Đau dạ dày râm ran tưởng là “nhẹ” nhưng mãi không khỏi

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Khi gặp phải cơn đau dạ dày râm ran nhiều người mang tâm lý chủ quan coi nhẹ mà bỏ qua. Tuy nhiên, bệnh tưởng “nhẹ” nhưng lại dễ tái đi tái lại ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của người bệnh.

1. Đau dạ dày râm ran là gì?

Những cơn đau dạ dày ở mức độ nhẹ, thoáng qua được gọi là đau râm ran. Đây là tình trạng chung gặp phải ở rất nhiều người, cơn đau thường tái đi tái lại và có thể đến từ nhiều nguyên nhân là:

– Do thói quen ăn uống không được hợp lý, chế độ ăn uống không khoa học.

– Do nhiễm khuẩn HP dương tính – đây cũng là nguyên nhân gây bệnh dạ dày hàng đầu.

– Do sử dụng liên tục các nhóm thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh điều trị bệnh.

– Người uống nhiều bia rượu và sử dụng các loại thuốc/chất kích thích.

– Người hút thuốc lá.

– Do căng thẳng kéo dài, làm việc mệt mỏi quá độ.

Đối với cơn đau dạ dày nhẹ râm ran, các triệu chứng theo kèm cũng không quá rõ ràng. Thường gặp là những cơn đau bụng vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, cảm giác buồn nôn nhẹ, chán ăn, ăn khó tiêu,…

Tuy nhiên, cơn đau có xu hướng dai dẳng, khó dứt điểm và nếu không xử lý đúng cách bệnh sẽ tái đi tái lại và mức độ đau tăng dần. Không ít người bệnh phải “bất lực” và có suy nghĩ chấp nhận “sống chung” với đau dạ dày.

Đau dạ dày râm ran là gì

Đau dạ dày thoáng qua với mức độ nhẹ xảy ra rất thường xuyên ở mọi đối tượng.

2. Xử lý cơn đau dạ dày đúng cách

2.1. Nguyên tắc điều trị đau dạ dày râm ran

Đau dạ dày tưởng chừng đơn giản nhưng rất dễ tái phát. Chính vì vậy, việc điều trị bệnh cần tuân thủ đầy đủ các bước mới mang lại hiệu quả tốt nhất và nhanh chóng dứt điểm bệnh. Nguyên tắc chung chữa bệnh dạ dày cần đảm bảo các yêu cầu sau đây:

– Thực hiện thăm khám chuyên khoa để chẩn đoán đúng bệnh, xác định rõ nguyên nhân bệnh.

– Lên đúng phác đồ điều trị chuyên biệt phù hợp với từng người.

– Tuân thủ đúng được chỉ định, thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.

2.2. Áp dụng các mẹo giảm đau dạ dày râm ran nhanh tại nhà

Bạn có thể áp dụng một số mẹo nhanh để giảm triệu chứng đau dạ dày cũng như hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả ngay tại nhà như sau:

– Chườm nóng: Chườm bằng nước nóng hoặc chườm bằng muối rang nóng sẽ giúp làm dịu cơn đau vùng thượng vị ở người đau dạ dày.

– Massage vùng bụng: Massage xung quanh vùng rốn theo chiều kim đồng hồ sẽ giúp cải thiện tốt các triệu chứng đau vùng thượng vị, cảm giác khó tiêu và đầy hơi.

– Ăn bánh mì, bánh quy: Một lát bánh mì hoặc bánh quy cho các bữa phụ hoặc ăn trong bữa chính có hiệu quả giảm hoạt động của acid dạ dày, nhờ đó giảm nhanh các triệu chứng đau dạ dày. Lưu ý, ngay cả những lúc không đau, bạn cũng nên duy trì thói quen này sẽ giúp ích cho hệ tiêu hóa.

– Uống một cốc nước ấm hoặc sữa ấm: Nước ấm hoặc sữa ấm rất tốt cho người bệnh đau dạ dày, nhất là với những cơn đau dạ dày râm ran. Nếu có thể hãy ưu tiên uống sữa ấm vì sữa sẽ tạo thành lớp bảo vệ tự nhiên nơi vùng tổn thương, giúp người bệnh nhanh chóng cảm thấy dễ chịu hơn.

Massage khi bị đau dạ dày

Massage là liệu pháp vật lý trị liệu rất tốt trong việc giảm nhanh các cơn đau dạ dày.

2.3. Duy trì một lối sống sinh hoạt, ăn uống khoa học

Chế độ ăn và sinh hoạt có ảnh hưởng quyết định tới quá trình điều trị đau dạ dày cũng như cải thiện các triệu chứng bệnh. Ngay cả khi bạn không gặp phải các vấn đề bệnh dạ dày cũng cần thực hiện lối sống lành mạnh cùng chế độ ăn khoa học để phòng bệnh hiệu quả.

Một số lưu ý như sau:

– Xây dựng thực đơn hợp lý, đủ dinh dưỡng. Nên bổ sung đủ chất xơ và vitamin sẽ tốt hơn cho các hoạt động đường tiêu hóa.

– Ăn đủ bữa, đúng giờ.

– Ăn sáng đầy đủ, không ăn quá khuya.

– Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, không để bụng phải quá đói hoặc ăn quá no vào một bữa.

– Tập trung ăn chậm, nhai kỹ.

– Cân đối thời gian nghỉ ngơi và làm việc, luôn giữ tinh thần thoải mái, tích cực.

– Không thức khuya.

– Cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc có tác dụng giảm đau. Tốt nhất nên tham khảo thật kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc từ bác sĩ.

– Bỏ thuốc lá, hạn chế việc uống nhiều bia rượu.

– Duy trì thói quen vận động điều độ như chạy bền, yoga, đạp xe, bơi lội,…

Mẹo giảm đau dạ dày hiệu quả

Thực hiện lối sống lành mạnh và chế độ ăn khoa học sẽ giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày.

3. Khi nào cần chủ động thăm khám bác sĩ

Với các trường hợp đau dạ dày do chế độ ăn hay do căng thẳng mệt mỏi quá độ có thể tự điều chỉnh lại cho hợp lý, cơn đau cũng nhanh chóng được thuyên giảm. Tuy nhiên với cơn đau dạ dày có xu hướng trở nặng, số lần tái phát thường xuyên hơn và mức độ đau tăng dần thì người bệnh cần chủ động thăm khám sớm.

Cụ thể, khi có những biểu hiện dưới đây thì bạn hãy đến ngay các địa chỉ y tế uy tín, thăm khám chuyên khoa tiêu hóa càng sớm càng tốt để được hướng dẫn xử lý đúng cách, tránh hệ quả gây ra các biến chứng nguy hiểm.

– Cơn đau đột ngột, dữ dội

– Đổ mồ hôi

– Khó thở, tức ngực

– Nôn ra máu hoặc trong phần dịch nôn ra có màu nâu đen

– Nôn ói kèm tiêu chảy liên tục, tình trạng  kéo dài trên 2 ngày

– Phân đen, có thể có dính thêm cả máu

– Khó đi tiêu, đi tiểu

– Chán ăn

– Bị sút cân nhanh và không rõ nguyên nhân, không theo chủ đích

– Vàng da

Đừng chủ quan với những cơn đau dạ dày râm ran tưởng là nhẹ. Nếu không để ý xử lý đúng cách, bệnh đơn giản cũng có thể hóa biến chứng nặng. Mỗi người hãy chủ động thăm khám khi cần, thực hiện tuân thủ đầy đủ các chỉ định và giữ lối sống lành mạnh khoa học để có một sức khỏe tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital