Có polyp túi mật: Khi nào điều trị bảo tồn? Khi nào phẫu thuật?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

polyp túi mật là bệnh lý chủ yếu được phát hiện tình cờ trên siêu âm hoặc khi người bệnh đi khám vì lý do đầy bụng, chậm tiêu. Chẩn đoán này khiến nhiều người bệnh hoang mang và lo lắng. Bởi không biết polyp là lành tính hay ác tính, điều trị ra sao, có cần phải mổ không?

1. Có polyp túi mật là gì?

Có polyp túi mật là tình trạng tổn thương tổn thương dạng u hoặc giả u hình thành và phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Bệnh là hậu quả của quá trình tăng sinh quá mức các tế bào trong niêm mạc thành túi mật. Polyp túi mật là bệnh khá phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, giới tính nhưng chủ yếu gặp ở người trưởng thành.

Các hình thái tổ chức u nhú có bản chất khác nhau nên có thể là lành tính (vô hại) hoặc không lành tính (ung thư). Có khoảng 92% các trường hợp polyp đều lành tính, gồm có hai loại: u tuyến như u cơ, u mỡ, adenoma,… hay u giả như viêm giả u, polyp thể cholesterol,…  Phần còn lại 8% polyp túi mật có khả năng phát triển ác tính, gồm ung thư tuyến, u sắc tố, di căn ung thư,…

Số lượng và kích thước của polyp túi mật khá phong phú. Đa số người bệnh có một polyp với kích thước nhỏ hơn 10mm. Tuy nhiên, một số trường hợp người bệnh cùng có nhiều polyp trong túi mật hoặc kích thước có thể lên đến 20-40mm. Kích thước của polyp túi mật thường là giá trị để tiên đoán chúng có chuyển thành ung thư hay không. Polyp kích thước càng lớn thì nguy cơ ung thư hóa càng cao.

Đa số người bệnh có polyp túi mật kích thước dưới 10mm

Đa số người bệnh có polyp túi mật kích thước dưới 10mm.

2. Triệu chứng và cách chẩn đoán có polyp túi mật

2.1. Triệu chứng có polyp túi mật

Phần lớn các trường hợp polyp túi mật không có triệu chứng hoặc triệu chứng không đặc hiệu, mơ hồ. Do đó, bệnh thường được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hay đi khám vì các lý do khác. Chỉ có khoảng 6-8% người bệnh có biểu hiện triệu chứng. Thường gặp nhất là đau tức dưới sườn phải hoặc đau vùng thượng vị. Một số ít người bệnh có biểu hiện buồn nôn, nôn, ăn chậm tiêu và co cứng vùng dưới sườn phải. Các triệu chứng này càng biểu hiện rõ nét khi người bệnh ăn thức ăn chiên, xào, nhiều chất béo.

2.2. Chẩn đoán có polyp túi mật

Việc phát hiện polyp túi mật giai đoạn đầu khi không có triệu chứng chủ yếu nhờ các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Siêu âm ổ bụng tổng quát là phương án hữu hiệu và thường được sử dụng nhất vì dễ tiếp cận, chi phí phải chăng, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Qua siêu âm, bác sĩ có thể xác định được vị trí, số lượng, kích thước của polyp. Đồng thời có thể phân biệt được polyp thể cholesterol với các thể khác. Tuy nhiên, qua hình ảnh siêu âm thường chỉ phát hiện rõ khi polyp có đường kính từ 5mm trở lên, khó phân biệt được polyp lành tính hay ác tính và dễ gây chẩn đoán lầm với trường hợp sỏi dính chặt trên thành túi mật.

Trong các trường hợp polyp túi mật kích thước nhỏ hoặc nghi ngờ ác tính, người bệnh có thể được chỉ định chụp CT scanner, cộng hưởng từ MRI, nội soi sinh thiết để chẩn đoán xác định.

3. Polyp túi mật có tự biến mất không?

Theo ý kiến của các chuyên gia y tế, polyp túi mật không thể tự biến mất. Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài phẫu thuật cắt túi mật thì chưa có thuốc chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Tuy nhiên, khoảng 92% polyp túi mật có bản chất lành tính (không ung thư). Người bệnh không cần can thiệp điều trị cắt bỏ túi mật mà có thể chung sống hòa bình với chúng. Tuy vậy, người bệnh cần siêu âm theo dõi định kỳ kết hợp với việc điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt để kiểm soát tình trạng bệnh.

Với polyp có kích thước lớn, phát triển nhanh, chân lan rộng hoặc có nhiều polyp,… có nguy cơ tiến triển lên ung thư. Khi này, người bệnh nên nghe theo tư vấn của bác sĩ có nên làm phẫu thuật cắt bỏ hay không.

Phát hiện có polyp túi mật khiến nhiều người bệnh lo lắng

Polyp túi mật không thể tự mất đi và mặc dù đa phần là lành tính nhưng người bệnh tuyệt đối không được chủ quan.

4. Khi nào cần phẫu thuật polyp túi mật?

Hiện nay, chưa có phương pháp chẩn đoán chính xác bản chất của polyp túi mật nếu chưa có can thiệp phẫu thuật. Vì vậy, các chuyên gia đã thống nhất phác đồ điều trị phẫu thuật đối với các trường hợp có polyp túi mật như sau:

– Một polyp túi mật nhưng chân polyp lan rộng (polyp không cuống).

– Có polyp túi mật kích thước từ trên 10mm.

– Polyp túi mật kích thước nhỏ nhưng mọc thành cụm lớn (đa polyp).

– Polyp túi mật phát triển nhanh bất thường, dễ dàng lan rộng hoặc tăng thêm về kích thước cũng như số lượng trong một thời gian ngắn.

– Polyp túi mật phát triển ở người trên 50 tuổi.

– Polyp túi mật có triệu chứng và gây viêm túi mật thường xuyên.

– Polyp xuất hiện ở người viêm xơ đường mật nguyên phát, người bị sỏi túi mật, người đái tháo đường,…

Ngày nay, với việc phát triển của y học, phẫu thuật cắt túi mật nội soi là tiêu chuẩn vàng để điều trị bệnh lý polyp túi mật. Đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, ít đau, ít biến chứng và người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe.

Sau khi đã cắt bỏ túi mật, người bệnh cần lưu ý thực hiện chế độ ăn uống dễ tiêu hóa, hạn chế ăn mỡ, phụ tạng động vật và đi khám bệnh định kỳ để được theo dõi thể trạng sức khỏe.

5. Sống chung với polyp túi mật

Những dạng polyp kích thước nhỏ và lành tính, người bệnh hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với chúng mà không cần can thiệp phẫu thuật. Điều may mắn là có đến 92% các trường hợp polyp túi mật có đường kính dưới 10mm và vô hại. Người bệnh cần:

5.1. Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt:

– Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, củ quả, ngũ cốc nguyên hạt,… để cung cấp chất xơ, chất chống oxy hóa, các vitamin và khoáng chất giúp tăng cường sức khỏe gan mật, cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa và kiểm soát polyp túi mật phát triển.

– Sử dụng các loại chất béo tốt có nguồn gốc từ thực vật như dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu hạnh nhân,… để giảm cơn đau túi mật.

– Không nên sử dụng thực phẩm giàu chất béo bão hòa như da của các loại thịt da cầm, mỡ và nội tạng động vật, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, đồ uống có cồn, thực phẩm giàu đường và chứa chất tạo ngọt nhân tạo… Những thực phẩm này có thể làm tăng kích thước polyp túi mật và khiến các triệu chứng bệnh trầm trọng hơn.

Bên cạnh chế độ ăn uống, người bệnh nên duy trì luyện tập thể dục thường xuyên mỗi ngày như đi bộ, yoga, đạp xe, bơi lội,… để tăng cường vận động đường mật và hạn chế sự ứ đọng của dịch mật.

Có polyp túi mật có nguy hiểm không

Điều trị bảo tồn với polyp túi mật có kích thước dưới 10mm bằng việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt

5.2. Siêu âm định kỳ

– Polyp kích thước dưới 5mm chưa có yếu tố nguy cơ ác tính: siêu âm theo dõi định kỳ 12 tháng/lần

– Polyp kích thước dưới 5mm có yếu tố nguy cơ ác tính: siêu âm theo sõi sức khỏe từ 6-9 tháng/lần.

– Polyp kích thước từ 6-9mm không có yếu tố nguy cơ ác tính: siêu âm theo dõi định kỳ từ 6-12 tháng/lần.

– Polyp kích thước từ 6-9mm chưa xuất hiện triệu chứng nhưng kèm theo các yếu tố nguy cơ: siêu âm theo dõi chặt chẽ 3 tháng/lần.

Trong quá trình theo dõi, nếu người bệnh có dấu hiệu bất thường như đau hạ sườn phải thường xuyên, nôn, xốt,… thì cần tái khám sớm.

Có polyp túi mật là bệnh lý đường mật phổ biến. Đa phần polyp túi mật là lành tính nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ có khả năng tiến triển thành ung thư. Do đó  thăm khám, điều trị và theo dõi polyp chặt chẽ là chiến lược hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho người bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital