liền.
Các yếu tố toàn thân: Tuổi càng lớn liền càng chậm; các hormone: corticosteroid, hormone vỏ thượng thận ức chế sự liền xương gãy, hormone tăng trưởng giúp liền xương, các hormone khác (hormone giáp trạng, insulin, vitamin A, vitamin D liều sinh lý, các hormone đồng hóa,…) giúp liền xương nhanh. Ngược lại, đái tháo đường, thiếu thừa vitamin D, thừa vitamin A, còi xương, … gây chậm liền xương.