Mọi người đều biết mang thai thường đi kèm với những thay đổi cơ thể đáng kể. Vậy thì việc mang thai khi cho con bú có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ và bé không? Dấu hiệu có bầu sau sinh là gì?
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu có thai khi đang cho con bú
Rất nhiều chị em thường lầm tưởng rằng trong thời gian cho con bú mà kinh nguyệt chưa xuất hiện trở lại thì chưa thể có thai, nhưng đây là một suy nghĩ hết sức sai lầm. Với những phụ nữ không nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thì khoảng 6-10 tuần sau sẽ có kinh nguyệt trở lại. Còn đối với những chị em nuôi con bằng sữa mẹ thì kinh nguyệt sẽ trở lại sau sinh khoảng 4-6 tháng, thậm chí là 1 năm. Đồng thời trứng có thể rụng trước khi chị em có kinh nguyệt trở lại, nên nếu chị em chủ quan không sử dụng biện pháp phòng tránh thai khi quan hệ vợ chồng thì rất dễ có thai trong khi vẫn đang cho con bú.
Nhìn chung dấu hiệu có thai khi đang cho con bú không khác biệt nhiều so với các dấu hiệu mang thai bình thường, nhưng đôi khi chị em thường chủ quan và nghĩ rằng đó là những dấu hiệu cơ thể mệt mỏi do đang trong thời gian nuôi “con mọn”. Bởi vậy nếu như chị em đang trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ mà có các dấu hiệu điển hình sau thì nên lưu ý nhé, bởi vì rất có thể mẹ lại sắp chào đón thiên thần nhỏ tiếp theo đấy.
1.1. Đau ngực dữ dội
Đây là một trong những dấu hiệu có thai khi đang cho con bú. Đối với phụ nữ bình thường khi có thai ngực chỉ đau nhẹ, nhưng có thai khi đang cho con bú thì mức độ đau sẽ dữ dội hơn nhiều, có thể đau tới mức mẹ không muốn cho bé bú tiếp. Dấu hiệu này nhiều mẹ thường nhầm lẫn với việc bị viêm tắc tia sữa. Nhưng nếu khi massage bầu ngực, tia sữa thông mà ngực mẹ vẫn chưa hết đau thì hãy nghĩ tới khả năng mình đang mang thai.
Nguyên nhân của việc đau ngực dữ dội là do sự thay đổi hormone khiến bầu ngực bị cương cứng, đặc biệt khi em bé bú sữa sẽ khiến các cơn đau tăng nặng và khó chịu hơn.
1.2. Mệt mỏi cực độ
Mẹ cảm thấy năng lượng trong cơ thể mình giảm đi rõ rệt, khiến mẹ không còn đủ sức lực để làm gì cả thì hãy cảnh giác, đây có thể là dấu hiệu mẹ đã mang thai. Nguyên nhân là do cơ thể người mẹ sẽ phải làm việc gấp nhiều lần bình thường để đáp ứng cho em bé đang bú mẹ, đồng thời phải gồng lên để cung cấp dưỡng chất cho thai nhi mới hình thành trong bụng và còn phải đối mặt với các triệu chứng thai nghén khác nữa.
1.3. Chuột rút thường xuyên
Nếu như chị em cảm thấy mình thường xuyên bị chuột rút với tần suất ngày càng tăng thì hãy nghĩ đến khả năng mình có thể đã mang thai.
1.4. Bé không hứng thú với sữa mẹ
Sở thích bú sữa mẹ của bé đột nhiên thay đổi, bé giảm bú, bỏ bú, hoặc bị tiêu chảy khi bú sữa mẹ thì mẹ nên lưu ý vì đây có thể là một trong những dấu hiệu có thai đấy. Nguyên nhân là khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể mẹ thay đổi dẫn đến sự thay đổi mùi vị sữa mẹ. Sự thay đổi này bé sẽ là người đầu tiên cảm nhận được, có bé nhạy cảm thì sẽ bỏ bú nhưng có nhiều bé thì vẫn bú mẹ như bình thường.
2. Triệu chứng có thai khi cho con bú là gì?
Bên cạnh các dấu hiệu mang thai khi đang cho con bú điển hình như đã kể trên thì mẹ sẽ gặp những dấu hiệu có thai bình thường khác như ốm nghén, đau lưng, chóng mặt, xuất hiện máu báo thai, thay đổi về làn da. tâm trạng trở nên cáu gắt… Tuy nhiên cũng có những chị em lại không có triệu chứng nào rõ rệt và chỉ phát hiện ra mang bầu khi thấy bụng ngày một to lên.
2.1. Buồn nôn và nôn
Ốm nghén là tình trạng hay gặp ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, bao gồm các triệu chứng như buồn nôn, nôn, mất ngủ, chán ăn, nhạy cảm với mùi… Nếu mẹ không thấy có kinh nguyệt và có dấu hiệu nôn ói vào buổi sáng thì có thể mẹ đã thụ thai. Tuy nhiên tình trạng nôn và buồn nôn cũng có thể do mẹ bị nhiễm virus, bị ngộ độc thực phẩm hoặc bị một số bệnh về đường tiêu hóa. Vì vậy nếu nghi ngờ mình có thể có thai thì mẹ nên đến cơ sở y tế để kiểm tra cụ thể.
2.2. Xuất hiện đốm máu
Trứng sau khi được thụ tinh sẽ di chuyển và làm tổ tại buồng tử cung. Trong quá trình bám vào lớp niêm mạc tử cung sẽ làm xuất hiện các đốm máu nhỏ, còn được gọi là máu báo thai.
2.3. Đi tiểu thường xuyên
Khi thai nhi phát triển, tử cung bắt đầu mở rộng ra và chèn ép lên bàng quang khiến cho bộ phận này không thể giữ được nhiều nước tiểu vì thế sẽ thúc đẩy nhu cầu đi tiểu nhiều hơn. Đi tiểu nhiều hơn là một trong những triệu chứng thường gặp trong thai kỳ nhưng cũng có thể là dấu hiệu của những căn bệnh khác như là bệnh tiểu đường, nhiễm trùng thận, viêm đường tiết niệu, rối loạn chức năng bàng quang… hoặc đơn giản là kết quả của việc uống nhiều nước hay uống thuốc lợi tiểu. Nếu mẹ đang gặp tình trạng đi tiểu nhiều lần kèm theo một trong các dấu hiệu mang thai như đã kể trên thì nên tới gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất để xác định chính xác nhé.
2.4. Thay đổi của làn da
– Xuất hiện đường Nigra: Đường Nigra là một đường sọc nâu trên bụng xuất hiện vào khoảng tuần thứ 23 của thai kỳ. Nó bắt đầu từ phía trên vùng kín và chạy thẳng đến rốn. Nguyên nhân của việc xuất hiện đường Nigra là do tác động của hormone estrogen khiến cơ thể mẹ sản xuất nhiều melanin, khiến da tối màu và sậm màu hơn. Đây là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên của thai kỳ và mẹ có thể yên tâm rằng đường này sẽ dần biến mất sau sinh. Vì thế nếu mẹ thấy đường Nigra xuất hiện trở lại thì đây là dấu hiệu cho thấy mẹ đang mang thai lần nữa.
– Nám da: Nám da hay còn gọi là chloasma (mặt nạ thai kỳ) là tình trạng mẹ có những mảng da sẫm màu trên mặt. Giống như đường Nigra, đây là do tác động của các hormone thai kỳ đối với sắc tố của da, khiến cơ thể sản xuất nhiều melanin. Loại sắc tố này khiến da tối màu và sậm màu hơn, thường xảy ra quanh núm vú, môi âm hộ và đường sọc Nigra giữa bụng.
– Rạn da: Rạn da xuất hiện do việc đứt gãy mô liên kết dưới lớp trung bì của da, thường gặp ở những vùng tích tụ chất béo như ngực, hông, đùi, mông, lưng dưới. Nguyên nhân gây nên hiện tượng này là bởi việc tăng cân nhanh khiến độ đàn hồi của da đạt tới giới hạn, làm cho các sợi collagen và các lớp đàn hồi của da bị phá vỡ.
3. Điều gì xảy ra nếu có thai trong khi cho con bú?
Rất nhiều mẹ bầu có suy nghĩ rằng nếu có thai trong khi cho con bú thì cần phải cai sữa ngay để tránh cho bé bị ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, nhưng theo các chuyên gia thì điều này không cần thiết. Cơ thể người mẹ sẽ vẫn tiếp tục tiết sữa trong suốt thời gian mang thai bé tiếp theo, việc tiếp tục cho bé lớn bú hoàn toàn không gây vấn đề nào cho sức khỏe của mẹ, bé lớn hay thai nhi trong bụng. Tuy nhiên, sự thay đổi của các hormone khi mang thai có thể khiến đầu ngực của mẹ bị kích thích, cương đau vì thế làm cho quá trình cho bé lớn bú trở nên khó khăn hơn bình thường.
Khi mang thai đến tam cá nguyệt thứ 2 hoặc tam cá nguyệt thứ 3, ngực mẹ bắt đầu tiết ra sữa non – loại sữa giàu dinh dưỡng và vô cùng cần thiết đối với trẻ sơ sinh. Điều này sẽ khiến mùi vị cũng như lượng sữa tiết ra sẽ có sự thay đổi nhất định. Trong trường hợp này, một số trẻ sẽ bỏ bú mẹ, một số khác sẽ tiếp tục bú mẹ như bình thường. Nếu trẻ tiếp tục bú, mẹ không nên lo lắng rằng nguồn sữa non có thể bị cạn bởi cơ thể mẹ sẽ tiết ra loại sữa đặc biệt này cho đến khi em bé đang ở trong bụng chào đời. Như vậy cả 2 bé đều được hưởng nguồn dinh dưỡng tuyệt vời từ sữa mẹ.
4. Có thai trong khi cho con bú an toàn không?
Khi cho bé bú mẹ, hormone oxytocin – có khả năng kích thích tử cung được giải phóng. Hầu hết chị em đều lo lắng rằng loại hormone này có thể gây ra hiện tượng co bóp tử cung và không an toàn cho thai kỳ. Tuy nhiên, hormone oxytocin thường được sinh ra với lượng rất nhỏ trong quá trình cho con bú. Vì thế nếu thai nhi bình thường thì những cơn co bóp này là vô hại, khó có thể gây ra tình trạng sảy thai. Mặc dù cho con bú khi mang thai được coi là an toàn nhưng mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Thai kỳ có nguy cơ cao hoặc có nguy cơ sinh non
- Tiền sử chuyển dạ sớm hoặc sảy thai
- Đang mang đa thai
- Đang bị chảy máu hoặc đau tử cung
5. Nuôi con bằng sữa mẹ ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?
Như đã chia sẻ ở trên, việc cho con bú trong thời gian mang thai khá an toàn nhưng việc vừa phải nuôi con nhỏ, vừa phải đối mặt với những thay đổi về sức khỏe, tâm lý trong thời gian mang thai sẽ khiến mẹ mệt mỏi gấp nhiều lần. Mẹ nên xác định trước tư tưởng rằng mình sẽ trải qua nhiều khó khăn do không có sự chuẩn bị từ trước.
Lời khuyên dành cho mẹ lúc này chính là hãy điều chỉnh một chút về chế độ dinh dưỡng cũng như nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe của mẹ, nguồn sữa cho bé lớn và nuôi dưỡng thai nhi trong bụng.
6. Có thai khi đang cho con bú – mẹ cần lưu ý gì?
6.1. Ăn uống đủ chất
Hãy nhớ lúc này mẹ đang nuôi cả 3 người nên chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Nếu mẹ không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng mà vừa cho con bú, vừa mang thai thì bé lớn sẽ còi cọc mà thai nhi cũng phát triển không tốt. Vì thế ngay từ những ngày đầu phát hiện có thai, mẹ hãy tăng cường các thực phẩm giàu đạm, chất đường, chất béo, vitamin và các khoáng chất cần thiết. Bên cạnh đó, mẹ nên bổ sung sắt, axit folic và canxi để đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Tùy vào độ tuổi của bé đang bú mẹ mà lượng calorie mẹ cần bổ sung sẽ khác nhau. Nếu bé dưới 6 tháng tuổi và đang bú mẹ hoàn toàn thì mẹ cần bổ sung khoảng 650 calorie/ngày và thêm khoảng 500 calorie/ngày nếu bé đã ăn được các thức ăn khác. Vào 3 tháng giữa thai kỳ mẹ bầu cần nâng lượng calorie cần bổ sung thêm 350 calorie và 450 calorie trong 3 tháng cuối.
Nếu mẹ bị nghén thì nên chia nhỏ các bữa ăn, ăn ít nhưng ăn làm nhiều lần, ăn vặt thêm các loại bánh quy, ngũ cốc, trái cây… để tránh bị thiếu chất làm ảnh hưởng đến bé đang bú mẹ và thai nhi trong bụng.
6.2. Theo dõi chặt chẽ sự phát triển của em bé đang bú mẹ
Nếu bé đang bú mẹ dưới 6 tháng tuổi và phụ thuộc vào sữa mẹ hoàn toàn thì mẹ hãy chú ý đến bất kỳ thay đổi nào trong việc bú mẹ của bé. Bởi sự thay đổi của các hormone trong thai kỳ có thể làm thay đổi lượng sữa tiết ra và mùi vị của sữa, khiến bé bú ít hoặc bú không đủ, từ đó ảnh hưởng về sự phát triển cũng như cân nặng của bé.
6.3. Giữ tinh thần thoải mái
Có rất nhiều mẹ rơi vào tình trạng căng thẳng, lo âu vì có thai khi đang cho con bú. Tuy nhiên mẹ nên biết rằng đây là tình trạng khá phổ biến và không gây nguy hiểm gì cho cả 3 mẹ con. Vì thế mẹ hãy luôn lạc quan, vui vẻ, giữ cho mình một trạng thái tinh thần thoải mái để giữ cho nguồn sữa mẹ luôn được dồi dào và tốt cho sự phát triển của thai nhi trong bụng.
6.4. Cố gắng nghỉ ngơi nhiều hơn
Nếu quyết định cho con bú khi đang có thai chắc chắn sẽ khiến mẹ mệt mỏi hơn bình thường. Mẹ hãy tự chăm sóc mình bằng cách nghỉ ngơi thật nhiều, tránh thức khuya, tránh làm việc nhiều, nhờ người thân giúp đỡ các vấn đề về việc nhà, mua sắm, nấu ăn… “Nuông chiều” bản thân một chút trong giai đoạn này sẽ giúp mẹ tránh tình trạng căng thẳng hoặc kiệt sức vì cho con bú khi đang mang thai.
6.5. Chia sẻ với người thân
Áp lực nuôi con nhỏ chưa hết mẹ đã phải đối mặt với sự mệt mỏi do mang thai. Để tâm lý thoải mái, mẹ hãy chia sẻ với chồng và người thân. Có sự giúp đỡ và ủng hộ từ gia đình sẽ khiến mẹ vững tâm hơn rất nhiều khi tiếp tục phải đối mặt với giai đoạn thai kỳ 9 tháng 10 ngày sắp tới.
6.6. Khám thai định kỳ
Ngoài việc lưu ý đến chế độ dinh dưỡng khi cho con bú trong thai kỳ mẹ cần lưu ý thăm khám định kỳ, ít nhất mỗi tháng 1 lần trong suốt 7 tháng đầu để đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh. Đồng thời trong những lần khám thai này, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ chế độ sinh hoạt khoa học để mẹ khỏe và đảm bảo sự phát triển tốt nhất của cả 2 bé.
Việc cho con bú khi đang mang thai quả thực là việc không dễ dàng, đòi hỏi sự quyết tâm, tình thương rất lớn từ người mẹ, dựa trên những cân nhắc về lợi ích cho những đứa trẻ và cho chính người mẹ.các vấn đề sau sinh