Đã nhiễm HPV vẫn nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe của nữ giới. Và một trong những nguyên nhân gây bệnh chính là virus HPV. Hiện nay, có rất nhiều người thắc mắc “Nếu bản thân đã nhiễm HPV thì có cần tiêm phòng ung thư cổ tử cung nữa không?”. Thực tế thì bạn vẫn cần tiêm phòng HPV kể cả khi đã nhiễm bệnh. Cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết được tại sao chúng ta không nên bỏ qua việc làm này nhé.

1. Tổng quan về HPV

HPV là tên của loại virus gây u nhú ở người, bao gồm một nhóm khoảng 200 loại virus có liên quan đến nhau. Trong đó, có khoảng 40 loại virus có thể gây ra các bệnh về đường sinh dục bao gồm: âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, dương vật,… và có tới 14 chủng có nguy cơ cao gây bệnh ung thư cổ tử cung.

Virus HPV rất phổ biến, dễ lây lan nên đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh. Virus HPV có thể lây truyền qua đường tình dục và không qua tình dục:

– Lây truyền qua đường tình dục: Dễ nhiễm bệnh khi bạn quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng và hậu môn. Tình trạng lây nhiễm dễ xảy ra nếu virus HPV tiếp xúc với màng nhầy (ở miệng, hậu môn, các bộ phận của cơ quan sinh dục) hoặc vết rách ở trên da.

– Lây truyền không qua tình dục: Có nghĩa là lây truyền bệnh từ mẹ sang con, tiếp xúc qua da/niêm mạc có trầy xước, tiếp xúc với tổn thương như vết loét, máu,…

Độ tuổi dễ mắc bệnh nhất được ghi nhận ở trong khoảng từ 20 đến 30 tuổi. Virus có cơ hội tấn công mạnh ở đối tượng có cơ thể suy yếu hay nhiễm siêu vi, quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình,…

virus hpv là gì

Virus HPV có 14 chủng nguy cơ cao gây nên ung thư cổ tử cung

2. Đã nhiễm HPV có nên tiêm phòng không?

Hiện nay, việc tiêm ngừa bệnh ung thư cổ tử cung là giải pháp chủ động có độ hiệu quả cao trong việc ngăn chặn virus HPV. Vacxin HPV giúp giảm thiểu số lượng ca mắc ung thư cổ tử cung một cách đáng kể. Đặc biệt, tiêm vắc xin sẽ đạt mức độ bảo vệ cao đối với trường hợp chưa từng quan hệ tình dục hoặc chưa từng nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng đã từng nhiễm bệnh thì không cần tiêm phòng HPV. Suy nghĩ này là sai lầm bởi cơ thể người có thể nhiễm 1 hoặc nhiều chủng virus khác nhau. Trong khi đó, vacxin HPV có công dụng ngăn chặn hơn 40 chủng virus nên có thể một số chủng mà vacxin phòng tránh nhưng cơ thể vẫn chưa nhiễm thì hoàn toàn vẫn có tác dụng.

Bên cạnh đó, một số chủng virus HPV có thể tự hết và quay trở lại sau một thời gian nên việc tiêm phòng trong thời gian virus trong người đã hết thì vacxin cũng có công dụng tránh cho virus tái nhiễm.

Ngoài ra, tuy đã nhiễm HPV nhưng trong suốt cuộc đời thì việc quan hệ tình dục sẽ diễn ra rất nhiều lần sau đó. Có thể tác dụng của vacxin không phòng cho những lần quan hệ trước nhưng sẽ phát huy tác dụng trong những lần sau kể từ thời điểm tiêm vacxin.

Để chắc chắn nhất, hãy đi kiểm tra, sàng lọc trước khi tiêm rõ ràng để nhận được chỉ định phù hợp từ bác sĩ chuyên môn.

tiêm phòng ung thư cổ tử cung

Bạn vẫn nên tiêm phòng ngừa ung thư cổ tử cung kể cả khi đã từng nhiễm bệnh

3. Thời điểm nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung

Tiêm vacxin HPV được các chuyên gia y tế khuyến cáo thực hiện ở nhóm 9 – 26 tuổi. Hãy tiêm vacxin HPV càng sớm càng tốt, đặc biệt với người chưa từng quan hệ tình dục để đạt được hiệu quả bảo vệ cao nhất.

Chích ngừa ung thư cổ tử cung đủ liều gồm 3 mũi, áp dụng cho đối tượng từ 15 tuổi trở lên:

– Mũi 1 nên tiêm càng sớm càng tốt.

– Mũi 2 được thực hiện cách mũi đầu tiên 2 tháng.

– Mũi 3 được thực hiện cách mũi đầu tiên 6 tháng.

Nhóm đối tượng từ 9 – 15 tuổi thì chỉ cần tiêm 2 liều, liều sau cách liều trước từ 6 đến 12 tháng.

4. Lưu ý dành cho các chị em

4.1. Lưu ý trước tiêm phòng ung thư cổ tử cung

Trước khi tiêm phòng, chị em nên lưu ý một số điều sau:

– Nếu không biết chắc bản thân có đang mắc chủng nào của virus HPV không thì nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung. Qua xét nghiệm, kiểm tra chuyên sâu, bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn có nhiễm bệnh hay không, từ đó đưa ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp.

– Không tiêm bất kỳ loại vacxin nào khác trong 1 tháng trước khi tiêm phòng HPV.

– Nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào thì bạn cần báo cho bác sĩ biết để đảm bảo an toàn khi tiêm.

– Nếu đang mang thai thì không nên chích ngừa HPV. Lịch trình tiêm phòng cần có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên môn để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.

– Việc tiêm vacxin HPV không hề ảnh hưởng đến sức khỏe trong kỳ kinh nguyệt. Bạn vẫn có thể tiến hành tiêm các liều vacxin theo đúng lịch như bình thường dù đang trong kỳ kinh.

– Nên lựa chọn trung tâm tiêm chủng uy tín, có đội ngũ nhân viên y tế giàu chuyên môn để tư vấn và giải đáp các thông tin liên quan đến vacxin.

lưu ý khi tiêm hpv

Khám sàng lọc với bác sĩ trước khi tiêm để được tư vấn

4.2. Lưu ý sau tiêm phòng ung thư cổ tử cung

Vacxin HPV được đánh giá là an toàn đối với sức khỏe. Tuy nhiên khi vacxin được truyền vào bên trong thì cơ thể sẽ có một vài phản ứng lại. Tùy trường hợp mà mức độ phản ứng sẽ nặng hoặc nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các phản ứng sau tiêm đều ở mức độ nhẹ, biến mất sau một thời gian ngắn nên bạn không nên quá lo lắng:

– Sốt nhẹ.

– Đau, hơi nhức ở vị trí tiêm.

– Đau khớp cơ.

– Mệt mỏi.

Rối loạn tiêu hóa.

Thông thường, sau khi tiêm, bạn nên ở lại địa điểm tiêm ít nhất 30 phút để theo dõi phản ứng và có thể can thiệp kịp thời nếu bộc lộ phản ứng nặng. Sau thời gian theo dõi nếu sức khỏe không có gì nghiêm trọng thì có thể ra về.

Khi về nhà, bạn nên tự theo dõi trong vòng 24h tiếp theo. Nếu có biểu hiện sốt cao trên 39 độ, nôn ói, chóng mặt,… thì bạn cần tới cơ sở y tế gần nhà để kiểm tra.

Trên đây là giải đáp cho thắc mắc “Nếu đã nhiễm HPV thì có cần tiêm ngừa bệnh ung thư cổ tử cung nữa không?”. Hy vọng với thông tin của chúng tôi, bạn có thêm hiểu biết về vấn đề này cũng như những lưu ý khi đi tiêm phòng HPV.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital