Với nhiều ưu thế, chụp cộng hưởng từ (MRI) được đánh giá là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại hàng đầu hiện nay giúp phát hiện nhiều bệnh lý từ đơn giản đến phức tạp. Vậy chụp cộng hưởng từ MRI là gì, được chỉ định khi nào và cần lưu ý điều gì khi thực hiện? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Chụp cộng hưởng từ là gì?
Chụp cộng hưởng (MRI – Magnetic Resonance Imaging) là kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng tái hiện hình ảnh giải phẫu của cơ thể nhờ sử dụng từ trường và sóng radio.
Với khả năng tái hiện hình ảnh các lớp cắt của các bộ phận cơ thể từ nhiều góc độ khác nhau trong khoảng một thời gian ngắn, chụp cộng hưởng từ là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, hiệu quả và ngày càng được sử dụng phổ biến. Đặc biệt, do không sử dụng tia X nên phương pháp này còn được đánh giá cao về độ an toàn.
Hiện nay, MRI được sử dụng để kiểm tra gần như mọi cơ quan trong cơ thể con người, giúp các bác sĩ nhận diện rõ hơn các tổn thương, từ đó có những chỉ định điều trị hay phẫu thuật phù hợp.
2. Chụp cộng hưởng từ được chỉ định trong những trường hợp nào?
2.1 “Tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán các tổn thương ở não
MRI đặc biệt có giá trị trong chẩn đoán các bệnh lý và tổn thương ở não hoặc dây thần kinh cột sống, thường được chỉ định trong các trường hợp nghi ngờ:
– U não
– U thần kinh sọ não
– Tai biến mạch máu não
– Chấn thương
– Động kinh
– Bệnh chất trắng
– Viêm não, viêm màng não
– Dị dạng mạch máu
– Dị tật bẩm sinh ở não
– Các bệnh lý liên quan đến mạch máu như phình, tắc hẹp mạch não
2.2 Chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI tại các cơ quan khác
Ngoài chụp não, MRI còn được sử dụng trong chẩn đoán các bệnh lý ở các vùng cơ quan như sau:
– Các bệnh liên quan đến mắt, tai mũi họng: u, chấn thương, viêm.
– Các bệnh về cột sống: Điển hình là thoái hóa cột sống – đĩa đệm, phình – thoát vị đĩa đệm, u tủy sống, chấn thương, viêm…
– Các bệnh liên quan về xương khớp: Trong các trường hợp gãy xương, phù tủy xương, nghi ngờ các tổn thương ở khớp vai, khớp háng, khớp khuỷu tay, cổ tay, cổ chân,…
– Các bệnh lý ung thư: Nghi ngờ có khối u phần mềm, phát hiện sớm ung thư.
– Các bệnh về vú: nghi ngờ u lành tính, ác tính, tình trạng viêm nhiễm.
– Các bệnh lý vùng chậu: kiểm tra u, viêm nhiễm ở tử cung, buồng trứng, các bệnh sa trực tràng – hậu môn, rò hậu môn.
– Các bệnh lý ở cơ quan nội tạng như gan, lách, phổi: nghi ngờ sỏi đường mật, u, viêm, …
Ngoài ra các kỹ thuật cao hơn như MRI tim, MRI khuếch tán, tưới máu não… có thể được chỉ định để chẩn đoán các tổn thương khi thực sự cần thiết.
3. Ưu điểm của chụp MRI
Chụp MRI là phương pháp chẩn đoán hình ảnh có nhiều ưu điểm:
– Không sử dụng tia X, không có các bức xạ hay tác dụng phụ gây nguy hiểm cho người chụp.
– Hình ảnh cấu trúc các mô mềm trong cơ thể rõ hơn và chi tiết hơn so với ảnh được tạo bằng các phương pháp khác. Nhờ đó giúp cho các bác sĩ đánh giá một cách chính xác được các chức năng hoạt động cũng như cấu trúc của nhiều cơ quan nội tạng trong cơ thể như não, tim, gan, thận và phát hiện nhiều bệnh lý phức tạp.
– Có giá trị cao trong việc phát hiện các khối u.
– Cho phép phát hiện các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương, điều khó có thể nhận ra bằng các phương pháp tạo ảnh khác.
– Phương pháp chụp MRI có thể cung cấp nhiều thông tin có giá trị hơn trong việc chẩn đoán các bệnh về tim mạch.
4. Những lưu ý để an toàn khi chụp MRI
Tuy được đánh giá cao về độ an toàn nhưng vẫn có những chống chỉ định cho những người chụp MRI. Do vậy, bạn cần lưu ý một số điều để giúp quá trình chụp chiếu thuận lợi và đảm bảo kết quả chính xác.
4.1 Lưu ý về việc loại bỏ các thiết bị chứa kim loại trước khi chụp
Hãy thông báo cho kỹ thuật viên phòng chụp MRI nếu bạn có đặt máy tạo nhịp, van tim nhân tạo, máy trợ thính, cấy ghép thiết bị điện tử, đinh nội tủy hay sử dụng kim loại kết hợp xương, có mảnh đạn trong người, vòng tránh thai T Cu 380A, răng giả… Bởi những thiết bị này cần được lấy ra khỏi cơ thể trước khi chụp MRI.
Bỏ các vật liệu chứa kim loại như đồ trang sức, đồng hồ, kẹp tóc, chìa khoá, máy tính, máy điện thoại di động, thẻ tín dụng… trước khi vào phòng chụp MRI.
4.2 Lưu ý trong trường hợp chụp cộng hưởng từ MRI có thuốc cản quang
Đối với những trường hợp cần tiêm thuốc tương phản từ, kỹ thuật viên sẽ hỏi bệnh nhân về tiền sử dị ứng uống, tiền sử các bệnh mạn tính, đặc biết là bệnh thận trước khi chụp, sau đó được hướng dẫn ký giấy cam kết. Thuốc tương phản từ không gây độc cho cơ thể nhưng với các bệnh nhân có tiền sử dị ứng, thuốc có thể gây tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, tê rần tay, chân và nổi mẩn ngứa… Mặc dù vậy, tỷ lệ gây dị ứng rất thấp, các tác dụng phụ nếu có cũng rất nhẹ và mất hẳn sau khi dùng thuốc dị ứng.
4.3 Lưu ý về thời gian chụp MRI
Quá trình chụp MRI thường mất khoảng từ 15 – 60 phút tùy theo số lượng bộ phận, cơ quan chụp và sự hợp tác của người bệnh trong quá trình chụp chiếu. Trong suốt quá trình chụp MRI, người chụp cần tuân theo sự hướng dẫn của kỹ thuật viên phòng chụp MRI. Cố gắng nằm yên, không cử động để có chất lượng hình ảnh tốt nhất. Thời gian này có thể kéo dài hơn nếu bác sĩ chẩn đoán phát hiện có những biểu hiện bất thường.
Thời gian trả kết quả sớm nhất cho bệnh nhân là khoảng 15 phút (thường là trong các trường hợp cấp cứu). Tuy nhiên những ca khó cần hội chẩn, thời gian này có thể kéo dài vài tiếng đồng hồ.
Hi vọng những thông tin về chụp cộng hưởng từ MRI trong bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về kỹ thuật này và nắm được những lưu ý giúp quá trình chụp trở nên